Thông điệp nào khi Chính phủ Mỹ lần đầu rót vốn vào doanh nghiệp tư nhân Việt Nam?
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management (SAM). Ảnh: Quý Hòa.
US International Development Finance Corporation (DFC) là một tổ chức tài chính của chính phủ Mỹ với tổng nguồn vốn là 60 tỉ USD, tập trung đầu tư những doanh nghiệp tư nhân tại các nước đang phát triển qua các lĩnh vực an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới và tăng khả năng tiếp cận tài chính. Vừa qua, DFC đã thông báo chấp thuận 22 giao dịch có giá trị lên tới 1,4 tỉ USD đầu tư vào các công ty tác động thúc đẩy sự phát triển ở các nước đang trên đà phát triển.
Trong số các tập đoàn được phê duyệt trong quý này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là tổ chức tài chính đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam nhận được khoản vay lên tới 200 triệu USD với lãi xuất ưu đãi để hỗ trợ những công ty phát triển bền vững, ví dụ như những công ty vừa và nhỏ (SMEs), năng lượng xanh, giải quyết khủng hoảng khí hậu, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, phụ nữ lãnh đạo.
Nhân sự kiện này, Nhịp Cầu Đầu Tư đã có cuộc trò chuyện với ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management (SAM). SAM là đơn vị tư vấn cho SeABank và DFC để hoàn tất giao dịch này. Đồng thời, SAM và các quỹ thành viên đã đầu tư hơn 500 triệu USD vào các công ty trong lĩnh vực phát triển bền vững, tài chính, công nghệ, năng lượng, giáo dục, nông nghiệp, F&B, bất động sản.
Ông có thể chia sẻ về quá trình làm việc cùng SeABank và DFC, từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn tất thương vụ?
Trước đây, tôi là Chủ tịch Uỷ ban Thị trường vốn và Dịch vụ tài chính phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và được cơ hội gặp Tổng giám đốc của DFC khi ông ấy đến thăm Thủ tướng Việt Nam. DFC thuộc nhà nước Mỹ là tương tự như IFC thuộc World Bank hay là ADB thuộc những nước lớn tại châu Á. IFC và ADB đã hoạt động vài chục năm tại Việt Nam và đã đổ nhiều khoản đầu tư rất lớn cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, chỉ gần đây DFC mới bắt đầu tập trung vào Việt Nam vì sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế vĩ mô.
Cùng lúc đó, Việt Nam là quốc gia có nhu cầu cao về mảng phát triển bền vững. Tổng giám đốc DFC thuyết phục tôi nên đầu tư bền vững và trách nhiệm (Sustainable and Responsible Investment) và cũng như hỗ trợ DFC tìm kiếm những mục tiêu đầu tư ở Việt Nam. Qua những quỹ đầu tư của SAM, chúng tôi đã đầu tư vào một số ngân hàng trên thị trường chứng khoán và cảm thấy đây là một lãnh vực phù hợp để hỗ trợ DFC giải ngân nguồn vốn rộng rãi hơn tại Việt Nam. Chúng tôi nghiên cứu, lựa chọn và trao đổi với lãnh đạo của 5 ngân hàng cổ phần phù hợp nhất và giới thiệu họ với DFC. Sau hơn 1 năm thẩm định, cuối cùng SeABank là ngân hàng phù hợp nhất với DFC.
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management (SAM). Ảnh: Quý Hòa. |
DFC thường nhắm đến các doanh nghiệp trong ngành nào, lĩnh vực nào, thưa ông?
Hiện nay, có 4 lĩnh vực mà DFC đang rất quan tâm: Năng lượng xanh, y tế, cơ sở hạ tầng cấp thiết, và công nghệ. Bên cạnh đó, DFC rất chú trọng về vấn đề an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như nước sạch.
Dòng vốn DFC đó có phải là lần đầu tiên dòng vốn của Chính phủ Mỹ tới doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hay không?
Đúng vậy. Đây là lần đầu tiên DFC đấu tư vốn để hỗ trợ mảng doanh nghiệp tư nhân (private sector) ở Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam cần làm những gì để có thể thu hút được những dòng vốn như DFC?
Nếu bạn là một công ty có thể chứng minh là phát triển bền vững, đóng góp vào sự công bằng cho xã hội, ảnh hưởng tích cực đến môi trường và đạt được mức doanh thu, lợi nhuận hợp lý thì có thể bạn sẽ là mục tiêu đầu tư của DFC.
Ví dụ, nếu tôi sản xuất thực phẩm, thì tôi sẽ ưu tiên nguồn nguyên liệu nào có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giá nguyên vật liệu đầu vào có thể cao hơn, biên lợi nhuận sẽ không cao bằng những doanh nghiệp khác nhưng đổi lại được chất lượng thành phẩm tốt, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng từ đó tạo gia thương hiệu có giá trị.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng phát triển vững bền thì không đi cùng với lợi nhuận. Điều đó sẽ đúng nếu bạn cảm thấy không quan tâm đến môi trường và trách nhiệm xã hội. Chi phí sẽ phát sinh nếu công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh truyển thống sang hướng bễn vững. Dòng tiền đầu tư từ DFC sẽ hỗ trợ một phần chi phí này. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ của công ty sẽ tăng lên, giá bán cũng sẽ tăng lên và thị trường được mở rộng. DFC và những quỹ đầu tư phát triển bền vững thường sẽ cho vay, đầu tư cổ phần vào công ty. Bên cạnh đó họ còn đưa đội ngũ, những chuyên gia có chuyên môn để ủng hộ và cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn toàn cầu hóa và thúc đẩy xuất khẩu.
Cám ơn ông!
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư