Hủy
Thế giới

Kinh tế Mỹ đang đối mặt với nguy cơ giảm phát?

Chủ Nhật | 31/03/2013 18:11

Trở lại câu chuyện của nước Mỹ, có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta có quyền nghi ngờ về một sự quay trở lại của kỷ nguyên giảm phát.
 

Giá tiêu dùng

Mặc dù giảm phát không xảy ra trong thập kỷ vừa qua, lạm phát liên tục giảm kể từ đầu những năm 1980. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ giảm trong tháng 11 và 12 trong khi không thay đổi trong tháng 1. Trong tháng 2, CPI tăng 0,7%, tăng lần đầu tiên trong 4 tháng và tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2009. Lạm phát kỳ vọng trong 10 năm tới tiếp tục giảm xuống.

Tiết kiệm ngày càng tăng

Tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình giảm từ 12% trong thời kỳ đầu những năm 1980 xuống còn 1% trong năm 2005, tương đương giảm 0,5 điểm % mỗi năm.

Tuy nhiên, người Mỹ buộc phải tiết kiệm nhiều hơn. Lý do trước tiên là do thị trường chứng khoán biến động quá mạnh kể từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là kể từ năm 2008 – khi họ không còn tin rằng danh mục đầu tư cổ phiếu có thể hỗ trợ cho khoản dành dụm bấy lâu nay.

Thêm vào đó, bong bóng nhà đất vỡ tung khiến nhiều người bị tịch biên nhà cửa. Thất nghiệp gia tăng.

Trong những năm tới, tỷ lệ tiết kiệm được dự đoán là sẽ tăng 1 điểm % mỗi năm. Đi cùng với đó là tỷ lệ tăng trưởng GDP giảm từ mức 3,7% trong giai đoạn 1982 – 2000 xuống còn 2,2%.

Cạnh tranh bằng phá giá đồng nội tệ

Cạnh tranh bằng cách phá giá đồng nội tệ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hợp tác và tăng trưởng toàn cầu. Mới đây nhất là hành động của chính phủ mới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Sau giai đoạn suy thoái kinh tế kéo dài từ 2007-2009, sự phục hồi kéo theo hợp tác quốc tế mở rộng tuy nhiên các quốc gia thường chọn cho mình hình thức nào đó nhằm che đậy chủ nghĩa bảo hộ. Nhiều quốc gia đang theo đuổi cạnh tranh bằng cách định giá thấp đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu và cản trở việc nhập khẩu thông qua một đồng tiền rẻ hơn.

cạnh tranh phá giá tiền tệ
Khi các quốc gia cạnh tranh phá giá đồng tiền, tất cả đều sẽ chịu thiệt thòi bởi cấu trúc thương mại quốc tế bị phá vỡ và tăng trưởng kinh tế đình trệ. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được các nước cố gắng có được một góc nhỏ của miếng bánh. Dù thế nào chăng nữa, các loại tiền tệ hàng đầu có lẽ sẽ kết thúc bằng sự lên giá so với USD.

Giải chấp

Trên thị trường buôn bán các công cụ tài chính, phái sinh, hàng hóa, thường thì người ta chỉ bỏ một khoản tiền nhỏ để mua một lượng lớn (nghĩa là phần còn lại là dùng đòn bẩy với thế chấp bằng chính hàng hóa đã mua), có thể bằng phương pháp vay thế chấp. Đến khi ngân hàng thắt chặt tín dụng hoặc người mua bắt đầu bán tháo,… các khoản vay này bị thu hồi hàng loạt, hiện tượng này được gọi là giải chấp.

Ở điều kiện kinh tế thông thường, có thể giảm phát đã xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế toàn cầu đang được dẫn dắt bởi quá trình giải chấp của khu vực kinh tế tư nhân và các định chế tài chính.

Các động thái này thổi phồng tác dụng của các chương trình kích thích kinh tế từ năm 2007. Mặc dù chính phủ thực hiện rất nhiều biện pháp, nền kinh tế Anh cũng như khu vực đồng euro (eurozone) không thể thoát khỏi suy thoái. Ở Trung Quốc, tăng trưởng GDP thấp nhất trong 13 năm trong khi GDP Mỹ chỉ tăng 0,1% trong quý IV/2012.

Thanh khoản mà các ngân hàng trung ương bơm vào nền kinh tế chẳng thấm vào đâu so với những hệ lụy tiêu cực mà hoạt động giải chấp của khu vực tài chính gây ra. Các ngân hàng xóa bỏ hoặc giảm mạnh các khoản vay trong khi buộc phải tăng vốn để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe.

Giảm giá hàng hóa

So với mức cân bằng, giá cả hàng hóa đã giảm kể từ đầu năm 2011 và sẽ tiếp tục giảm, trừ phi một cú sốc xảy ra, chẳng hạn như một cuộc khủng hoảng Trung Đông khiến giá dầu tăng cao. Giá các mặt hàng công nghiệp tiếp tục thấp do lượng hàng tồn kho tăng cao.

Khi giá ngũ cốc tăng sau đợt hạn hán kéo dài, nông dân ở Mỹ và các nơi khác sẽ trồng nhiều hơn, và có thể mong đợi thu hoạch kỷ lục trong năm 2013 (nếu thời tiết cho phép). Điều này có thể giúp giải thích đợt giảm giá ngũ cốc gần đây.

Sự phát triển khoa học công nghệ hiện đại giúp tăng năng suất, giảm giá thành qua đó làm tăng cung và giảm giá. Đây được coi là giảm phát tốt do dư thừa cung, khác với giảm phát xấu do thiếu hụt cầu gây nên.

Tiền lương và thu nhập

Giảm phát tiếp tục làm suy giảm sức mua bằng cách làm giảm tiền lương và thu nhập thực tế, đồng thời cũng gây ra áp lực giảm giá tiền lương và thu nhập. Tiền lương danh nghĩa cũng giảm.

Đối với khoảng 1/3 của những người tìm được việc làm sau khi bị thất nghiệp 6 tháng trở lên, vị trí mới họ sẽ được trả tiền ít hơn so với các công việc trước. Điều này chủ yếu là kết quả của cuộc suy thoái và phục hồi đã cắt giảm nhu cầu lao động đáng kể.

Toàn cầu hóa giúp di chuyển các nguồn lực sản xuất với chi phí thấp hơn giữa các vùng, các quốc gia. Hơn nữa, các doanh nghiệp Mỹ đang ưa thích sử dụng cắt giảm chi phí để tăng lợi nhuận hơn là cạnh tranh về giá, giảm giá cho đơn hàng số lượng lớn.

Lực lượng lao động

Sức mạnh công đoàn bị xói mòn nhanh chóng. Trong năm 2012, các công đoàn Mỹ bị mất 400.000 thành viên tương đương 2,7%, và đại diện của họ trong lực lượng lao động giảm xuống còn 9,3%, từ 9,6% trong năm 2011 và 25% trong những năm 1960. Trong khu vực tư nhân, tổ chức công đoàn đã giảm xuống còn 6,3%, đặc biệt trong sản xuất và xây dựng.

23 tiểu bang Mỹ thông qua Các luật về quyền được làm việc (Right-To-Work Law) cho phép người công nhân trong nghiệp đoàn nơi làm việc được quyền không bắt buộc gia nhập công đoàn và trả công đoàn phí.

Năm qua, trong các tiểu bang áp dụng luật này, công nhân của khu vực tư nhân thu nhập ít hơn 9,8% đồng thời các nhà sản xuất phải trả ít hơn 7,4% so với các tiểu bang khác. Nhưng mặt khác, số lượng việc làm ở các bang này đã tăng trưởng 4,9% trong ba năm qua, so với 3,9% ở các tiểu bang còn lại.

Chính quyền đang chịu áp lực cắt giảm chi phí. Thu thuế địa phương chiếm đến 79% doanh thu. Thu thuế nhà nước phục hồi, nhờ tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, nhiều tiểu bang vẫn còn phải đối mặt với vấn đề ngân sách vì hiệu ứng mờ dần của kích thích kinh tế liên bang được ban hành trong năm 2009. Ngoài ra, các chi phí nhằm đảm bảo phúc lợi xã hội như lương hưu, trợ cấp y tế không ngừng gia tăng, ngay cả trong khủng hoảng.

Để ứng phó, nhiều tiểu bang tiếp tục cắt giảm chi tiêu và việc làm vì chi phí lao động chiếm một nửa tổng chi tiêu của tiểu bang và địa phương. Để bù lại cho sự cắt giảm lao động, các nhân viên chính phủ trung bình được trả thêm 44%, trong đó có 32% lương và đóng góp hơn 71% trong lợi ích cho mỗi giờ làm việc so với lao động trong khu vực tư nhân.

Các yếu tố khác

Tỷ lệ sinh ở hầu hết các nước công nghiệp hiện đang ở mức 2,1 trong khi dân số thế giới đang già hóa. Kết quả là, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm xuống, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Hệ thống giáo dục xuống cấp khiến năng suất lao động sụt giảm. Thay vì đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và thiết bị gia tăng năng suất, đầu tư đang tập trung vào chi tiêu tiêu dùng, nhà đất và các tài sản tài chính. Đây là những mục đầu tư không thể giúp gia tăng sản lượng.

Giảm phát ở Mỹ cũng là kết quả của mức chênh lệch khổng lồ giữa tăng trưởng GDP thực và triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Dư thừa nguồn cung là nguồn gốc của giảm phát. Trong khi đó, thu nhập thực của các hộ gia đình giảm khiến sức mua giảm sút. Theo số liệu từ Cục dự trữ liên bang Mỹ, tài sản thực của các hộ gia đình đã giảm tới 39% trong thời kỳ 2007 – 2010.

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới