Hủy
Thế giới

Thị trường thế giới chao đảo do kế hoạch tấn công Syria

Thứ Tư | 28/08/2013 15:28

Trong khi làn sóng bán tháo khiến thị trường cổ phiếu toàn cầu giảm thì giá hàng hóa tăng, thị trường tiền tệ biến động mạnh.
 

Thị trường toàn cầu chao đảo thời gian gần đây do nhà đầu tư lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu giảm kích thích kinh tế từ tháng 9 tới. Thị trường biến động mạnh hơn trong 2 ngày qua khi xuất hiện thông tin Mỹ và các đồng minh đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria và có thể ngay ngày mai 29/8.

NBC dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết, quân đội Mỹ có thể nã tên lửa vào Syria trong cuộc tấn công kéo dài 3 ngày kể từ ngày 29/8. Quan chức Anh, Pháp cũng tuyên bố sẵn sàng trừng phạt Syria. Tuy nhiên, cả Mỹ, Anh và Pháp đều khẳng định sẽ không lật đổ chính quyền tổng thống Bashar al-Assad nhằm mục đích thay đổi chế độ.

Những thông tin về kế hoạch tấn công Syria đã nhanh chóng tác động mạnh đến thị trường toàn cầu từ thị trường cổ phiếu, tiền tệ đến hàng hóa.

Làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu

Ck

Nhà đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường đầu tư rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu do lo ngại Fed rút kích thích và những biến động địa chính trị liên quan đến chiến sự Syria. Chỉ số MSCI toàn cầu giảm 1,4% phiên hôm qua trong khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 2 tháng.

Lúc 11h42 hôm nay 28/8 theo giờ Tokyo, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 1,6%, hướng đến mức thấp nhất kể từ ngày 27/6. Chỉ số này có 8 phiên giảm trong 10 ngày trở lại đây.

Chỉ số Topix của Nhật Bản giảm 2,4% khi yên tăng mạnh nhất hơn 2 tháng so với USD làm giảm triển vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản. Kospi Hàn Quốc giảm 0,5%, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,8%, Hang Seng Kong Kong giảm 1,4%, Straits Times của Singapore giảm 1,2%. Chỉ số chứng khoán thị trường Indonesia giảm tới 3,3%, Philippines giảm 5,6%.

Cổ phiếu toàn cầu sẽ còn biến động mạnh trong những tháng tới do cuộc khủng hoảng ở Syria và các sự kiện quan trọng như bầu cử ở Đức, Australia, nguy cơ Fed giảm kích thích và tình trạng đóng băng thanh khoản ở các thị trường mới nổi, Evan Lucas, chuyên gia về thị trường tại IG nhận định.

Giá vàng và hàng hóa tăng mạnh
Giá vàng.

Giá vàng tăng mạnh khi kim loại quý này lại trở thành tài sản trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường biến động và do động thái mua vào của các quỹ tín thác. Lúc 13h08’ hôm nay 28/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên Kitco đứng ở 1.429,6 USD/oz, tăng gần 14 USD so với chốt phiên trước, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 5.

Cùng với vàng, giá các hàng hóa khác như dầu mỏ, nông sản cũng tăng mạnh do lo ngại nguồn cung bị gián đoạn trong trường hợp các nước tấn công Syria.

Chỉ số Standard & Poor’s GSCI, theo dõi giá 24 hàng hóa nguyên liệu thô, tăng 1,6% lên cao nhất kể từ ngày 20/2 vào lúc 11h14’ sáng nay 28/8 theo giờ Singapore.

Chỉ số giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 2,4% trong khi dầu Brent tăng 2,5%. Ngân hàng Societe Generale của Pháp dự báo, giá dầu Brent thậm chí có thể lên 150 USD/thùng nếu Mỹ và đồng minh tấn công Syria. Giá dầu Brent giao tháng 10 trên sàn ICE hiện giao dịch ở 117,23 USD/thùng sau khi chốt phiên hôm qua ở mức cao nhất kể từ ngày 25/2 năm nay.

Giá ngô, lúa mỳ, đậu tương tại sàn Chicago cũng đồng loạt tăng do thời tiết nắng nóng ở khu vực Trung Tây của Mỹ làm dấy lên lo ngại sản lượng nông sản sẽ giảm. Giá đồng kỳ hạn trên sàn Comex cũng tăng phiên thứ 4 trong tổng số 5 phiên trở lại đây.

Giá hàng hóa tăng mạnh nhất 6 tháng.
Giá hàng hóa tăng mạnh nhất 6 tháng. Nguồn: Bloomberg.

Tiền tệ của các thị trường mới nổi mất giá, rupee giảm mạnh nhất 20 năm

USD sau khi mất giá phiên hôm qua đã bắt đầu tăng trở lại so với các đồng tiền chủ chốt khác khi tiền của các thị trường mới nổi giảm mạnh. Lúc 11h52’ hôm nay 28/8, rupee giảm 3,1% xuống 68,31 rupee/USD sau khi giảm 3,9% xuống 68,76 rupee/USD, giảm mạnh nhất kể từ năm 1993. Kể từ đầu năm rupee mất giá 19,5%, và mất 13,1% tính riêng trong quý này.

Ngoài rupee của Ấn Độ, tiền của các thị trường mới nổi khác như Thái Lan, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm kỷ lục.

Rupee.

Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại MassMutual Life Insurance, Hiroshi Yoshida, nhận định, đà bán tháo các tiền tệ thị trường mới nổi khiến nhà đầu tư mua vào USD. Trong khi đó, chuyên gia tại QuantArt Market Solutions ở Mumbai cho rằng, thị trường đi xuống do kịch bản Mỹ và đồng minh sắp tấn công Syria, đặc biệt thị trường Ấn Độ đang ở giai đoạn “siêu hoảng loạn”.

Nguồn Tổng hợp/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới