Hủy
Thế giới

Hạ tầng: Nút thắt của Ấn Độ

Thứ Hai | 29/06/2015 13:48

Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đang gặp khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là giới doanh nghiệp đang có quá nhiều nợ xấu
 

Một ngày nào đó, tuyến Delhi Metro sẽ có thể đưa người hâm mộ các giải đua đến Buddh International Circuit, một đường đua hiện đại dài 400 m với 16 vòng đua ở ngoại ô thủ đô Ấn Độ. Ngoài tuyến Metro, sẽ còn có cả một hệ thống đường cao tốc mới nối liền đường đua này với Delhi và thành phố du lịch Agra. Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn bây giờ chưa có đường cao tốc nào dẫn đến Buddh. Và cũng đã 3 năm rồi giải đua Công thức 1 không còn tổ chức đua ở Buddh International Circuit, khiến cho nơi đây càng vắng lặng.

Buddh International Circuit không phải dự án duy nhất rơi vào tình trạng này. Hàng dãy các tòa tháp căn hộ trơ khung bê tông nối tiếp nhau (tổng cộng 200.000 căn hộ) nằm dọc theo đường cao tốc, cao sừng sững phủ bóng xuống những khu đất bỏ hoang bụi bặm, những lòng sông khô cằn và cỏ dại mọc đầy.

Đó là lý do nơi đây được mệnh danh là thành phố ma lớn nhất Ấn Độ, trải dài khắp 5 khu đất rộng 6.000 mẫu nằm dọc theo đường cao tốc kế cận đường đua Buddh International Circuit. Khi mới ra đời, thành phố được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng đáng tự hào của Jaypee Group và ông chủ 85 tuổi Jay Prakash Gaur. Thế nhưng, nay nó lại trở thành một biểu tượng cho những tham vọng xa vời cũng như việc triển khai kém hiệu quả.

May mắn cho Jaypee và ông Gaur là Tập đoàn sở hữu các nhà máy điện và xi-măng khắp Ấn Độ và 3 công ty niêm yết. Nhưng không may là Jaypee lại đang ôm 12 tỉ USD giá trị các khoản nợ.

Jaypee xếp thứ 6 trong số 10 tập đoàn đa ngành Ấn Độ bị nặng nợ. Tổng cộng, các tập đoàn này nợ ngân hàng lên tới 125 tỉ USD và chiếm tới 13% tổng dư nợ ngân hàng tại Ấn Độ, theo số liệu của Ashish Gupta, chuyên gia phân tích tại Credit Suisse. Những doanh nghiệp khác có trong danh sách còn có công ty xây dựng và năng lượng Lanco, công ty vận tải và năng lượng GVK và tập đoàn phát triển hạ tầng GMR.

Các tập đoàn này đáng lẽ phải đóng vai trò dẫn dắt trong công cuộc cải tổ cơ sở hạ tầng yếu kém tại Ấn Độ, mở đường cho kinh tế phát triển. Thế nhưng, họ lại đang gánh trên vai món nợ khổng lồ và bảng cân đối tài sản đáng thất vọng. Ở nhiều khía cạnh, khó khăn của các tập đoàn này phản ánh những vấn đề mà nền kinh tế tăng trưởng chậm lại của Ấn Độ đang đối mặt. Đó là đầu tư khu vực tư nhân đã chững lại, chi phí vốn cao và các ngân hàng đang do dự cho vay thêm vì bản thân cũng gánh quá nhiều nợ xấu.

“Các công ty hạ tầng đang rất chật vật xoay xở và chỉ Chính phủ mới có thể khởi động các dự án hạ tầng. Tôi không thấy bất cứ dấu hiệu nào ở đây”, Tổng Giám đốc một công ty lớn tại Ấn Độ nhận xét.

Nếu Thủ tướng Narendra Modi muốn đạt được mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông ấy cần phải thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân để cải thiện hệ thống đường sá, đường sắt, bến cảng, năng lượng và các hệ thống cơ sở hạ tầng khác. Việc đại tu cơ sở hạ tầng của Ấn Độ có thể đòi hỏi mức vốn đầu tư lên tới hơn 1.700 tỉ USD vào cuối thập niên này, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.

Ha tang: Nut that cua An Do
Ông Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ - Nguồn:baonghean.vn

Chính phủ cho biết đang xây 13 km đường ray mỗi ngày nhưng hoạt động xây dựng tại các thành phố Ấn Độ đã không bắt kịp với tốc độ tăng trưởng nhanh của dân số đô thị và hệ thống vận tải công cộng vẫn rất nghèo nàn. Điều này đã góp phần dẫn đến hàng loạt vấn đề ở các thành phố Ấn Độ như kẹt xe, tai nạn giao thông gia tăng, tình trạng ô nhiễm… Theo ước tính của Barclays, hơn 120 tỉ USD cần được rót vào các tuyền đường sắt metro đến năm 2031.

Mặc cho nỗ lực khuyến khích doanh nghiệp của ông Modi, vốn đầu tư tư nhân cần cho những dự án hạ tầng như vậy vẫn nghèo nàn. Một lý do quan trọng là nợ xấu quá lớn. Jaypee, chẳng hạn, cần ít nhất 1 tỉ USD mỗi năm chỉ để trả lãi cho các khoản nợ. Giống như nhiều công ty nặng nợ khác ở Ấn Độ, Tập đoàn về mặt kỹ thuật đã vỡ nợ đối với một số khoản vay, theo ông Gupta của Credit Suisse.

Trong một số trường hợp, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho phép các ngân hàng đảo nợ đối với các công ty hạ tầng đang nặng nợ này, nhưng chỉ với điều kiện họ nắm trong tay những tài sản tốt. Trừ phi họ có thể huy động vốn để trả nợ ngân hàng (hoặc bằng cách bán tài sản hoặc hoàn thành các dự án để có thể tạo ra dòng tiền mới), nếu không các khoản đầu tư mới mà Ấn Độ cần sẽ chưa thể hiện thực hóa.

Ha tang: Nut that cua An Do
Các khoản đầu tư vào CSHT mà Ấn Độ cần có trong giai đoạn 2011-2020

“Dòng tiền từ hạ tầng là một câu chuyện của 25 năm trong khi các ngân hàng không cho vay dài hạn. Sự kết hợp giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và dòng tiền không đủ trả nợ đã trở thành một vấn đề lớn”, một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ nhận xét.

Đó là lý do vì sao một năm sau khi ông Modi đảm nhiệm chức Thủ tướng, niềm hứng khởi, lạc quan về chính quyền mới bắt đầu phai nhạt dần. Chỉ cần lướt ra tình cảnh của Jaypee đủ để thấy được sẽ mất bao lâu thì các doanh nghiệp Ấn Độ mới phục hồi sau nhiều năm tăng trưởng chậm lại và quản trị kém hiệu quả.

Jaypee cần hàng trăm triệu USD để hoàn tất việc xây dựng các tòa tháp căn hộ dọc theo đường cao tốc, nhưng muốn huy động đủ vốn không phải dễ. “Nếu không có bị nặng nợ, bạn có thể thong dong. Nhưng chúng ta đang nói về 2 thập niên trong  tương lai (khoảng thời gian để hoàn tất dự án của Jaypee và tạo ra được dòng tiền). Và với những món nợ khổng lồ đó, làm thế nào giữ cho mình sống sót chờ cho đến lúc đó?”, một nhà đầu tư bất động sản có tên tuổi ở Ấn Độ nhận xét.

Ông Gaur cho rằng việc chính sách của các chính phủ trước đó thay đổi liên tục và không nhất quán là lý do chính khiến cho công ty ông rơi vào tình cảnh hôm nay. “Vấn đề là chính sách kinh tế của Chính phủ. Ấn Độ đã tăng trưởng với tốc độ 9% trong 10 năm trời. Rồi đột ngột từ năm 2009 trở đi, chúng tôi đã phải trả giá. Lượng tiêu thụ xi-măng giảm xuống và chúng tôi đã không có được giá như mình mong muốn”, ông nói.

Những vấn đề của ông Gaur bắt đầu vào năm 2003 khi Jaypee, một trong những nhà sản xuất xi-măng lớn nhất Ấn Độ, giành được quyền xây dựng đường cao tốc, được biết đến với tên Yamuna Expressway. Theo kế hoạch, Tập đoàn sẽ xây dựng 165 km đường bộ và thu phí trong 36 năm rồi sau đó chuyển giao lại cho chính quyền bang Uttar Pradesh.

Thế nhưng, lợi ích thực sự lại đến từ việc giành được quyền phát triển 5 khu đất với tổng cộng hơn 6.000 mẫu. Khu đất rộng lớn này nằm gần Delhi dọc theo đường cao tốc ở Noida và Greater Noida.

Ông Gaur đã trở thành một trong những chủ đất lớn nhất trong khu vực. Các kế hoạch của Chính phủ trong việc mở rộng tuyến Delhi Metro kéo dài đến cả khu vực này đã mở ra triển vọng gia tăng giá trị cho khu đất. “Không có phát triển đất đai thì việc đầu tư làm đường không có sinh lợi”, Udayan Sharma, đứng đầu mảng quan hệ nhà đầu tư tại Jaypee, cho biết.

Tập đoàn đã triển khai một kế hoạch vô cùng tham vọng trong việc xây dựng các tòa tháp căn hộ cao tầng với những cái tên như Kensington Park và Imperial Court, cũng như những căn nhà phố dự kiến được bán với giá lên tới 2 triệu USD/căn.

Nhưng mọi thứ đã không diễn ra như mong đợi. Giải đua Công thức 1 đã từ bỏ đường đua sau khi tổ chức các cuộc đua ở đó được 3 năm (cho đến năm 2013). Một phần là do chính sách miễn thuế giải trí (do chính quyền bang trước đó cấp) không còn nữa. Và việc xây dựng hầu hết các dự án tòa tháp căn hộ cũng bị chững lại, nhất là sau khi National Green Tribunal nêu ra quan ngại về tác động của chúng đối với một khu bảo tồn chim gần đó.

Hiện chỉ một số ít căn là có người ở. Có một bệnh viên đang hoạt động cũng như một số trường học. Nhưng dự án này còn rất lâu mới có thể xứng với cái gọi là những cộng đồng dân cư tích hợp như Tập đoàn đã hứa hẹn.

Jaypee đã thu tiền từ người mua căn hộ, nhưng các khoản tiền này được trả theo tiến độ xây dựng. Khi tốc độ xây dựng chậm lại, tiền người mua đóng vào cũng thế. “Đó là câu chuyện của hầu hết các dự án bất động sản tại Ấn Độ. Hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Khi tiền cho một dự án bị ngưng lại thì không có tiền cho dự án tiếp theo”, nhà đầu tư bất động sản nói trên cho biết. 

Jaypee đã bán đi một số tài sản trong mảng xi-măng và năng lượng nhằm huy động vốn. Đây cũng là một lý do các chủ nợ rất kiên nhẫn với Tập đoàn. Vì Jaypee sử dụng các thiết bị chất lượng cao, nên các nhà máy mới thu hút được người mua. Tuy nhiên, giá trị của những tài sản này quá ít so với số nợ, theo các tổ chức cho vay. Hiện tại, tổng cộng Jaypee đã huy động được 3,4 tỉ USD thông qua các vụ bán lại tài sản như vậy. “Liệu các ngân hàng sẽ buộc họ phải bán thêm nhiều tài sản nữa?”, người đứng đầu một ngân hàng có cho vay cho Jaypee nhận xét.

Ông Gaur vẫn rất lạc quan. “Thị trường có tính chu kỳ. Đất đai luôn có giá nhưng đôi khi phải mất thời gian. Khi Chính phủ xây sân bay mới gần Agra, đất đai ở đây sẽ trở thành vàng… Năm tới chúng tôi sẽ ổn thôi”, ông nói. 

Đàm Hoa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới