Chứng khoán châu Á đi ngang, chờ tín hiệu từ ECB
Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương tăng chưa đến 0,1% lên 142,91 điểm vào lúc 16h16 tại Hồng Kông sau khi giảm mạnh 0,2%. Tháng 5, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2013 khi thị trường tin tưởng rằng, Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích, thúc đẩy tăng trưởng.
Cổ phiếu của nhóm ngành năng lượng và y tế giảm giá trong khi cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu tăng mạnh nhất. Giá cổ phiếu của nhóm ngành năng lượng giảm mạnh nhất châu Á trong phiên giao dịch ngày 5/6.
Hệ số giá trên thu nhập (P/E) của chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương là 13,1 điểm, thấp hơn so với mức 16,3 điểm của chỉ số S&P 500 theo số liệu của Bloomberg.
Chỉ số Straits Times của Singapore gần như không đổi, chỉ giảm 0,02%. Báo cáo của công ty nghiên cứu GMT cho biết, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp của Singapore đang hướng tới ngưỡng nguy hiểm như ở Trung Quốc và Ấn Độ. Báo cáo của GMT cho thấy, mức nợ đã tăng gấp 6 lần dòng vốn chảy trong khối doanh nghiệp phi tài chính của Singapore năm 2013 so với mức tăng 5,1 lần trong năm 2012.
Trong khi đó, giá nhà ở tại Singapore có thể sẽ giảm hơn nữa trước khi các biện pháp kiềm chế nhà ở đưa ra 5 năm trước được nới lỏng, Lim Cheng Teck, CEO Standard Chartered Plc (STAN) tại Đông Nam Á cho biết.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,1%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,7%. Ngược lại, chỉ số SET của Thái Lan tăng 0,2% và BSE S&P Sensex của Ấn Độ tăng 0,4%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,08%. Thị trường bất động sản tại Nhật Bản xuất hiện dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Năm 2013, giá nhà đất tại Tokyo đã tăng trở lại sau 2 năm gần như giảm liên tục. Trong quý I/2014, tổng giá trị giao dịch bất động sản thương mại tại Tokyo tăng lên 10,1 tỷ USD, vượt qua cả New York và London.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,2% trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng 0,8%. Tháng 5, tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc chậm nhất trong 4 tháng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành dịch vụ giảm xuống 50,7 điểm trong tháng 5 so với mức 51,4 điểm của tháng 4, theo HSBC/Markit.
Tháng 5, hoạt động kinh doanh tại khu vực đồng euro tăng trưởng chậm lại so với tháng trước đó nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng, hướng tới quý hoạt động có hiệu quả nhất trong 3 năm. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) phức hợp - đo lường cả hoạt động sản xuất và dịch vụ - theo Markit Economics giảm xuống 53,5 điểm trong tháng 5 so với ước tính sơ bộ là 53,9 điểm.
Thị trường dự đoán, ECB có thể là ngân hàng trung ương đầu tiên hạ lãi suất xuống mức tiêu cực để đối phó với lạm phát thấp.
Trong khi đó, ngành công nghiệp dịch vụ của Mỹ trong tháng 5 tăng trưởng ở tốc độ nhanh nhất trong 9 tháng. Trên thị trường việc làm, báo cáo quốc gia về việc làm của ADP cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân đã bổ sung 179.000 việc làm trong tháng 5. Con số này thấp hơn nhiều so với số liệu của tháng 4 là 215.000 việc làm và dự báo của các chuyên gia kinh tế là 210.000 việc làm.
Theo báo cáo Beige Book do Fed công bố ngày 4/6, tăng trưởng kinh tế Mỹ được ghi nhận từ mức độ "khiêm tốn" đến "vừa phải" tại toàn bộ 12 khu vực được Fed khảo sát. Kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, diễn biến này phù hợp với dự đoán trước đó của các chuyên gia Fed về việc tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ có sự phục hồi trong quý 2/2014 sau khi các nguyên nhân liên quan đến yếu tố thời tiết gây suy giảm kinh tế chấm dứt.
Chỉ số | Quốc gia | % Thay đổi |
MSCI châu Á Thái Bình Dương | <+0,01 | |
S&P/ASX 200 | Úc | -0,1 |
Nikkei 225 | Nhật Bản | +0,08 |
Shanghai Composite | Trung Quốc | +0,8 |
Straits Times | Singapore | -0,02 |
Hang Seng | Hồng Kông | -0,2 |
Kospi | Hàn Quốc | -0,7 |
Nguồn Theo DVO/ Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư