Hủy
Thế giới

Phố Wall đối mặt với những mối đe dọa khủng bố có thể tồi tệ hơn vụ 11/9

Minh Duy Thứ Ba | 14/09/2021 11:45

Tổng thống George W Bush đã tập hợp các nhân viên cứu hỏa và cứu hộ tại địa điểm Trung tâm Thương mại Thế giới bị sập ở Thành phố New York ngày 14 tháng 9 năm 2001. Ảnh: Getty Images.

Lo ngại những cuộc tấn công mạng là mối đe dọa hàng đầu đối với hoạt động giao dịch tại Phố Wall khi những tiến bộ công nghệ thay đổi thị trường.
 

Hai mươi năm trước, vụ tấn công 11/9 đã giết chết gần 3.000 người Mỹ. Kể từ đó, nước Mỹ không phải hứng chịu bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào có thể so sánh được, thậm chí cũng không bằng 1/10 quy mô. 

Tổng số người chết vì các cuộc tấn công bên trong đất Mỹ trong hai thập niên qua là 107. Con số này vẫn còn quá cao nhưng thấp hơn nhiều so với lo ngại của hầu hết các nhà lãnh đạo và quan chức chống khủng bố của Mỹ về ngày 11/9, khi những hình ảnh về một cuộc tấn công tiếp theo, có lẽ với vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Theo The Wall Street Journal, sau vụ tấn công ngày 11/9, Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) đã đóng cửa 4 ngày. Đây được xem là lần đóng cửa lâu nhất kể từ năm 1933. Trong một thế giới giao dịch suốt ngày đêm như hiện tại, thật khó để tưởng tượng mọi thứ sẽ ra sao nếu thị trường chứng khoán đóng cửa kéo dài.

Trong suốt 20 năm qua, bằng những tiến bộ về công nghệ và những nỗ lực củng cố cơ sở hạ tầng, việc thị trường của Mỹ ngưng hoạt động là điều rất hiếm xảy ra. Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến giá cổ phiếu lao dốc, thị trường chứng khoán vẫn mở và các hệ thống cốt lõi hoạt động hầu như không có trục trặc.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và quan chức lo ngại rằng thị trường tài chính vẫn có thể bị tê liệt bởi một cuộc tấn công, cuộc tấn công sử dụng các công cụ hack tinh vi hơn là những vũ khí.

Cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) Harvey Pitt, người lãnh đạo cơ quan này vào thời điểm vụ tấn công 11/9/2001, cho rằng: khi con người đã số hóa cuộc sống của mình, việc này sẽ gieo mầm cho một sự hủy diệt hệ thống thậm chí còn tồi tệ hơn. "Mỗi ngày đều tiềm tàng khả năng về một sự kiện thiên nga đen", ông nói. 

Các sĩ quan tình báo ở Kabul, Afghanistan theo dõi cảnh quay từ máy bay giám sát, ngày 28/4. Ảnh: Getty Images.
Các sĩ quan tình báo ở Kabul, Afghanistan theo dõi cảnh quay từ máy bay giám sát, ngày 28/4. Ảnh: Getty Images.

Cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ vào 20 năm trước cho thấy hệ thống tài chính dễ bị phá hủy. Khi tòa tháp đôi sụp đổ và hơn 2.000 người thiệt mạng, hệ thống liên lạc quan trọng của ngành tài chính đã bị gián đoạn. Thị trường chứng khoán đóng cửa trong 4 ngày giao dịch chờ khắc phục thiệt hại. Thị trường trái phiếu cũng đã đóng cửa trong 2 ngày. Các sàn giao dịch xa như Chicago cũng tạm thời đóng cửa.

Trong những năm sau đó, các công ty môi giới và sàn giao dịch đã chuyển nhiều hệ thống chủ chốt của họ ra khỏi Hạt Manhattan. Các cơ quan quản lý đã thúc đẩy các công ty thực hiện các thử nghiệm bổ sung để đảm bảo thị trường có thể mở cửa khi thảm họa xảy ra.

Sự thay đổi của các sàn giao dịch kiểu cũ cũng khiến thị trường ít nguy cơ bị tấn công vật lý hơn. Vào năm 2001, hàng ngàn nhà giao dịch vẫn đổ đến sàn NYSE mỗi ngày. Mặc dù tòa nhà của NYSE không bị hư hại, nhiều đường dây điện thoại và kết nối dữ liệu tới sàn giao dịch bị cắt đứt.

Ngày nay, khối lượng giao dịch tại NYSE và các sàn giao dịch chứng khoán chủ yếu là điện tử, diễn ra trong các trung tâm dữ liệu được bảo mật chặt chẽ ở New Jersy. NYSE, hiện thuộc sở hữu của Intercontinental Exchange Inc., vẫn duy trì một sàn giao dịch, tuy nhiên số lượng nhà giao dịch ít hơn nhiều. Khi địa điểm này đóng cửa trong hai tháng vào năm ngoái do COVID-19, tác động hầu như không đáng kể.

Cách đây 20 năm, sự cố ngừng hoạt động tại NYSE khiến hoạt động giao dịch bị đình trệ. Cựu giám đốc điều hành NYSE Bob Zito cho biết: "Nếu NYSE hắt hơi, mọi thị trường khác sẽ bị cảm lạnh".

Vì thế, việc xem xét lại toàn bộ quy định vào giữa những năm 2000 đã phá vỡ những gì gọi là độc quyền của NYSE - Nasdaq, giúp các sàn giao dịch mới nổi dễ cạnh tranh hơn. Các cổ phiếu niêm yết trên NYSE và Nasdaq hiện có thể giao dịch trên 16 sàn giao dịch khác, hoạt động hiệu quả như một bản sao lưu nếu một sàn gặp sự cố.

Lần cuối cùng một thảm họa khiến thị trường chứng khoán đóng cửa là vào năm 2012. Siêu bão Sandy đã dẫn đến việc thị trường chứng khoán đóng cửa trong 2 ngày. Mặc dù, các sàn giao dịch đã có kế hoạch dự phòng sẵn sàng trước cơn bão, nhưng các ngân hàng và công ty thương mại đã thúc đẩy việc đóng cửa. Họ lo ngại không đủ sẵn sàng xử lý kế hoạch dự phòng của NYSE để đóng cửa sàn và chuyển sang trạng thái điện tử hoàn toàn.

Hai năm sau, SEC đã thông qua một quy định bắt buộc các cuộc kiểm tra phối hợp diễn ra hàng năm đối với các kế hoạch thảm họa của các sàn giao dịch. Những người kỳ cựu trong ngành nói rằng quy tắc này đã giúp giảm rủi ro giao dịch và tạo niềm tin rằng thị trường sẽ giữ vững trong thời gian tới khi thảm họa xảy ra.

Tuy nhiên, các lỗ hổng vẫn còn. Các công ty môi giới trực tuyến phổ biến như Fidelity Investments, Robinhood Markets Inc và Vanguard Group đã gặp trục trặc kể từ khi đại dịch bùng phát. Vấn đề thường gặp là khi lượng truy cập lớn khách hàng không thể truy cập các trang web hoặc ứng dụng của họ.

Mối đe dọa từ tin tặc khiến các quan chức và các giám đốc điều hành Phố Wall lo lắng. Hồi tháng 4, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết các cuộc tấn công mạng đã trở thành rủi ro lớn nhất đối với hệ thống tài chính, lớn hơn các yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Giám đốc đầu tư Jim Besaw của GenTrust, một công ty quản lý 3,5 tỉ USD tài sản, cho biết một cuộc tấn công mạng vào hệ thống tài chính có thể làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư lớn hơn so với vụ khủng bố bằng máy bay ngày 11/9.

♦ “Thiên nga đen” - tức hiện tượng kinh tế vô cùng hiếm xảy ra và không thể dự đoán trước.

Có thể bạn quan tâm:

20 năm thảm kịch khủng bố 11/9


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới