Sân bay Brandenburg: Tấn bi hài kịch của nước Đức
Đến với công trường thi công sân bay Brandenburg (FBB) nằm cạnh thủ đô Berlin của nước Đức, chắc chắn người ta không khỏi choáng ngợp vì thiết kế đầy ấn tượng của dự án này: Một nhà ga hoành tráng với mặt ngoài toàn bộ làm bằng kính, còn bên trong được ốp gỗ walnut nhân tạo chất lượng cao. Một hệ thống đường ray cao tốc với tần suất 4 chuyến tàu mỗi giờ có thể đưa hành khách từ sân bay tới trung tâm Berlin chỉ trong vòng 20 phút.
Theo thiết kế, FBB có khả năng tiếp nhận 27 triệu lượt khách mỗi năm và sẽ đưa Berlin trở thành điểm trung chuyển hàng đầu của châu Âu. So với 3 sân bay hiện có của thành phố Berlin là Tempelhof, Schonefeld và Tegel, vốn được xây dựng từ cuối những năm 1940, thì FBB quả thực là một sân bay mang tầm vóc thế kỷ XXI.
Ít ai ngờ rằng, dự án này đã trải qua 2 đời CEO và 3 đời giám đốc kỹ thuật, làm cho thị trưởng Berlin phải từ chức và là nỗi đau đầu của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Cỗ máy đốt tiền
Được khởi công vào năm 2006 và dự kiến hoàn tất vào năm 2010, đến nay sau 5 năm trì hoãn thì dự án FBB vẫn chưa đi tới đâu. Giữa lúc bà Merkel và nội các đang chỉ trích người Hy Lạp là không biết cách thắt lưng buộc bụng, thì ngân sách cho FBB đã tăng đến 3 lần so với dự toán ban đầu, chạm mức 5,4 tỉ euro.
Nội chi phí bảo trì công trường hằng tháng cũng đã lên tới 16 triệu euro. Ngay cả những người lạc quan nhất về dự án cũng cho rằng FBB chỉ có thể đi vào hoạt động sớm nhất là năm 2017. Nhiều người còn cảnh báo rằng dự án này có thể vẫn chưa hoàn tất trước khi giấy phép xây dựng của nó hết hạn vào tháng 11.2016.
Năm 2009, một nhà nghiên cứu về các dự án công của Đại học Oxford từng viết: “Thường thì những dự án cơ sở hạ tầng được giới chính trị gia thông qua không phải là những dự án tốt nhất, mà là những dự án được vẽ vời hay nhất. Dĩ nhiên, đó cũng là những dự án bị đội giá nhiều nhất và mang lại nhiều thất vọng nhất”.
Thừa giấy vẽ voi
Có thể nói, dự án FBB đã bị nhấn chìm bởi sức nặng tham vọng của chính những người điều hành dự án. Nếu không, nó đã được hoàn tất đúng hạn vào năm 2010.
Tuy nhiên, việc hãng Airbus chính thức ra mắt siêu phi cơ A380 vào năm 2007 đã khiến cho CEO của FBB khi đó là ông Rainer Schwarz quyết định rằng, sân bay cần phải được thiết kế lại để có khả năng tiếp nhận dòng máy bay này. Thị trưởng Berlin là ông Klaus Woreweit cũng nhiệt tình ủng hộ quyết định này. Bất chấp việc chưa có hãng hàng không nào lên tiếng rằng họ sẽ mở đường bay đến Berlin bằng A380, Schwarz vẫn yêu cầu các kiến trúc sư và kỹ sư phải làm lại toàn bộ các bản thiết kế.
Sau đó, Schwarz lại có ý tưởng mới là biến FBB thành một đại tổ hợp mua sắm sang trọng theo kiểu Dubai: Tại sao lại không xây thêm hẳn một tầng nhà ga nữa để dành cho trung tâm mua sắm? Vậy là tổng diện tích mặt bằng của nhà ga bị tăng thêm gần gấp đôi so với thiết kế ban đầu và to gấp rưỡi nhà ga lớn nhất nước Đức hiện nay tại sân bay Frankfurt.
Với một loạt thay đổi xoành xoạch như vậy, không có gì ngạc nhiên khi công ty được FBB thuê để hoạch định việc xây dựng đã phải tuyên bố phá sản. Xem lại hàng ngàn email trong nội bộ FBB, người ta thấy giới kỹ thuật kêu ca về việc không đủ thời gian, còn Schwarz thì toàn trả lời theo kiểu: “Tôi không quan tâm”.
Đến năm 2011, nhóm kiểm tra về an toàn sân bay phát hiện ra hệ thống báo cháy và thông khói của FBB gần như không hoạt động. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới điều này là do đội ngũ kiến trúc sư đã có ý tưởng đầy sáng tạo là cho hệ thống thông khói hoạt động bằng cách bơm khói xuống lòng đất để đưa sang nơi khác, thay vì đơn giản là cho khói bay lên trời như các sân bay khác trên thế giới đã làm. Về sau, người ta còn phát hiện ra người đứng đầu bộ phận thiết kế hệ thống báo cháy thậm chí không có bằng kỹ sư mà chỉ là một người chuyên làm bản vẽ kỹ thuật. Ông này viện lý do: “Nếu không ai hỏi thì tôi cũng đâu có phải khai báo làm gì” và nói rằng công ty đã lỡ thêm danh hiệu kỹ sư vào danh thiếp của ông.
Không ngừng "sáng tạo"
Vài tháng sau đó, Ban Lãnh đạo FBB trình lên một giải pháp mới cho việc báo cháy: thuê 800 nhân công giá rẻ để quan sát bằng mắt xem có dấu hiệu cháy nổ hay không, rồi dẫn hành khách ra lối thoát hiểm khi có sự cố. Ý tưởng này có lẽ đã khả thi hơn, nếu như hệ thống tự động mở 3.000 cánh cửa thoát hiểm của sân bay có thể hoạt động. Đáng tiếc thay, điều đó không phải là hiện thực.
Vị ủy viên giữ quyền quyết định cấp giấy phép cho sân bay đã thẳng thừng từ chối ý tưởng này. Kết quả là sau một hồi tổ chức kèn trống tưng bừng để chuẩn bị cho ngày khai trương vào giữa năm 2012 với sự hiện diện của Thủ tướng Merkel, FBB đã phải lẳng lặng cho kế hoạch này chìm xuồng. Nội bộ FBB nhanh chóng quay sang đổ tội lẫn nhau, dẫn tới việc hàng loạt kiến trúc sư và kỹ sư bị sa thải.
“Cháy nhà ra mặt chuột”, giám đốc kỹ thuật của FBB sau đó bị phát hiện là đã nhận hối lộ một khoản tiền lên đến nửa triệu euro để đổi lấy hợp đồng sửa chữa lại hệ thống thông khói và rồi nhận hình phạt là 1 năm tù treo. Chưa hết, sau đó hệ thống làm mát cho dàn máy tính của FBB bị phát hiện là không đủ công suất, với nguy cơ đi kèm là có thể làm cho toàn bộ hệ thống IT của sân bay ngưng hoạt động.
Chưa hết, nhiều chuyên gia tư vấn đã bày tỏ nghi ngờ rằng, FBB khó có thể đáp ứng được công suất 27 triệu hành khách như đã đề ra, mà chỉ có thể tiếp đón được 17 triệu.
Nhiệm vụ bất khả thi?
Năm 2014, thị trưởng Woreweit của Berlin buộc phải tuyên bố từ chức sau 13 năm tại vị, trước sức ép của công luận về các thất bại của dự án FBB. Thiếu sự bảo trợ của Woreweit, Schwarz nhanh chóng bị Hội đồng Quản trị sa thải. Tuy nhiên, sau đó Schwarz quay ra khởi kiện FBB vì đã sa thải sai hợp đồng và tới cuối năm ngoái thì tòa án Berlin xử cho ông ta thắng kiện, buộc FBB phải bồi thường 1,4 triệu euro.
Người thay thế Schwarz là ông Hartmut Mehdorn, vốn là bạn thân của cựu thủ tướng Gerhard Schroder. Ông Mehdorn được xem là cứu tinh của dự án nhờ thành tựu xây dựng nhà ga xe lửa Berlin, một trong những nhà ga hiện đại nhất thế giới, cũng như từng là CEO của hãng hàng không giá rẻ đầy thành công Air Berlin. Tuy nhiên, dưới triều đại Mehdorn, một vấn đề mới lại nảy sinh: hệ thống đèn trong nhà ga FBB chỉ có thể được bật lên mà không thể tắt vì lỗi phần mềm điều khiển, gây thiệt hại hàng triệu euro trên hóa đơn tiền điện. Sau gần một năm tại vị, Mehdorn cũng phải bỏ của chạy lấy người.
Tháng 2.2015, FBB có một CEO mới là ông Karsten Muhlenfeld, cựu giám đốc kỹ thuật của hãng Rolls Royce tại Đức. Việc đầu tiên mà ông Muhlenfeld và các cộng sự thực hiện là tháo bỏ và lắp lại toàn bộ hệ thống dây cáp tại FBB, với tổng chiều dài gần 90 km. Sau đó, ông cũng đã cho làm lại hệ thống thông khói theo đúng cách mà thế giới đã làm.
Theo dự kiến, FBB sẽ được hoàn tất vào năm 2016, trước khi được kiểm tra an toàn chống cháy một lần nữa. Nếu mọi việc suôn sẻ, FBB sẽ được chính thức mở cửa vào năm 2017.
Liệu bản trường ca đầy bi hài về FBB rồi đây sẽ sớm kết thúc? Một nghị sĩ của thành phố Berlin là ông Axel Vogel tỏ vẻ nghi ngờ: “Hiện tại, số lượng lỗi thi công đã được phát hiện tại FBB là 150.000, trong đó có 85.000 được xếp loại nghiêm trọng”.
Tuấn Minh
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nguyên Hồ
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ