Hủy
Thế giới

Giá trần đối với dầu của Nga ảnh hưởng như thế nào tới người tiêu dùng?

Gia Khánh Thứ Sáu | 09/12/2022 09:20

Một tàu chở dầu neo trong một bến cảng dầu khí tại cảng Constanta ở Romania. Ảnh: Bloomberg.

Tác động lớn nhất từ ​​lệnh cấm vận của EU có thể không phải trong tuần này mà là vào ngày 5/2.
 

Mức trần giá 60 USD đối với dầu của Nga, có hiệu lực từ ngày 5/12, sẽ mở ra một mặt trận mới cho các quốc gia phương Tây đang tìm cách làm cạn kiệt nguồn tiền đổ vào chiến tranh ở Ukraine của Nga, đồng thời gây ra sự bất ổn mới trong thị trường năng lượng toàn cầu.

Vậy tại sao lại hạn chế dầu của Nga?

Áp giá trần là một mũi tên nhắm đến hai đích: hạn chế số tiền Nga có thể kiếm được từ việc bán dầu của mình ra nước ngoài trong khi vẫn đảm bảo dầu thô sẽ lưu thông trên thị trường toàn cầu.

Trước đây, EU và Vương quốc Anh đã đưa ra ý tưởng ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho bất kỳ chuyến hàng dầu nào của Nga, nhưng theo các nhà phân tích tại Ngân hàng Đầu tư Raymond James, rút quá nhiều dầu Nga ra khỏi thị trường sẽ khiến giá tăng đột biến và nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Giá trần ảnh hưởng đến ai?

Mỹ đã ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga vào mùa xuân năm nay và lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12. Giá trần nhằm vào các quốc gia vẫn đang nhập khẩu dầu của Nga và phụ thuộc vào các đơn vị vận chuyển hoặc công ty cấp bảo hiểm phương Tây. 

Các nhà phân tích tại Raymond James lưu ý: “Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước nhập khẩu dầu lớn không áp lệnh trừng phạt đối với Nga, và do đó, mức trần giá có liên quan trực tiếp nhất đến họ”.
 
Nga, nước sản xuất dầu số 2 thế giới, đã định tuyến lại phần lớn nguồn cung của mình cho Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác với giá chiết khấu sau khi các “khách hàng” phương Tây xa lánh nước này ngay cả trước lệnh cấm của EU.

Giá trần hoạt động như thế nào?

Các công ty bảo hiểm và các công ty vận chuyển dầu sẽ chỉ có thể giao dịch dầu thô của Nga nếu dầu có giá bằng hoặc thấp hơn mức trần 60 USD. Hầu hết các công ty bảo hiểm đều ở EU hoặc Vương quốc Anh và có thể được yêu cầu tham gia vào mức giá trần này.

"Hoạt động của mức trần giá phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng của thương mại dầu mỏ toàn cầu: ngành dịch vụ hàng hải, bao gồm bảo hiểm, tài chính thương mại và các dịch vụ quan trọng khác hỗ trợ vận chuyển dầu phức hợp trên toàn cầu", Bộ Tài chính Mỹ cho biết. Cơ quan này lưu ý rằng "hầu hết tất cả các cảng và kênh lớn đều yêu cầu tàu phải có bảo hiểm bồi thường và bảo vệ", với khoảng 90% thị trường được kiểm soát bởi các công ty có trụ sở tại G7, và do đó phải tuân theo giá trần. 

Bà Maria Shagina, một chuyên gia về lệnh trừng phạt tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Berlin, cho biết: Mặc dù Nga có thể cố gắng lách mức trần bằng cách sử dụng các nguồn lực vận chuyển và bảo hiểm khác nhau, nhưng mức trần này khiến việc đó trở nên "tốn kém, mất thời gian và cồng kềnh hơn". 

Nguy cơ bị Nga trả đũa

 

EU có nguy cơ bị Nga trả đũa bằng cách hoàn toàn ngừng vận chuyển dầu thô vào lục địa này. Trong khi kể từ ngày 5/12, EU sẽ không còn nhập khẩu dầu của Nga bằng tàu chở dầu nữa mà chỉ bằng đường ống. 

JPMorgan Chase lưu ý rằng nếu Nga cắt nguồn dầu đến châu Âu, "các kho dự trữ chiến lược dưới sự bảo trợ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế có thể xả ra để bù đắp. Những kho dự trữ này rõ ràng không phải là vô tận, nhưng ngay cả với sự sụt giảm trong năm qua, các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn sẵn sàng ứng phó với một cú sốc giá dầu khác."

Các phương tiện truyền thông đưa tin hiện Nga đang lắp ráp đội tàu chở dầu của riêng mình để né tránh giới hạn giá của phương Tây. Dầu cũng có thể được chuyển từ tàu này sang tàu khác và trộn với dầu có chất lượng tương tự để che giấu nguồn gốc.

Tác động của mức giá trần 60USD là gì? 

Mức trần 60 USD là một sự thỏa hiệp giữa các quốc gia thành viên EU muốn tránh tăng giá trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và các quốc gia khác, bao gồm Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, việc áp mức giá trần thấp hơn là để trừng phạt Nga về mặt tài chính.

Hiện tại, dầu của Nga đang được bán ở mức dưới 60 USD/thùng, tức sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của Nga. Các nhà phân tích ước tính Nga chỉ cần bán dầu với giá khoảng 30 USD/thùng là đủ trang trải chi phí sản xuất.  

Ông Robin Brooks, nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, đã tweet vào tuần trước rằng mức trần 30 USD sẽ "đem đến cho Nga cuộc khủng hoảng tài chính mà nước này đáng phải chịu".

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

 

Tác động lớn nhất từ ​​lệnh cấm vận của EU có thể không phải trong tuần này mà là vào ngày 5/2, khi lệnh cấm bổ sung của châu Âu đối với các sản phẩm từ dầu mỏ, bao gồm cả nhiên liệu diesel, có hiệu lực.

Theo JPMorgan Chase, châu Âu vẫn nhập khẩu khoảng 1,3 triệu thùng mỗi ngày các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga, một nửa trong số đó là dầu diesel. Châu Âu vẫn có nhiều ô tô chạy bằng dầu diesel, hay cả xe tải để vận chuyển một lượng lớn hàng hóa cho người tiêu dùng và chạy máy móc nông nghiệp cũng vậy. Chi phí cao hơn sẽ lan rộng khắp nền kinh tế.

Các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết lệnh cấm vận và giới hạn của EU có thể dẫn đến "sự thắt chặt đáng kể trên thị trường dầu mỏ vào đầu năm 2023" và dự kiến ​​giá dầu Brent chuẩn quốc tế sẽ tăng trở lại mức 95 USD/thùng trong những tuần tới. Tập đoàn dầu mỏ OPEC, cho biết họ sẽ không tăng nguồn cung trước các động thái của EU.

Có thể bạn quan tâm: 

Đơn hàng vận tải biển từ ​​Trung Quốc giảm 40%

Nguồn CBS News


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới