Hủy
Thế giới

Tại sao vẫn cần lo lắng về dự trữ ngoại hối của Trung Quốc?

Thứ Tư | 10/08/2016 10:42

Dự trữ ngoại hối từ lâu đã được coi là tín hiệu lạc quan về khả năng kiềm chế những cơn bão kinh tế của chính phủ Trung Quốc.
 

Nhưng giờ đây, Trung Quốc đang kẹt trong cái bẫy chính sách khi mở rộng nguồn cung tiền nội địa nhằm rót thanh khoản vào hệ thống ngân hàng để xử lý vấn đề nợ xấu.

Số liệu công bố hồi tháng 7/2016 cho thấy, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trong khi nguồn cung tiền nội địa tăng - Bắc Kinh có thể không còn đủ nguồn lực trong cuộc chiến chống lại đà tháo chạy của dòng vốn.

Nhìn qua, dự đoán bi quan này nghe có vẻ bất thường.

Từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc luôn có xu hướng giảm, xuống còn 3,2 nghìn tỷ USD trong tháng 7/2016, thấp hơn 4,1 tỷ USD so với tháng 6/2016. Tuy nhiên, số liệu về dự trữ ngoại hối gần đây lại tích cực hơn dự đoán và có vẻ khá khỏe mạnh trong mối tương quan với GDP và cán cân thanh toán.

Nhưng đừng để điều đó đánh lừa bạn, Worth Wray, kinh tế trưởng tại STA Wealth Management - hãng tư vấn tại Houston, cảnh báo.

Ông Wray tỏ ra lo ngại về dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong mối tương quan với nguồn cung tiền M2*. Nguồn cung tiền M2 tăng trong những tháng gần đây khi Trung Quốc nỗ lực kích thích tăng trưởng và cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng cũng như người vay là các công ty nhà nước để trả lãi nợ.

Nói đơn giản, nếu M2 cho thấy dòng vốn có khả năng rời khỏi Trung Quốc, thì dự trữ ngoại hối cho thấy nguồn lực của Bắc Kinh trong việc quản lý dòng chảy này.

Theo số liệu tháng 7, tỷ lệ dự trữ ngoại hối/M2 (FX/M2) đang đứng ở mức thấp nhất kể từ tháng 6/2003, theo số liệu của Bloomberg.

Ông Wray coi tỷ lệ này là đáng báo động. Năm 2014, tỷ lệ này là 27% khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt hơn 4 nghìn tỷ USD, nhưng giờ đây giảm xuống sát 14%, thấp hơn so với ngưỡng khuyến nghị của IMF là 20%.

Giới phân tích dự đoán dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. Morgan Stanley cho rằng, tỷ lệ hoàn vốn (ROI) yếu ớt, năng suất giảm và triển vọng lãi suất thực ở mức thấp hơn sẽ thúc đẩy dòng vốn tháo chạy trong những tháng tới.

Nếu Bắc Kinh cố gắng kiềm chế tình trạng này bằng cách bào mòn dự trữ ngoại hối nhưng vẫn duy trì đà tăng nguồn cung tiền, tỷ lệ FX/M2 sẽ giảm hơn nữa.

Nếu tỷ lệ FX/M2 tiếp tục giảm, Trung Quốc có lẽ phải nhẫn nhục chịu đựng và đưa ra lựa chọn khó khăn về chính sách tiền tệ.

Trung Quốc đang nỗ lực tránh phải phá giá nội tệ vì việc này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dòng vốn tháo chạy và kết quả là thanh khoản nội địa thắt chặt hơn. Bên cạnh đó, sức mạnh của nhân dân tệ đối với USD đang phần nào làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Cung ứng tiền tệ chỉ lượng cung cấp tiền tệ trong nền kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản, v.v... của các cá nhân (hộ gia đình) và doanh nghiệp (không kể các tổ chức tín dụng).

Quy mô cung tiền được phân chia theo các cấp độ M0, M1, M2, M3, (M4):
• M0 = Tổng lượng tiền mặt do ngân hàng trung ương phát hành đang được lưu thông (Tiền cơ sở; Tiền hẹp; Tiền mặt có thể chi tiêu ngay lập tức).
• M1 = M0 + Tiền mà các ngân hàng thương mại gửi tại ngân hàng trung ương (Đồng tiền mạnh)
• M2 = M1 + Chuẩn tệ (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn… tại các tổ chức tín dụng) (Tiền rộng; Tiền gửi tiết kiệm không thể tiêu ngay được)
• M3 = M2 + tất cả các khoản tiết kiệm khác gửi tại các tổ chức tín dụng (Trái phiếu quốc gia, tín phiếu, …).
• M4 (ở Anh) = M0 + Tiền trong tài khoản các loại.
• Tính thanh khoản theo nghĩa rộng = M3 + Các trái phiếu + Các khoản đầu tư tín thác.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới