Hủy
Thế giới

Những nhà đầu tư nào đang dòm ngó cơ hội ở Triều Tiên?

Thứ Tư | 30/03/2016 17:36

Jim Rogers, người đã tham gia sáng lập quỹ Quantum Fund cùng George Soros, từng nói rằng ông sẵn sàng đổ hết gia tài của mình vào Triều Tiên nếu được phép.
 

Gần đây vừa có một scandal đặc biệt liên quan tới nền kinh tế của quốc gia bí ẩn bậc nhất thế giới là Triều Tiên: công ty đồ thể thao Rip Curl của Australia đã phải thừa nhận rằng có đến 4.000 chiếc áo jacket gắn nhãn “Made in China” của họ thực ra là được sản xuất tại Triều Tiên.

Theo giải thích của Rip Curl, đơn hàng của họ đã bị đối tác tại Trung Quốc bí mật chuyển giao qua một nhà máy ở Triều Tiên. Công ty đã hủy hợp đồng với đối tác này, cũng như hoàn lại tiền cho khách hàng và hứa sẽ chuyển hết lợi nhuận từ lô hàng kể trên cho các hoạt động từ thiện. Thông báo từ ban lãnh đạo Rip Curl cho biết họ “vô cùng xin lỗi vì những gì đã xảy ra”.

Tuy nhiên, theo doanh nhân người Thụy Sĩ Felix Abt thì Rip Curl không có gì cần phải xin lỗi. Là người đã sống và làm việc tại Bình Nhưỡng từ 2002 tới 2009 và hiện đang sống tại Việt Nam, Abt là một trong số ít những người phương Tây cổ động việc hợp tác kinh doanh với Triều Tiên. Được biết, quốc gia này vừa bị tạp chí The Economist xếp hạng môi trường đầu tư kém nhất thế giới hồi đầu năm nay.

Theo một luật sư giấu tên tại Washington DC chuyên về tư vấn đầu tư vào các thị trường cận biên, Triều Tiên là một nơi dành cho “những người thích mạo hiểm” và “linh hoạt về mặt đạo đức”. Còn theo cuốn sách “Chuyện một nhà tư bản ở Triều Tiên” (A Capitalist in North Korea) của mình, Felix Abt nhận xét rằng việc chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao đang khiến cho Triều Tiên trở thành “nơi lý tưởng cho việc outsourcing”.

Nhung nha dau tu nao dang dom ngo co hoi o Trieu Tien?
Một nhà máy dệt tại khu công nghiệp Kaesong - Ảnh: The Telegraph

Với kinh nghiệm từng đại diện cho một số công ty ngoại quốc đầu tư vào Triều Tiên, Abt cho biết rằng các công nhân người Triều “làm việc hăng say hơn những người khác”, và các bộ luật về đầu tư nước ngoài của nước này đã thông thoáng hơn trong những năm gần đây. Việc thành lập các khu công nghiệp mới cũng đã giải quyết phần nào các vấn đề hay gặp trước đây như mất điện hay thiếu nhiên liệu.

Về việc xuất xứ sản phẩm, Abt cho biết rằng nếu như giữ được cho dưới 50% thành phẩm là có nguồn gốc từ Triều Tiên, thì việc gắn nhãn “Made in China” là chẳng có gì sai. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp muốn tiết kiệm chi phí có thể khoán hết các phần việc đòi hỏi nhiều công lao động nhất sang các nhà máy ở Triều Tiên, nơi có mức lương cao nhất là 75 USD / tháng, so với mức lương tối thiểu ở Trung Quốc là 270 USD.

Với các quan điểm khá khác người của mình về việc kinh doanh với Triều Tiên, Abt từng có lúc bị gọi là “nỗi xấu hổ lớn nhất của Thụy Sĩ”. Nhưng ông vẫn bảo lưu quan điểm rằng việc hợp tác kinh doanh với chính phủ Triều Tiên cũng mang lại lợi ích cho người dân nước này. Theo Abt cho biết, ông và các đồng nghiệp của mình đã mang lại cho các nhà quản lý ở Triều Tiên các kiến thức chuyên môn của phương Tây, và giới thiệu cho họ thế nào là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR): “Khi tôi quay trở lại thăm các xí nghiệp ấy, tôi thấy họ đã có những thay đổi tốt, như căngtin hay nhà tắm mới cho công nhân”.

Từ một góc nhìn khác, chuyên gia nghiên cứu Curtis Melvin tại Đại học Johns Hopkins cho rằng việc đầu tư vào Triều Tiên có thể mang lại thay đổi tích cực, nhưng ông không khuyến khích làm điều đó vào lúc này. Theo Melvin, đó vẫn là “khoảng chân không về mặt thông tin”, và “các hợp đồng thường xuyên bị vi phạm”. Còn theo Matthew Reichel, giám đốc dự án Pyongyang Project chuyên tổ chức giao lưu học thuật với Triều Tiên, thì đây là nơi có “vị trí địa lý rất tuyệt vời, và có nhiều người dân biết chữ và hăng say lao động”. Dù vậy, Reichel cũng cảnh báo rằng “nếu có ai đó vẽ ra một bức tranh toàn màu hồng về việc đầu tư vào Triều Tiên, thì họ không nói hết sự thật đâu”.

Nhung nha dau tu nao dang dom ngo co hoi o Trieu Tien?
Một xưởng chế biến tỏi tại khu công nghiệp Kaesong - Ảnh: ITV.com

Năm 2012, một tập đoàn khai thác mỏ của Trung Quốc là Xiyang Group từng thừa nhận rằng 5 năm đầu tư của họ vào Triều Tiên là một sai lầm. Sau khi Xiyang đã bỏ ra 37 triệu USD vào một liên doanh với chính phủ Triều Tiên, hai bên đã có mâu thuẫn về một số điều khoản trong bản hợp đồng đã ký. Khi Xiyang từ chối thay đổi, cơ sở sản xuất của họ đã bị cắt hết điện nước, và sau đó 100 nhân viên của họ cũng bị trục xuất hết về Trung Quốc.

Năm 2015, một liên doanh sản xuất điện tử giữa quỹ đầu tư Phoenix Commercial Ventures của châu Âu với công ty Hana Electronics của Triều Tiên cũng đi đến thất bại. 2 tháng sau đó, hãng viễn thông Orascom của Ai Cập, vốn là công ty thành lập mạng di động đầu tiên tại Triều Tiên, cho biết họ đã mất quyền kiểm soát liên doanh với phía Triều Tiên, dù nắm tới 75% cổ phần. Mặc dù Orascom chưa cho biết họ có ý định tiếp tục duy trì kinh doanh ở Triều Tiên hay không, nhưng xem ra khả năng thoái vốn để thu hồi tài sản là rất khó xảy ra.

Mặc dù vậy, vẫn có những người tiếp tục khuyến khích đầu tư vào Triều Tiên như Felix Abt hay Paul Tija, một chuyên gia tư vấn người Hà Lan. Theo Tija, khả năng công nghệ của Triều Tiên là đủ sức để sản xuất các sản phẩm nhận dạng vân tay, giọng nói và khuôn mặt. Còn Abt thì cho rằng việc sản xuất răng giả ở Triều Tiên là có lợi nhuận khá tốt, với chi phí thấp hơn nhiều so với tại Philippines, nơi có tỷ lệ người dùng răng giả nhiều nhất châu Á.

Nhà đầu tư lão luyện Jim Rogers, người đã tham gia sáng lập quỹ Quantum Fund cùng George Soros, từng nói rằng ông sẵn sàng đổ hết gia tài của mình vào Triều Tiên nếu được phép. Rogers bắt đầu quan tâm tới quốc gia này sau một chuyến thăm hồi năm 2007, và tới năm 2011 thì chuyển sang tìm hiểu các cơ hội đầu tư, chỉ vài tháng sau khi Kim Jong-un trở thành lãnh đạo mới của Triều Tiên. Theo Rogers, Triều Tiên hiện nay rất giống Trung Quốc hồi năm 1981, nhưng có tiềm năng thay đổi còn nhanh hơn cả Trung Quốc.

Rogers than phiền rằng các lệnh cấm vận ngặt nghèo của nước Mỹ với Triều Tiên là “rất đáng buồn”, và cho rằng không phải ngẫu nhiên mà những nhà đầu tư của các nước khác thường đi trước người Mỹ tại các thị trường cận biên. Nếu Rip Curl là một công ty của Mỹ, có thể ban lãnh đạo công ty này đã phải đối mặt với mức phạt tối đa 1 triệu USD hay bản án lên tới 20 năm tù.

Minh Trí

Nguồn Vice


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới