Hủy
Thế giới

Học thuyết Keynes, đường hầm, xe hơi và kinh tế Nhật Bản

Thứ Sáu | 18/01/2013 14:43

Sau những gói kích thích liên tục trên quy mô lớn, nhiều người tự hỏi những núi tiền kiểu học thuyết Keynes đó có cứu được kinh tế Nhật Bản?
 

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ thảm họa sập hầm Sasago của Nhật Bản vào ngày 2/12/2012. Vào thời điểm bị sập, sau 35 năm được xây dựng, những chiếc bu lông trên khung thép trần của hầm Sasago - một trong những cung đường bận rộn nhất ở Tây Tokyo - chưa bao giờ được kiểm tra và bảo dưỡng. Kết quả là, với hơn 600 chiếc bu lông bị mất, 130 mét trần hầm Sasago đã đổ sụp xuống, cướp đi sinh mạng của 9 người.

Chỉ 2 ngày sau đó, ông Shinzo Abe bắt đầu khởi động chiến dịch tranh cử ghế thủ tướng với lời hứa hẹn sẽ cải thiện và đổi mới những cơ sở hạ tầng đang han gỉ của Nhật Bản. Như đã hứa, ngày 10/1, ông Abe đã phê duyệt một gói chi tiêu lớn, dự kiến trên 13 nghìn tỷ yên (150 tỷ USD). Số tiền này thậm chí còn lớn hơn cả các biện pháp ứng phó khẩn cấp dành cho thảm họa động đất năm 2011, và tương đương 2,6% GDP của Nhật Bản.

Phần lớn số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng các đường hầm, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác an toàn hơn. Cách thức đầu tư tiền vào dự án công cộng khá quen thuộc và tương tự như những dự án mà đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe từng làm trong suốt giai đoạn hậu thế chiến. Những người ủng hộ ông Abe tin rằng cách làm này sẽ giúp Nhật Bản thoát khỏi suy thoái. Trong khi đó, các nhà phê bình thì cho rằng đây chỉ là sự lặp lại của những chính sách chi tiêu vô tội vạ khiến Nhật Bản trở thành quốc gia có núi nợ công lớn nhất thế giới.

Ông Abe quyết tâm sẽ cải thiện và đổi mới các cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của Nhật Bản.
Ông Abe quyết tâm sẽ cải thiện và đổi mới các cơ sở hạ tầng đang xuống cấp của Nhật Bản.

Song hành với khoản chi tiêu khổng lồ, chính phủ của ông Abe còn gây áp lực buộc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) phải in tiền nhiều hơn để ép giá đồng yên, hỗ trợ các nhà xuất khẩu Nhật Bản như các hãng sản xuất xe hơi và các hãng điện tử.

Kiến trúc sư trưởng của chính sách này không ai khác chính là ông Koichi Hamada, giáo sư Đại học Yale và là cố vấn nội các chính phủ kiêm cố vấn của thống đốc BOJ Masaaki Shirakawa.

Những người ủng hộ chính phủ của thủ tướng Abe đã đặt tên cho chính sách tiền tệ và tài khóa này là "Abenomics" (Kinh tế học của Abe). Mặc dù vậy, có thể thấy rằng chính sách này ảnh hưởng khá nhiều bởi học thuyết của nhà kinh tế John Maynard Keynes.

Về nguyên tắc, kế hoạch chi tiền tái cơ cấu hạ tầng cơ sở của ông Abe không có gì sai. Hơn nữa, các khoản chi tiêu của chính phủ còn mang lại lợi nhuận cao hơn chi phí đi vay. Nhà kinh tế Robert Feldman của Morgan Stanley cho rằng nếu đồng tiền được chi tiêu đúng cách, vào những dự án như công nghệ tiết kiệm năng lượng, thành quả nhận về sẽ rất lớn, giúp củng cố sự hiệu quả của nền kinh tế và doanh thu thuế.

Nhưng nếu tiền bị lãng phí vào những dự án không mang lại lợi ích kinh tế, nó chỉ khiến núi nợ công của quốc gia tăng cao, trong khi sản lượng vật chất lại không tăng là bao. Hệ quả là tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã lên tới 200%.

Mặc dù đã tung hàng núi tiền tài trợ để kích thích kinh tế trong ngắn hạndù ngân sách đang thâm hụt nặng, ông Abe vẫn tuyên bố Nhật Bản sẽ cần thêm 200 nghìn tỷ yên nữa cho các dự án công cộng trong 10 năm tới. Điều đáng bàn là ông rất ít đề cập đến việc Nhật Bản sẽ trả khoản nợ này như thế nào. Bên cạnh đó, số tiền này cũng vượt quá doanh thu 12,5 nghìn tỷ yên mà chính phủ Nhật Bản thu về mỗi năm. Thậm chí, ngay cả khi tiêu dùng hoặc doanh số, doanh thu thuế Nhật Bản tăng gấp đôi cũng không đủ bù đắp con số khổng lồ này.

Tài khoản vãng lai Nhật Bản đang tiến tới mức cân bằng.
Tài khoản vãng lai Nhật Bản đang tiến tới mức cân bằng.
Ông Feldman cũng lưu ý rằng trong các tài liệu về chiến dịch chi tiền của ông Abe, không hề có dòng nào đề cập tới các khoản nợ.

Hiện tại, thị trường tài chính Nhật Bản đang rất hân hoan. Trong vòng hơn 1 tháng, thị trường chứng khoán Nhật Bản đã tăng tới 10% nhờ đồng yên bị suy yếu. Theo số liệu thống kế, trong cùng kỳ, đồng yên đã từ 88 yên xuống 82 yên/USD.

Một vài khoản nợ của chính phủ có thể gây áp lực mạnh mẽ lên BOJ, trong khi ngân hàng này đang phải nỗ lực đạt mục tiêu tỷ lệ lạm phát 2% nếu không muốn lời đe dọa phá bỏ thế độc lập của BOJ của ông Abe thành hiện thực.

Bên cạnh đó, một điều đáng lo ngại nữa là tài khoản vãng lai của Nhật Bản đang tiến gần hơn tới mức cân bằng (biểu đồ). Các nhà phân tích cho rằng tài khoản vãng lai của Nhật Bản sẽ thâm hụt do nhu cầu nhập khẩu năng lượng của đất nước đang tăng mạnh.

Do đó, nguy cơ ở đây là lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản tăng trong khi kỳ vọng lạm phát lại không như mong muốn. Bộ trưởng tài chính mới của Nhật Bản, ông Taro Aso, mới đây cho biết gói kích thích kinh tế mới nhất của chính phủ sẽ được lấy từ số tiền 5,2 nghìn tỷ yên trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng nếu nhu cầu mua trái phiếu chính phủ giảm, khi đó chính quyền của ông Abe sẽ ép BOJ phải mua hết số trái phiếu đã phát hành.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn hơn cả đó là sự phô trương tài chính và tiền tệ hiện nay có thể trở thành cái cớ để chính phủ Nhật Bản trì hoãn thực hiện các biện pháp nhạy cảm hơn như cơ cấu lại nền kinh tế, mở cửa đất nước để cạnh tranh quốc tế thông qua các thỏa thuận mậu dịch tự do.

Hiện tại, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang tìm cách né tránh thực hiện cải cách cơ cấu. Trong khi đó, ông Abe có thể thực hiện miễn thuế cho một số doanh nghiệp, song dường như tân thủ tướng của Nhật Bản đang tìm cách chờ đợi cho đến khi cuộc bầu cử thượng viện kết thúc trong tháng 7 tới đây mới ra tay thực hiện cải cách.

Nguồn The Economist/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới