Hủy
Thế giới

IMF: Basel III không đe dọa kinh tế toàn cầu

Thứ Tư | 12/09/2012 09:08

IMF cho rằng Basel III sẽ không làm giảm hoạt động cho vay hoặc gây tổn hại cho kinh tế như lo ngại của các ngân hàng và tổ chức tài chính.
 

Trong một nghiên cứu được công bố hôm qua 11/9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng Basel III, bộ quy tắc yêu cầu các ngân hàng tăng nguồn vốn dự phòng rủi ro, hỗ trợ thanh khoản lớn hơn, sẽ không làm giảm đáng kể hoạt động cho vay cũng như những tổn hại với kinh tế toàn cầu.

Nghiên cứu chỉ ra rằng lo ngại của các tổ chức tài chính về những quy tắc vốn trong Basel III, cũng như sự gia tăng trong phí bảo hiểm tiền gửi và các quy tắc minh bạch đã bị thổi phồng quá mức.

s

Các tác giả công trình nghiên cứu, nhà kinh tế học tại IMF Andre Oliveira Santos và Douglas Elliot từ Viện nghiên cứu Brookings, nhận định: "Các ngân hàng có vẻ như đủ khả năng thích ứng với những thay đổi trong quy định mà không cần phải thực hiện những hoạt động có khả năng gây tổn hại tới nền kinh tế lớn hơn".

Các ngân hàng đang tìm cách gia tăng lượng vốn góp nắm giữ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát, và thậm chí đủ khả năng chống chọi với tình trạng chi phí tăng cao hơn bằng cách cắt giảm chi phí, hai nhà nghiên cứu nhận xét.

Nghiên cứu ước tính, về lâu dài, sự gia tăng trong chi phí quản lý sẽ làm tăng lãi suất cho vay trung bình của các ngân hàng Mỹ lên 28 điểm cơ bản, các ngân hàng châu Âu là 17 điểm cơ bản, còn tại Nhật Bản là 8 điểm cơ bản.

Hai tác giả kết luận: "Bằng cách so sánh, có thể thấy rằng việc các ngân hàng trung ương lớn điều chỉnh chính sách lãi suất ngắn hạn sẽ khiến lãi suất cho vay tăng ít nhất 25 điểm cơ bản, con số này dường như ít có tác động tới tăng trưởng kinh tế".

Trái ngược với kết luận trên, các quy tắc trong Basel III, trong đó đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn về vốn và thanh khoản, đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ phía các ngân hàng. Các ngân hàng cho rằng bộ quy tắc này sẽ làm giảm hoạt động cho vay và tăng trưởng.

s
Năm ngoái, giám đốc điều hành (CEO) của JPMorgan Chase, Jamie Dimon, đã chỉ trích bộ quy tắc này là "chống lại người Mỹ". Viện tài chính quốc tế (IIF), một hiệp hội của các ngân hàng và các tổ chức tài chính, cũng chỉ trích Basel III sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ và Anh còn 3,2% trong năm 2015, đồng thời làm tăng lãi suất cho vay khoảng 5 điểm phần trăm.

Nghiên cứu của IIF dựa trên lượng tiền dự trữ an toàn mà các ngân hàng nắm giữ trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính cũng cho rằng bộ quy tắc Basel III sẽ khiến các nhà đầu tư đòi hỏi lãi cao hơn từ chứng khoán ngân hàng, đồng thời đánh giá thấp khả năng cắt giảm chi phí của các ngân hàng.

Các tác giả thực hiện nghiên cứu của IMF thừa nhận rằng, bên cạnh việc chi phí dài hạn do quy định chặt chẽ hơn, sẽ có sự chuyển đổi chi phí trong ngắn hạn khi các ngân hàng tăng vốn và lãi suất thanh khoản. Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu khẳng định đây là một sự điều tiết cần thiết phải thực hiện.

"Các ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ tiếp tục điều chỉnh mạnh mẽ để phù hợp với những cải cách mới, song những tác động dài hạn lên người đi vay và nền kinh tế sẽ tương đối nhỏ so với những lợi ích tiềm năng to lớn có được nhờ giảm thiểu các nguy cơ từ các cuộc khủng hoảng trong tương lai".

Mặc dù không có vai trò trực tiếp trong việc điều hành các tổ chức tài chính, quan điểm và lời khuyên của IMF thường gây ra nhiều tranh luận giữa chính phủ và các ngân hàng trung ương.

Năm ngoái, IMF từng tạo ra cơn sóng phản ứng quyết liệt từ các chính trị gia châu Âu khi gợi ý rằng các ngân hàng trong khu vực cần tăng vốn để bù đắp lại những thiệt hại của họ trong cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền.

Basel III là một bộ quy tắc chuẩn quốc tế với những quy định nghiêm ngặt hơn dành cho các ngân hàng được Ủy ban Giám sát ngân hàng Basel ban hành ngày 12/9/2010.Basel III yêu cầu vốn chủ sở hữu (vốn cấp 1) của các ngân hàng phải nâng từ 4% lên 6%. Trong 6% vốn cấp 1 đó, 4,5% phải là vốn của các cổ đông phổ thông. Thời hạn để thực hiện riêng quy định này là ngày 1/1/2015.Thỏa thuận Basel III là viên gạch nền móng của nỗ lực từ các nhà điều hành quốc tế theo sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2009, nhằm đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng toàn cầu sẽ vững chắc hơn.

Nguồn FT/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới