Hủy
Thế giới

Giá nguyên vật liệu giảm mạnh trước lo ngại Trung Quốc giảm tốc

Mỹ Quyên Chủ Nhật | 30/04/2023 21:55

Ảnh: Reuters.

Nếu nền kinh tế Trung Quốc bị “cảm lạnh”, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ muốn “bệnh” theo.
 

Giá các vật liệu công nghiệp như kim loại đen và kim loại màu đang giảm mạnh, trong đó thép đánh dấu mức thấp nhất trong 5 năm, do lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và hậu quả là dư thừa nguồn cung.

Kể từ cuối năm ngoái, giá cả đã tăng đều với dự đoán về sự phục hồi kinh tế sau khi Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero-Covid, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng đó đang chậm lại. Thêm vào đó là những lo ngại rằng các nhà sản xuất Trung Quốc với nguồn cung dư thừa sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, làm giảm giá trên toàn cầu.

Giá thép cuộn cán nóng được niêm yết trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải chạm mức thấp nhất trong 5 tháng, ở mức 3.928 nhân dân tệ (568 USD)/tấn vào ngày 26/4. Thép tấm cán nóng rất cần thiết cho sản xuất cấu kiện xây dựng và máy móc công nghiệp, đóng vai trò là chuẩn mực cho giá thép tại Trung Quốc. Việc giảm giá cho thấy sự suy giảm trong thị trường thép địa phương.

Giá kim loại màu và các sản phẩm hóa chất cũng đang giảm. Chỉ số kẽm quốc tế thấp hơn 20% so với mức cao nhất của năm vào cuối tháng 1. Giá nhôm giảm 10% so với mức cao giữa tháng 1. Giá vinyl clorua ở châu Á, được sử dụng làm vật liệu xây dựng, cũng giảm 6% so với mức cao từng được ghi nhận.

Kỳ vọng hoạt động kinh tế sẽ phục hồi sau khi lệnh phong tỏa Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc được dỡ bỏ, các nhà sản xuất vật liệu cơ bản thượng nguồn đã tăng cường sản xuất. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong quý từ tháng 1 đến tháng 3 tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái lên 294,34 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong giai đoạn đó. Sản lượng thép thô tại Trung Quốc cũng tăng 6% lên 261,6 triệu tấn.

Tuy nhiên, công suất trong sản xuất và các lĩnh vực khác trong quý là 74,5%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm so với cả năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội thực tế cho thấy mức tăng 4,5% trong năm, cao hơn kỳ vọng của thị trường là 4,0%, nhưng sự phục hồi của hàng tiêu dùng lâu bền và các hàng hóa khác đã không mạnh mẽ như mong đợi.

 

Xây dựng, chiếm phần lớn nhu cầu thép, cũng yếu, với đầu tư phát triển bất động sản trong quý giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kỳ vọng về nhu cầu gia tăng đối với vật liệu công nghiệp càng bị giảm sút do Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3 không đưa ra được gói kích thích bất động sản lớn nào. Theo Viện nghiên cứu Marubeni, sản lượng thép thô của Trung Quốc trừ đi lượng tiêu thụ thép trong tháng 1-tháng 3 là khoảng 27,14 triệu tấn thặng dư, mức cao nhất trong hai năm.

Nhà phân tích cấp cao Li Xuelian của viện lưu ý: “Tình trạng dư thừa nguồn cung thép đang gây áp lực giảm giá”.

Thép dư thừa đó đang hướng ra khỏi đất nước. Xuất khẩu thép của Trung Quốc trong quý từ tháng 1 đến tháng 3 đạt tổng cộng hơn 20 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự gia tăng thép giá rẻ của Trung Quốc có thể gây tổn hại cho các nhà sản xuất thép ở các nước khác. Gần 20 tàu chở các sản phẩm thép của Trung Quốc đang neo đậu ngoài khơi cảng Funabashi của Nhật Bản.

“Tôi nghi lượng tàu chờ đợi sẽ còn tăng nhiều hơn trong dịp nghỉ lễ sắp tới”, một doanh nghiệp đầu mối thép cho biết và giải thích về tình trạng các kho chứa thép nhập khẩu từ Trung Quốc đầy và tàu không thể bốc dỡ.

Vào khoảng năm 2015, khi nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, các sản phẩm thép của Trung Quốc đã được chuyển ra nước ngoài, khiến thị trường thép toàn cầu đi xuống. Khả năng cao viễn cảnh này sẽ lại tái diễn. Trung Quốc chiếm 50% nhu cầu thép và kim loại màu của thế giới. Nếu nền kinh tế Trung Quốc bị “cảm lạnh”, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ muốn “bệnh” theo.

Có thể bạn quan tâm: 

Việt Nam, Đài Loan tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ, vượt mặt Trung Quốc

Nguồn Nikkei Asia


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới