Hủy
Thế giới

Tăng cho vay để kích thích kinh tế, nợ của Trung Quốc tăng mạnh

Thảo Nhi Thứ Bảy | 20/07/2019 06:37

Ảnh: Financial Express.

Tổng nợ của Trung Quốc đã tăng mạnh trong quý I 2019, khi Bắc Kinh cho phép chính quyền địa phương tăng vay nợ để kích thích kinh tế.
 

► Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng kinh tế?

 

Theo đánh giá từ Institute of International Finance (IFF - Viện Tài chính Quốc tế), trong quý I/2019, tổng nợ của Trung Quốc tăng mạnh khi Bắc Kinh cho phép chính quyền địa phương tăng đi vay và phát hành trái phiếu nhằm kích thích nền kinh tế đang có dấu hiệu đi xuống.

Theo IFF, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc đã tăng từ mức 297% trong quý I/2018 lên đến xấp xỉ 304% trong quý I/2019.

Theo số liệu do IFF công bố, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách kiểm soát nợ doanh nghiệp bằng cách nghiêm cấm các hoạt động vay mượn qua các kênh không chính thống, còn được gọi là shadow banking (ngân hàng ngầm). Mặc dù các hạn chế đã kéo giảm nợ doanh nghiệp trong lĩnh vực phi tài chính, nợ ròng trong những lĩnh vực khác lại tăng vọt, khiến tổng tiền nợ lên đến hơn 40 nghìn tỷ USD –  khoảng 15% tổng số nợ toàn cầu.

Cụ thể, theo IFF, nợ hộ gia đình tại Trung Quốc vẫn là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất, tỷ lệ nợ/GDP tăng từ 49,7% vào quý I/2018 lên đến 54% vào quý I/2019. 

Nợ chính phủ trên GDP tăng từ 47,4% vào một năm trước lên 51% trong quý I/2019, trong khi nợ của lĩnh vực tài chính tăng từ 41,3% lên 43%.

Nhóm doanh nghiệp phi tài chính là nhóm duy nhất giảm bớt vay mượn, tỷ lệ nợ/GDP đã giảm từ 158,3% vào năm ngoái xuống còn 155,6%.

Tang cho vay de kich thich kinh te, no cua Trung Quoc tang manh
Chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy chi tiêu hạ tầng để kích thích kinh tế. Ảnh: SCMP.

Hơn hai năm trước, Trung Quốc đã khởi động chiến dịch giảm đòn bẩy (deleverage) nhằm giảm nợ và hạn chế các khoản vay rủi ro, nhưng vì kinh tế Trung Quốc đang trì trệ do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mai với Mỹ, chính quyền đã nới lỏng điều kiện tín dụng và công bố các gói chi tiêu tài khóa cho những dự án cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

Từ đầu năm nay, việc nới lỏng các khoản vay từ ngân hàng và chính quyền địa phương đã thúc đẩy hoạt động vay mượn và phát hành trái phiếu gia tăng.

Số liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho thấy, tổng các khoản vay mới trong 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt con số 9,67 nghìn tỷ NDT (1,4 nghìn tỷ USD), mức kỷ lục đối với các ngân hàng Trung Quốc, tăng từ mức 9,03 nghìn tỷ NDT vào cùng kỳ năm trước.

Nhằm thúc đẩy chính quyền địa phương - vốn đang gặp khó khi nguồn thu suy giảm vì đợt cắt giảm thuế tại Trung Quốc -  đầu tư vào cở sở hạ tầng, chính quyền trung ương đã cho phép tiền thu được, từ trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành, có thể dùng như vốn mồi cho một số dự án cơ sở hạ tầng, vốn có thể tạo ra nguồn thu lớn. 

Theo một báo cáo từ cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s, trong năm 2019, chỉ tiêu trái phiếu của chính quyền địa phương, vốn được dùng để tài trợ những dự án cơ sở hạ tầng, đã tăng lên 2,15 nghìn tỷ NDT (312 tỷ USD), mức tăng 59%. Moody’s cũng cho biết vào cuối tháng 5/2019, khoảng 860 tỷ NDT (125 tỷ USD) trái phiếu, tương đương 40% chỉ tiêu của năm, đã được phát hành.

Vào ngày 16/7, bà Meng Wei, người phát ngôn của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), cho biết trong nửa đầu năm 2019, NDRC đã thông qua 94 dự án đầu tư tài sản cố định, có tổng trị giá là 471,5 tỷ NDT (69 tỷ USD). Số tiền đầu tư tăng gấp đôi so với con số 260,3 tỷ NDT cho 102 dự được thông qua vào cùng kỳ năm ngoái.

Những nhà phân tích tại Moody’s dự đoán  Trung Quốc sẽ nới lỏng việc kiềm soát hoạt động ngân hàng ngầm trong những tháng tới, khi Bắc Kinh gia tăng kích thích tín dụng trước tác động ngày càng lớn của cuộc chiến thương mại.

 Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết vào ngày 15/7 rằng, trong quý II/2019, mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,2%, đây là mức thấp thấp nhất kể từ quý I/1992 và thấp hơn cả mức tăng GDP trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hơn nữa, Moody’s cho biết các ngân hàng địa phương đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, điều này buộc các cơ quan quản lý phải nới tay hơn trong chiến dịch giảm đòn bẩy của họ.

Theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc, hôm 16/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu rằng sức ép suy giảm đối với Trung Quốc đang tăng vì những quan ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự suy giảm trong thương mại và đầu tư, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cùng những cơn gió ngược đối với nền kinh tế trong nước.

Theo ông Lý, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chính sách tiền tệ thận trọng và các chính sách ưu tiên tạo việc làm, đồng thời tận dụng tốt những công cụ phản chu kỳ và thực hiện những điều chỉnh khi cần thiết.

Nguồn SCMP


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới