Hủy
Thế giới

Người dân Bulgaria đổ xô rút tiền tiết kiệm

Thứ Ba | 01/07/2014 08:51

 
 
Bất chấp những bảo đảm của chính phủ, người dân Bulgaria vẫn đổ xô đi rút tiền tiết kiệm khỏi ngân hàng lớn thứ 3 nước này, First Investment Bank.

Hàng người xếp hàng bên ngoài một chi nhánh của First Investment Bank ở Sofia hôm 27/6
Hàng người xếp hàng bên ngoài một chi nhánh của First Investment Bank ở Sofia hôm 27/6

Hàng chục người gửi tiền đã rút tiền tiết kiệm của họ khỏi ngân hàng lớn thứ 3 Bulgary hôm thứ 2 bất chấp những bảo đảm của chính phủ và EU rằng tiền của họ vẫn an toàn sau sự kiện một ngân hàng lớn của Bulgaria phải đóng cửa hồi tuần trước.

Chính phủ Bulgaria đã bắt giữ 4 người bị tình nghi gây bất ổn hệ thống ngân hàng bằng điện thoại và internet trong một cuộc khủng hoảng gây ra nhiều lo ngại về sự điều hành kinh tế yếu kém tại quốc gia nghèo nhất EU này.

Hôm thứ 2, việc Ủy ban châu Âu thông qua hạn mức tín dụng 3,3 tỷ lev (1,35 tỷ bảng Anh) cho Bulgaria đã giúp cổ phiếu tại Ngân hàng lớn thứ 3 Bulgaria First Investment Bank tăng 20%.

Các nhà lãnh đạo EU, nhắc lại ý kiến của Quỹ tiền tệ quốc tế và các nhà kinh tế học, rằng hệ thống ngân hàng của Bulgaria “vững mạnh và có mức thanh khoản cao so với các nước thành viên khác của EU 28”.

Tổng thống Rosen Plevneliev đã thuyết phục người dân Bulgaria tiếp tục tin tưởng các ngân hàng sau cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo chính đảng và các quan chức ngân hàng trung ương.

“Không có lý do gì để lo lắng. Không có cuộc khủng hoảng ngân hàng nào hết, chỉ có cuộc khủng hoảng lòng tin và cuộc tấn công tội phạm mà thôi”, ông Plevneliev cho biết trong một cuộc họp báo.

Tuy vậy, hàng dài người vẫn xếp hàng bên ngoài các chi nhánh của First Investment Bank tuy có ít hơn so với hôm thứ 6 tuần trước.

Tại một chi nhánh có khoảng 30 người đang chờ rút tiền, bằng khoảng ½ con số ghi nhận hôm thứ 6 tuần trước. Ngân hàng First Investment Bank cho biết có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Gergana, một phụ nữ khoảng 60 tuổi, cho biết “Tôi đứng xếp hàng rút tiền ở đây vì tôi nhớ những gì đã diễn ra gần 20 năm trước”. Bà Gergana nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 1996-1997 khiến 14 ngân hàng sụp đổ.

“Tôi tin ngài Tổng thống nhưng tôi nghĩ ông ấy đang bị các ngân hàng lừa dối”, bà Gergana nói.

Một khách hàng khác có tên Ivan cho biết ông sẽ chuyển tiền của ông sang ngân hàng nước ngoài. Khoảng 1/3 số ngân hàng tại Bulgaria hiện là ngân hàng nước ngoài.

Tuần trước, ngân hàng trung ương đã giành quyền kiểm soát ngân hàng lớn thứ 4 của Bulgaria, Corpbank, sau khi các chủ nợ lo lắng trước thông tin về các thương vụ đáng nghi liên quan đến ngân hàng này đã lao đến rút tiền tiết kiệm của họ.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Bulgaria và các nhà kinh tế cho biết, Corpbank chỉ là trường hợp đặc biệt và sẽ không ảnh hưởng xấu đến hệ thống ngân hàng nước này.

Cuộc khủng hoảng đã khiến giới chính trị gia của Bulgaria lo lắng, buộc họ phải gạt bỏ qua những bất đồng vào một thời điểm bất ổn chính trị và hôm thứ 6 tuần trước họ đã nhất trí ngày 5/10 tới đây sẽ tiến hành cuộc bầu cử đột xuất.

Hôm chủ nhật vừa qua, tổng thống Plevneliev cho biết ông sẽ giải tán quốc hội và bổ nhiệm chính phủ lâm thời vào ngày 6/8 sau khi thủ tướng Plamen Oresharski từ nhiệm.

Bất chấp những bất ổn chính trị và kinh tế, IMF và các nhà kinh tế học đã ca ngợi sự ổn định của hệ thống ngân hàng Bulgaria và nguồn tài chính ổn định của nước này.

Bulgaria là một trong những nước thành viên EU có mức nợ thấp nhất và đồng nội tệ lev được gắn chặt với đồng euro thông qua một ủy ban tiền tệ - được thành lập trong cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1990.

Nguồn Theo DVO/Reuters


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới