Hủy
Tài Chính

Vì sao Miliket không chịu lớn?

Nguyễn Dương Thứ Hai | 25/04/2022 14:00

Miliket chưa từng ghi nhận khoản lỗ nào từ khi lên sàn năm 2017. Ảnh: Quý Hòa.

Kết quả kinh doanh kém khả quan làm dấy lên mối nghi ngại về tương lai của Miliket.
 

Báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty Cổ phần Colusa - Miliket (gọi tắt là Miliket) ghi nhận doanh thu gần 574 tỉ đồng (giảm gần 7%), lợi nhuận sau thuế đạt hơn 14 tỉ đồng (giảm khoảng 36%). Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, lợi nhuận Miliket sụt giảm.

Thị trường lao đao? 

Bức tranh này khiến giới đầu tư nghi ngại về tương lai của Miliket. Nhưng nếu nhìn về hiệu quả kinh doanh, rõ ràng Miliket đang làm khá tốt. Doanh nghiệp này cũng chưa từng ghi nhận khoản lỗ nào từ khi lên sàn năm 2017. 

 

Hãy thử nhìn hiệu quả kinh doanh của Miliket từ góc độ của một nhà đầu tư dài hạn. Có nhà đầu tư nọ và 3 người bạn cùng góp vốn mở xưởng sản xuất và bán mì gói bình dân. Khi Công ty lên sàn UPCoM từ năm 2017 đến nay, doanh thu mỗi năm đều đạt từ 500-600 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đều trên 20 tỉ đồng, còn cổ tức ở mức 25-35% (2.500-3.500 đồng/cổ phiếu). 4 cổ đông này đều nhận cổ tức hằng năm khoảng 2,6-4,6 tỉ đồng... Tại Miliket, 4 nhà đầu tư này cũng chính là 4 cổ đông lớn nắm phần lớn cổ phần Công ty (gần 81% cổ phần). Cụ thể, Tổng Công ty Lương thực miền Nam nắm hơn 30% cổ phần; bà Lưu Thị Tuyết Mai nắm hơn 20% (Chủ tịch Miliket); Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam giữ 20%; và ông Trịnh Việt Dũng sở hữu gần 10% (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc - IDV).

Với kết quả kinh doanh như trên, rõ ràng việc kiếm tiền của Miliket không phải là quá tệ. Nhất là sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này khá tốt. Cho đến cuối năm 2021, báo cáo tài chính ghi nhận Miliket không vay ngân hàng đồng nào, còn gửi dài hạn hơn 100 tỉ đồng tại các ngân hàng để lấy lãi. 

Nhưng nhà đầu tư luôn nhìn về tương lai và muốn doanh nghiệp ngày càng lãi nhiều hơn nữa. Miliket lại chưa đáp ứng được kỳ vọng đó. Nhất là trong năm 2021, thị trường mì gói tăng trưởng đột biến nhưng Miliket lại giảm cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Vì sao chưa chịu “lớn”?

Là tổ chức chuyên sản xuất lương thực thực phẩm có từ trước ngày thống nhất đất nước, Miliket hẳn hiểu thị trường và biết rõ áp lực phát triển nằm ở đâu. Nhưng không phải họ muốn là làm được. Nhìn vào cơ cấu cổ đông của Miliket, có thể thấy rõ rào cản lớn nhất chính là còn vốn nhà nước quá lớn. Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã nắm 50% cổ phần. Nếu lỡ thua lỗ, đó không chỉ là rủi ro kinh doanh mà còn là vấn đề quản lý vốn nhà nước mà họ phải chịu trách nhiệm. Bởi vậy, dù có kế hoạch mới tiềm năng, nhưng nếu có yếu tố rủi ro cao, cũng chưa chắc được cổ đông lớn thông qua.

Về mặt thị trường, động lực tăng trưởng của Miliket vài mấy năm qua phụ thuộc vào hệ thống phân phối và nhu cầu tiêu dùng mì gói (khoảng 4% mỗi năm). Trong năm 2021, tiêu thụ mì tại Việt Nam tăng đột biến gần 30%, đạt hơn 7 tỉ gói mì. Bộ tứ thống lĩnh thị trường mì gói (Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben và Asiafoods) nắm giữ gần 90% thị phần, đều tăng trưởng doanh thu khoảng 30% trong năm 2021 - thời điểm “người người ăn mì, nhà nhà nấu mì” do phải ở nhà tránh dịch. Miliket chiếm được khoảng 4% thị phần nhưng không nắm bắt được cơ hội này, đã không tăng trưởng mà còn sụt giảm.

Miliket chiếm được khoảng 4% thị phần nhưng không nắm bắt được cơ hội này, đã không tăng trưởng mà còn sụt giảm. Ảnh: Quý Hòa
Miliket chiếm được khoảng 4% thị phần nhưng không nắm bắt được cơ hội này, đã không tăng trưởng mà còn sụt giảm. Ảnh: Quý Hòa

Theo lý giải của Miliket, năm 2021, Công ty phải tăng chi phí hỗ trợ công nhân, số lao động giảm nên doanh thu giảm, tiền lãi thu được từ gửi ngân hàng giảm do lãi suất giảm. Nhưng dễ thấy nhất, Miliket không kịp thời cải tiến sản phẩm theo đúng xu hướng thị trường trong đại dịch, do không đầu tư làm marketing.

Trong năm 2021, Masan chi ra hơn 2.000 tỉ đồng cho marketing thì hình ảnh Miliket hiếm thấy ở các kênh truyền thông. Đồng thời, trong mùa dịch, Masan lập tức ra mắt bộ sản phẩm ăn sáng tại nhà và thành công vang dội, thì Miliket chỉ ra được sản phẩm cháo yến - vốn chưa phù hợp với thói quen tiêu dùng nhanh của khách hàng. 

Trên thực tế, Miliket vẫn đón đầu nhu cầu tiêu dùng bằng cách mở rộng danh mục sản phẩm theo hướng tiện lợi (mì ly hay tô, mì lẩu hay bò, hủ tiếu...). Nhưng có lẽ vấn đề chất lượng chưa được cải tiến và định vị thương hiệu theo hướng già cỗi, nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của nhóm người tiêu dùng chính hiện nay là thế hệ Gen Z.

 

Công nghệ sản xuất mì gói thì như nhau, chỉ khác biệt ở gói gia vị và làm marketing.
Kênh phân phối của Miliket cũng là vấn đề khiến nhà đầu tư băn khoăn. Báo cáo của Miliket ghi nhận đối tác phân phối chính của Công ty là Mesa và cũng không ghi rõ độ lớn của hệ thống phân phối. Công ty Mesa có Chủ tịch Hội đồng Quản trị là bà Lưu Thị Tuyết Mai, cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Miliket.

Ngoài khâu phân phối còn hạn chế, việc chưa có định hướng phát triển dài hạn có lẽ là yếu tố kiềm chân Miliket nhiều năm qua. Từ lúc cổ phần hóa năm 2006 đến nay, Miliket vẫn giữ vốn điều lệ ở mức 48 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông vẫn thế và chưa chịu tăng vốn để có nguồn lực phát triển thêm. Đồng thời, mỗi năm có lãi bao nhiêu đều đem ra chia hết, chủ yếu cho 4 cổ đông lớn.

Đại diện một quỹ đầu tư lớn ở Việt Nam từng chia sẻ rằng quan điểm đầu tư của họ phụ thuộc vào 2 yếu tố. Một là năng lực của đội ngũ lãnh đạo, hai là tham vọng phát triển dài hạn. Hai điều này Miliket chưa có và chưa muốn thay đổi. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, một khi Miliket chịu tăng vốn, chịu mời thêm đội ngũ nhân tài vào góp cổ phần và cống hiến, khi đó Miliket mới lớn được. Vấn đề là khi nào Miliket chấp nhận thay đổi.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới