Hủy
Thế giới

Ngân hàng Trung ương Myanmar bước sang trang mới

Thứ Sáu | 12/07/2013 22:11

Lịch sử Ngân hàng Trung ương (NHTW) Myanmar đã chính thức bước sang trang mới sau khi đạo luật cải tổ mới được phê duyệt hôm qua 11/7.
 

Đúng như những lời đồn đoán và cả những cam kết trước đó,

Ngày 11/7, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã ký ban hành luật mới về cải tổ Ngân hàng Trung ương Myanmar.

Tuy chi tiết của đạo luật mới chưa được công bố, nhưng theo giới chức Myanmar, Ngân hàng Trung ương Myanmar sẽ trở thành một cơ quan độc lập, không trực thuộc Bộ Tài chính. Cho đến nay, NHTW Myanmar chỉ giữ vai trò "in tiền" để bù vào thâm hụt ngân sách của chính phủ.

Lịch sử chính trị-xã hội Myanmar ghi dấu 124 năm đấu tranh trong thời kì thực dân, từng là thuộc địa của Anh và Nhật Bản, cho đến năm 1948 Myanmar mới được Anh trao trả độc lập.

Tình hình bất ổn chính trị triền miên tại Myanmar buộc mỗi chính phủ khi lên nắm quyền đều dùng mọi biện pháp nhằm mục đích lớn nhất là duy trì sự thống trị. Dẫn đến mọi chính sách từ kinh tế (tiền tệ, tài khóa) hay xã hội, ngoại giao,… tất cả đều phục vụ cho chế độ tập quyền cao độ của chính phủ đương thời.

Điều tất yếu phải xảy ra: chính sách tiền tệ luôn là một biện pháp của chính sách cai trị nói chung. Hơn nữa, nhìn vào cách tổ chức cho đến trước thời điểm tổng thống Myanmar kí đạo luật mới, NHTW Myanmar vẫn trực thuộc Bộ Tài chính, không quá phóng đại khi nói rằng: Chính sách tiền tệ tại Myanmar chỉ là người "hầu gái" cho tài khóa và cho chính phủ đang trị vì.

Nằm dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài Chính, NHTW Myanamr đã giúp chính quyền quân sự trước đây tại Myanmar duy trì sự thống trị của mình. Mọi khoản chi tiêu mạnh tay dẫn đến thâm hụt ngân sách đều được Ngân hàng Trung ương Myanmar in tiền để bù đắp.

Nhưng nay, khi chính phủ bán dân sự của Myanmar lên nắm quyền, con đường hướng đến cải cách về thể chế và kinh tế đã bắt đầu trở nên rõ ràng.

Rất có thể, đạo luật mới vừa được tổng thống Thein Sein kí, tuy mới chỉ là bước đi đầu tiên trong quá trình cải tổ từ trên xuống của cả hệ thống ngân hàng chậm chạp, bảo thủ và lạc hậu, nhưng chắc chắn việc không còn trực thuộc Bộ Tài Chính sẽ đem đến vai trò thực sự của một Ngân hàng Trung ương đúng nghĩa và kiếp "hầu gái" cho tài khóa cũng chấm dứt.

Độc lập hơn để an toàn hơn

Với đạo luật cải tổ mới, nhiều khả năng NHTW Myanamr sẽ chuyển sang mô hình độc lập với chính phủ. Chủ động hoàn toàn trong chính sách tiền tệ, Myanmar mới có thể ứng phó kịp thời trước những dòng vốn nóng sắp chảy vào thị trường và thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tác động gia tăng từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được ví như "mưa rào" đang trút xuống nền kinh tế “khô hạn” vốn, làm mở rộng tài khoản bên CÓ trong bảng cân đối kế toán của NHTW, có nghĩa cần một cân đối lớn bên nợ.

Bên cạnh FDI, xu hướng tất yếu là sự ra đời của thị trường chứng khoán thúc đẩy nguồn vốn, nguy cơ tấn công tiền tệ đòi hỏi một NHTW thực sự mạnh và độc lập.

Trên hết, mô hình NHTW độc lập đòi hỏi sự phối hợp chính sách hài hòa giữa tiền tệ-tài khóa, cũng như khả năng ứng biến trong nền kinh tế mở, chắc chắn sẽ phức tạp hơn giai đoạn đóng cửa, cấm vận trước đây.

Mở cửa hội nhập đem đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Myanmar nhưng thách thức ngầm cũng không ít. Chính trị thay đổi, nhu cầu phát triển nội tại của nền kinh tế và nhu cầu đầu tư nước ngoài vào Myanmar tăng lên đáng kể là một thời cơ tốt, một lý do chính đáng cho sự lột xác của NHTW, để thoát khỏi thân phận là người hầu gái cho tài khóa, thoát ra khỏi cái bóng của chính phủ và chính quyền quân sự.

Thêm một hy vọng, với bước cải tổ từ trên xuống, hệ thống ngân hàng thương mại tại Myanmar sẽ được thay đổi toàn diện, để không còn một nền kinh tế tiền mặt, lạm phát cao, người dân sẽ không còn bỡ ngỡ với những cây rút tiền tự động (ATM) và không còn phải mang cả bao tiền đến ngân hàng để gửi tiết kiệm như trước.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới