Hủy
Thế giới

Lo ngại Trung Quốc thôn tín doanh nghiệp, các nước lập “rào cản” chống M&A

Sơn Mai Thứ Năm | 07/05/2020 16:28

Nhiều nước đang đề phòng khả năng Trung Quốc lợi dụng khó khăn do dịch bệnh để đẩy nhanh các cuộc thôn tín doanh nghiệp bản địa.
 

Ngay sau đó, Ấn Độ đã sửa đổi về quy định đầu tư trực tiếp nước ngoài và chính phủ Mỹ, Úc cũng có động thái bảo vệ các ngành nghề trong nước.

Nguy cơ làn sóng M&A mới từ Trung Quốc

Cụ thể cuối tháng 4 vừa qua, Cục Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại nội địa (DPIIT), cơ quan thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ban hành thông báo số 3/2020 về việc sửa đổi quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm ngăn chặn các vụ thâu tóm cơ hội hoặc mua lại các công ty Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.

Động thái này diễn ra ngay sau khi Tập đoàn Tài chính Phát triển Nhà ở (HDFC), tập đoàn cho vay thế chấp lớn nhất Ấn Độ, thông báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại tập đoàn này từ 0,8% lên 1,01% trong quý I/2020 vừa qua, nhiều nhà chính trị gia và doanh nghiệp Ấn Độ lo ngại sẽ có xu hướng bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này đã điều chỉnh liên tục trong thời gian vừa qua.

Như vậy từ Mỹ, Ấn Độ đến Úc, các chính phủ cảnh báo về sự cần thiết của việc không để các ngành nghề chủ chốt rơi vào tay đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc. Thực tế, trước sự giảm sút nhanh của các cổ phiếu với giá trị thấp, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, Ấn Độ... đều đang chịu sức ép trước nguy cơ Trung Quốc lợi dụng tình thế mua lại cổ phần.

Boeing và Airbus, hai ông lớn sản xuất máy bay của Mỹ và châu Âu, đều mất gần 60% giá trị thị trường kể từ giữa tháng 2; cổ phiếu công ty khai thác dầu khí ENI của Ý và công ty khai khoáng lớn nhất Úc, BHP Group, giảm 40% hoặc hơn kể từ tháng 1.

Các chính phủ trên thế giới lo lắng rằng các công ty đang lâm vào tình trạng suy giảm giá trị và dòng tiền cạn kiệt có thể trở thành mục tiêu mua lại của các đối thủ như Trung Quốc. Họ đã đưa ra một cảnh báo cần phải ngăn chặn các ngành công nghiệp then chốt rơi vào tay đối thủ của họ và đã có hành động để bảo vệ các công ty có giá cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề khỏi bị bán tháo với giá thấp

 

Trong khi đó, tại Việt Nam, những con số đầu tư đã cho thấy một làn sóng doanh nghiệp Việt đang được rót vốn từ người anh em láng giềng. Số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài cho thấy trong tháng 4 bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 này, có đến hơn 100 lượt nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào Việt Nam qua hình thức góp vốn, mua cổ phần (hay thường gọi là mua bán và sáp nhập - M&A) của doanh nghiệp trong nước.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lượng nhà đầu tư từ Trung Quốc thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức M&A của doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt với tổng vốn góp là hơn 230 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượt góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng hơn 154 lượt giao dịch (tăng hơn 38%) với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu USD.

Trong khi đó, trong cùng thời gian trên, nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn đầu tư trực tiếp thực hiện các dự án đầu tư ở Việt Nam chỉ có 135 dự án, tức chỉ bằng khoảng 1/4 lượt giao dịch qua hình thức đầu tư M&A.

Con số trên cho thấy, nhà đầu tư Trung Quốc đang thích hình thức tham gia góp vốn và mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam hơn là đầu tư theo hình thức trực tiếp (FDI). Với số lượng giao dịch lớn trên nhưng số vốn đầu tư không nhiều chứng tỏ nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu rót vốn vào các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa ở trong nước.

Thế giới ngày càng cẩn trọng hơn với Trung Quốc

Các chính phủ đang đưa ra một loạt biện pháp bảo hộ mới như, bảo vệ an ninh quốc gia mà không làm tổn hại huyết mạch kinh tế vốn được đảm bảo bởi đầu tư nước ngoài, giữa lúc các doanh nghiệp cần tiền mặt để tồn tại.

Trung Quốc không bị chỉ đích danh trong bất kỳ biện pháp mới nào, nhưng khi thảo luận các quan chức đã nói về những lo ngại trước sự phụ thuộc quá mức vào sản xuất tại Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách cấp cao của châu Âu (EU) gần đây cho rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong cuộc khủng hoảng đã khẳng định tầm quan trọng của việc nền sản xuất trong nước có năng lực để làm ra các nguyên liệu chính.

Ngày 25.3, Ủy ban Châu Âu ban hành hướng dẫn đầu tư nước ngoài mới cho các quốc gia thành viên để bảo vệ tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu y khoa, công nghệ sinh học và cơ sở hạ tầng. Quy định mới yêu cầu các quốc gia thành viên như Hy Lạp và Bỉ, vốn không có quy trình đánh giá đầu tư, phải thiết lập các cơ chế sàng lọc.

 

Rod Hunter, cố vấn đầu tư nước ngoài của Văn phòng luật Baker McKenzie có trụ sở tại Washington cho biết các chính phủ châu Âu không muốn người khác lợi dụng sự bất ổn của thị trường để chen vào.

"Hãy nhớ rằng, việc mua lại một công ty ở nước bạn có thể có tác động an ninh ở các quốc gia thành viên khác hoặc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một dự án có lợi ích chung đối với liên minh", Cao ủy thương mại EU Phil Hogan nói. Ông Rod Hunter, người từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói rằng đại dịch COVID-19 đã phơi bày một số khâu yếu trong nền kinh tế toàn cầu. Các nước trên thế giới lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt dược phẩm hoạt tính và phụ thuộc châu Âu về mặt thiết bị y tế.

Đại dịch COVID-19 cũng nhắc nhở các nhà lãnh đạo chính phủ trên thế giới rằng các quốc gia của họ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về các sản phẩm đơn giản nhưng rất quan trọng như khẩu trang và dược phẩm; nền kinh tế của họ bị kết dính quá chặt với Trung Quốc trong nhiều loại chuỗi cung ứng khác nhau.

Các chính phủ khác cũng đối mặt với cùng một vấn đề như thế, bắt đầu bắt chước Liên minh châu Âu. Vài ngày sau đó, chính phủ Úc yêu cầu tất cả các đề nghị mua lại của nước ngoài đều phải qua thẩm tra xem xét, bãi bỏ ngưỡng giá trị đồng USD và trình tự xem xét ban đầu được kéo dài từ 30 ngày thành tối đa là 6 tháng.

Reuters đưa tin, chính phủ Trung Quốc năm nay đang chuẩn bị một kế hoạch mới gọi là "China Standards 2035” (Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035) nhằm mục đích thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu để sản xuất, phân phối và sử dụng các công nghệ thế hệ mới như viễn thông và trí tuệ nhân tạo.

Vào tháng 3 năm nay, bà Ellen Lord, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách giám sát đầu tư nước ngoài, đã cảnh báo: “Chúng ta phải nhận ra rằng trong cuộc khủng hoảng này, (cơ sở công nghiệp quốc phòng) rất dễ bị tấn công bởi tư bản thù địch, điều này vô cùng quan trọng”. Tuy Ellen Lord không nói rõ tên, nhưng giới bình luận cho rằng bà muốn cảnh báo về nguy cơ đến từ dòng vốn của Trung Quốc


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới