Hủy
Thế giới

Đông Á-Thái Bình Dương: Sau "thần kỳ", cần tiếp tục thay đổi

Diễm Trang Thứ Ba | 05/12/2017 08:55

 
 
Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề xuất các nước đang phát triển trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cần thay đổi chính sách tiếp cận.

Thay vì duy trì mô hình tăng trưởng công bằng, thì các quốc gia này cần thực hiện mô hình tăng trưởng bao trùm, đảm bảo xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống cho người dân.

Theo báo cáo "Sự thần kỳ của Đông Á trong thế kỷ XXI” của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố mới đây, hơn 90% người Trung Quốc và hơn nửa dân số Philippines cho rằng khoảng cách thu nhập tại hai nước này quá lớn. Tại Indonesia, khoảng 90% người dân cho rằng cần giải quyết vấn đề bất bình đẳng một cách cấp thiết; còn 8 trong số 10 người Việt Nam lo lắng về khoảng cách mức sống.

Dong A-Thai Binh Duong: Sau
Thu nhập của nhóm người nghèo đã tăng lên, song khoảng cách về thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao và thu nhập thấp vẫn rất lớn.

Giữa các tầng lớp có sự phân hóa về thu nhập

Nhìn vào thực tế hiện nay có thể thấy, thu nhập và tài sản chủ yếu tập trung vào một nhóm người. Ngoài ra, tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu vẫn còn hạn chế, nếu có, thì chất lượng thường thấp.

Vì vậy, việc đảm bảo an ninh kinh tế cho mọi người ngày càng trở nên khó thực hiện hơn, nhất là khi các nước trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức mới như dân số già hoá, dự báo tăng trưởng kinh tế kém khả quan và đô thị hoá mạnh mẽ hơn.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á- Thái Bình Dương, cho rằng: “Đưa gần 1 tỷ người trong khu vực thoát khỏi tình trạng đói nghèo trong vòng 1 thế hệ là một kỳ tích lịch sử. Nhưng nếu các nước trong khu vực muốn duy trì tăng trưởng hài hòa thì họ phải xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đói nghèo, cải thiện địa vị kinh tế và đảm bảo an ninh kinh tế cho mọi người”.

Trước đây, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương là khu vực bao gồm hầu hết các nước nghèo vào những năm 1980. Đến nay, khu vực này đã trở thành một tập hợp các nền kinh tế có thu nhập trung bình. Năm 2015, gần 2/3 dân số trong khu vực thuộc tầng lớp đảm bảo về kinh tế hoặc trung lưu. Đây là mức tăng đáng kể so với so với tỷ lệ trên 20% năm 2002.

Tỷ lệ nghèo cùng cực và nghèo trung bình giảm mạnh, từ gần một nửa dân số năm 2002 xuống dưới 1/8 dân số năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ nhóm dễ bị nghèo trở lại (với thu nhập 3,10 -5,10 USD/ngày) vẫn không thay đổi trong khoảng thời gian 2002-2015 và xoay quanh mức khoảng 1/4 dân số.

Vì vậy, đây là thời điểm mà khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cần nhận ra những tồn tại và thay đổi các chính sách tăng trưởng để giải quyết các vấn đề mà các tầng lớp kinh tế khác nhau phải đối mặt.

Những trụ cột giải quyết thách thức

Trong đó, phải kể đến các chính sách tăng cường cơ hội tiếp cận kinh tế cho các nhóm nghèo và đảm bảo sự tăng trưởng trên diện rộng, nhằm giúp các nhóm này đạt được mức thu nhập cao hơn. Đồng thời, tăng cường tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, ví dụ như dịch vụ y tế, cơ sở hạ tầng và đổi mới cơ chế quản lý rủi ro.

Ngoài ra, cũng cần chú trọng các chính sách ưu tiên đối với nhóm đảm bảo về kinh tế và nhóm trung lưu về tăng cường cung cấp và tăng cường dịch vụ công, ví dụ nhà ở, cấp nước, vệ sinh môi trường.

Dong A-Thai Binh Duong: Sau
 

Để làm được điều này, các nhà Lãnh đạo cần dựa trên 3 trụ cột. Một là, tăng cường cải thiện địa vị kinh tế nhằm giảm khoảng cách tiếp cận tới công ăn việc làm và dịch vụ, cải thiện chất lượng việc làm, và tăng hòa nhập tài chính. Hai là, tăng cường an ninh kinh tế bao gồm tăng cường hệ thống an sinh xã hội, mở rộng bảo hiểm xã hội, và tăng tính chịu đựng với các cú sốc. Ba là, tăng cường thể chế cần thiết để tăng sự hòa nhập.

Ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng WB khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, cho rằng: “Chương trình nghị sự về tăng trưởng hòa nhập sẽ tạo ra một thỏa thuận xã hội đối với các chính phủ trong khu vực. Chương trình này sẽ đáp ứng các đòi hỏi của mỗi tầng lớp kinh tế, đồng thời đảm bảo trách nhiệm tài khóa, tăng cường nguồn thu một cách hiệu quả và công bằng”.

Báo cáo của WB đã chia các nước thành 5 nhóm và đề xuất các chính sách cho từng nhóm. Malaysia và Thái Lan là nhóm nước thịnh vượng tiến bộ, đã cơ bản xóa bỏ đói nghèo và có một tầng lớp trung lưu với số lượng lớn cần tập trung vào đáp ứng đòi hỏi của tầng lớp trung lưu, huy động và sử dụng nguồn lực nhằm xóa bỏ những khoảng cách còn lại. 

Trung Quốc và Việt Nam là nhóm nước vừa thoát nghèo đang tiến lên thịnh vượng. Tuy nhiên, cần chú trọng đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu và các nhóm còn dễ bị tổn thương; đồng thời, các nước này cũng cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng già hóa nhanh.

Indonesia, Philippines và Campuchia thuộc nhóm thoát nghèo cùng cực, hiện còn một tỷ lệ nghèo cùng cực thấp nhưng nhóm trung lưu cũng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Theo khuyến nghị của WB, các nước này nên tập trung ưu tiên cải thiện địa vị kinh tế và lồng ghép các chương trình an sinh xã hội.

Các nước chậm phát triển hơn như Lào và Papua New Guinea vẫn còn tỷ lệ đói nghèo lớn. Các nước này nên tập trung giảm nghèo nhanh hơn nữa bằng cách đầu tư vào giáo dục phổ thông, thúc đẩy hòa nhập tài chính, đồng thời tăng cường trợ giúp xã hội và năng lực kháng cự. Đặc biệt, các nước này cần tập trung khai thác cơ hội kinh doanh sẵn có, ví dụ như du lịch và đánh bắt hải sản, xuất khẩu lao động, và cần đầu tư vào giảm nhẹ và phòng tránh thiên tai.

Nguồn Ngân hàng Thế giới/ Enternews


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới