Hủy
Thế giới

Kinh tế Đức đang trở thành con bệnh mới của châu Âu

Thứ Tư | 09/01/2013 16:22

Kinh tế Đức dưới thời thủ tướng Merkel đang bộc lộ những yếu điểm nghiêm trọng, đủ để biến Đức trở lại là "con bệnh kinh tế" của châu Âu.
 

Từ trước đến nay, người Đức luôn tự hào nền kinh tế của họ là động cơ tăng trưởng của châu lục cũng như luôn nổi danh là quốc gia có nền tài chính ngân sách mẫu mực. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác, giới đầu tư cũng như các nhà hoạch định chính sách lo ngại Đức đang tự làm ngơ trước những yếu kém ngày một rõ rệt của mình.

Mới đây, một thành viên trong hội đồng quản trị thuộc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Joerg Asmussen cảnh báo rằng nếu không nhanh chóng thực hiện cải cách triệt để, nước Đức của bà Merkel có thể một lần nữa khoác lên mình danh hiệu "con bệnh của châu Âu".

Vậy đâu là những nhược điểm của nền kinh tế Đức theo như nhận định của các chuyên gia và các nhà kinh tế.

Cứu trợ quá mức mà quên đi khó khăn của kinh tế trong nước

Có thể nói, nếu không có gói cứu trợ 300 tỷ euro từ Đức, có thể khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) không thể tồn tại đến giờ phút này. Tuy nhiên, việc liên tục phải giải cứu châu Âu và eurozone vô tình đã làm nước Đức bị phân tâm khỏi những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế, trong bối cảnh chi phí lao động trong nước gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng một thập kỷ qua đã quét sạch hầu hết mọi tiến bộ kinh tế mà Đức đạt được dưới thời thủ tướng Gerhard Schroeder.

1
Nước Đức đang đánh mất những tiến bộ kinh tế đạt được dưới thời
thủ tướng Gerhard Schroeder

Giáo sư kinh tế tại Đại học Freie ở Berlin, ông Irwin Collier, nhận định: "Bà Merkel luôn đặt châu Âu làm ưu tiên, song không chỉ châu Âu đang thay đổi, mọi thứ tại quê nhà cũng đang dần đổi khác".

Có thể nói, kể từ khi nhậm chức năm 2005, những gì bà Merkel làm được cho nền kinh tế Đức là rất ít.

Nhà kinh tế trưởng phụ trách về khu vực eurozone tại Citigroup, ông Juergen Michels, cũng đồng ý với nhận định trên và nhận định: "Cho đến nay, bà Merkel đã được hưởng rất nhiều thuận lợi từ người tiền nhiệm. Nhưng không bắt tay ngay vào sửa đổi, mọi thứ tại Đức có thể sẽ rất khác trong những năm tới".

Giáo sư môn chính trị tại Đại học Bonn, ông Gerd Langguth, cho rằng mọi thứ đang diễn ra ở Đức hiện tại cũng giống như thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ và hai miền Đông - Tây sáp nhập. Gánh nặng giải cứu khu vực đồng euro của bà Merkel hiện tại cũng tương tự như việc thủ tướng Helmut Kohn tìm cách sáp nhập Tây Đức và Đông Đức.

Vào thời điểm đó, để giải quyết mọi vấn đề khó khăn, thủ tướng Kohn cũng lựa chọn cách như bà Merkel, đó là ném thật nhiều tiền vào vấn đề đó. Do đó, cho dù bà Merkel ủng hộ giải cứu eurozone bằng tiền mặt thì ngay bản thân nước Đức cũng phải cắt giảm chi tiêu, và cách làm đó không thể kéo dài lâu hơn nữa.

Các vấn đề trong lực lượng lao động

Hãng thống kê Eurostat mới đây cho thấy chi phí lao động tại Đức đang tăng mạnh, trong khi sức cạnh tranh của một số quốc gia eurozone khác như Tây Ban Nha lại đang cải thiện đáng kể nhờ lao động giá rẻ.

Cụ thể, phí tổn nhân công đơn vị tại Đức đã tăng khoảng 3% kể từ năm 2009, so với mức giảm 7% của Tây Ban Nha trong cùng kỳ, số liệu từ Liên minh châu Âu (EU) cho thấy. Trong khi đó, chi phí chi trả cho người lao động Đức cũng tăng 8,3% kể từ khi bà Merkel lên nắm quyền.

Trong khi chi phí lao động không ngừng tăng, nước Đức lại phải đối mặt với một khó khăn lớn khác đó là số người cao tuổi ngày càng tăng. Hiện tại, có 4 nhóm người trong độ tuổi lao động được hưởng trợ cấp hàng tháng tại Đức, song con số này có thể sẽ bị thu hẹp xuống 2 trong thời gian tới, Eurostat nhận định. Mặc dù nhiều nước châu Âu cũng đang phải đối mặt với nguy cơ lão hóa dân số, song của Đức được xem là cấp tính nhất.

2
Chừng nào bà Merkel còn nắm quyền, sẽ không có bất cứ chương trình
cải cách kinh tế nào cho Đức?

Sự suy giảm trong lực lượng lao động chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế Đức, các chuyên gia nhận định.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), các vấn đề về lực lượng lao động bị thu hẹp có thể được giải quyết bằng cách khuyến khích người lao động chấp nhận được trả lương thấp hơn, đồng thời giúp các công ty dễ dàng hơn trong việc đàm phán mức lương với người lao động. Theo đánh giá của WEF, Đức chỉ xếp thứ 112 trong tổng số 142 quốc gia về mức độ linh hoạt trong nội quy lao động.

Mặc dù tỷ lệ lao động nữ ở Đức cao hơn so với các nước công nghiệp khác, song tới 60% phụ nữ trong độ tuổi lao động lại chỉ làm việc bán thời gian. Theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ này của Đức cao hơn rất nhiều so với các nước khác, chẳng hạn, tại Pháp chỉ 1/4 phụ nữ chọn làm việc bán thời gian.

Tụt hậu so với khu vực

Nhiều nhà kinh tế nhận định dù có nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực, song Đức lại tụt hậu nghiêm trọng trong lĩnh vực khoa học và toán học. Đây thực sự là một vấn đề lớn đối với một quốc gia luôn tự hào về các sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao.

Theo nhà kinh tế tại ngân hàng Berenberg, Christian Schulz, cho rằng nước Đức là một điển hình về việc các chính sách của chính phủ kéo lùi những tiến bộ đạt được trước đó. Trong khi đó, ông Asmussen thì cho rằng ngoài vấn đề kỹ năng, các công nhân Đức không nhận được sự giáo dục đầy đủ để cạnh tranh với toàn cầu.

Theo bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới 2012, không một đại học nào của Đức xuất hiện trong top 50 của thế giới.

"Nếu không nhanh chóng cải cách, chỉ trong vòng 5 năm, Đức sẽ trở lại với danh hiệu "con bệnh của châu Âu"", ông Asmussen nhận định.

Sự ngộ nhận vào thủ tướng Merkel

Bất chấp những khó khăn trong vấn đề lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cực thấp trong vòng 20 năm cùng doanh số bán hàng và sản lượng sản xuất kỷ lục toàn cầu, nước Đức bề ngoài trông không giống một quốc gia bên bờ vực bất ổn kinh tế.

Có được điều này một phần nhờ vào sự ủng hộ của người dân Đức vào bà Merkel. Theo khảo sát, 4/5 người Đức được hỏi đều cho rằng bà Merkel đã làm tốt trên cương vị thủ tướng, ZDF Politbarometer cho biết. Nếu nước Đức thực hiện bầu cử ngay bây giờ, tỷ lệ ủng hộ bà Merkel và đảng do bà lãnh đạo cũng ở mức 40%/

Sự ủng hộ với bà Merkel có thể là do bà đã yêu cầu chính phủ nâng lương trung bình lên 2,6% trong năm ngoái. Tuy nhiên, có một thực tế là năng suất lao động không đi đôi với tiền lương. Theo Eurostat, năng suất lao động của người Đức đã giảm 0,2% trong năm 2012, trong khi tiền lương dự kiến sẽ tăng 0,5% trong năm 2013.

Điều này vô tình làm xấu đi vị thế cạnh tranh của Đức và làm nảy sinh nhiều vấn đề trong lực lượng lao động. Kể từ năm 2010, Đức đã đánh mất vị trí 5 quốc gia đứng đầu về năng lực cạnh tranh vào tay Nhật Bản.

Người đứng đầu về phân bổ tài sản tại Frankfurt Trust, ông Christoph Kind, nhận định: "Chừng nào bà Merkel còn nắm quyền, sẽ không có bất cứ chương trình cải cách kinh tế nào hết".

Nguồn Bloomberg/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới