Hủy
Thế giới

Vì sao Tập đoàn lữ hành lâu đời nhất thế giới Thomas Cook sụp đổ?

Hà Linh Thứ Hai | 23/09/2019 21:40

Ảnh: Huffingtonpost.

Núi nợ, sự cạnh tranh của các công ty trực tuyến và nhiều sự kiện bất khả kháng đã ngăn Thomas Cook vượt khó...
 

Ngày 23/09, công ty du lịch lâu đời nhất thế giới Thomas Cook, đã tuyên bố phá sản. Sự việc này khiến hàng trăm nghìn du khách mắc kẹt ở nhiều nước trên thế giới. Chính phủ Anh đã phải kích hoạt chương trình hồi hương thời bình lớn nhất trong lịch sử nước này.

Thomas Cook điều hành nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hãng hàng không, phục vụ khoảng 19 triệu người mỗi năm tại 16 quốc gia. Năm 2018, công ty đạt doanh thu 9,6 tỷ bảng Anh (12 tỷ USD). Hiện có 600.000 khách hàng sử dụng các tour của Thomas Cook ở nước ngoài, trong đó hơn 150.000 khách hàng là công dân Anh.

Chính phủ Anh đã yêu cầu Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh triển khai chương trình hồi hương trong hai tuần tới, từ 23/09 đến 6/10, để đưa khách hàng của Thomas Cook trở lại Vương quốc Anh.

“Do số lượng khách hàng Anh hiện ở nước ngoài mà bị ảnh hưởng bởi vụ Thomas Cook phá sản là lớn chưa từng có, Cục Hàng không dân dụng đã bố trí một phi đội bay đi khắp thế giới để đưa hành khách trở lại Anh”, Cục Hàng không Dân dụng Anh thông báo. Cơ quan này đã lập ra website để khách hàng của Thomas Cook tra cứu thông tin về các chuyến bay hồi hương.

“Khách hàng hiện ở nước ngoài không nên tới sân bay cho đến khi chuyến bay trở về Anh được xác nhận trên website riêng”, Cục Hàng không Dân dụng Anh thông báo.

"Tôi muốn xin lỗi hàng triệu khách hàng, hàng ngàn nhân viên, nhà cung cấp và đối tác đã ủng hộ chúng tôi trong nhiều năm qua. Đây là ngày rất buồn với toàn thể công ty. Chúng tôi đã từng luôn tiên phong trong việc cung cấp những kỳ nghỉ và giúp hàng triệu người trên toàn thế giới có thể đi du lịch" - giám đốc điều hành Thomas Cook, ông Peter Fankhauser cho biết.

Thomas Cook được thành lập vào năm 1841 và là công ty du lịch lâu đời nhất thế giới. Hiện nhân sự của công ty lên tới 21.000 người.

Thomas Cook đã bị núi nợ 2,1 tỷ USD đè nặng khiến công ty không thể thay đổi để thích ứng với sự cạnh tranh của các công ty trực tuyến nhanh nhạy hơn. Chưa hết, công ty đã lại phải đương đầu với cuộc đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi là một trong những điểm đến hàng đầu của công ty và đợt nắng nóng trên toàn châu Âu 2018 đã khiến nhiều khách hàng hủy tour vào phút chót.

Thomas Cook đã đàm phán một gói giải cứu trị giá 900 triệu bảng Anh (1,123 tỉ USD) với cổ đông lớn nhất là công ty Fosun của Trung Quốc hồi tháng 8. Tuy nhiên, gần đây, chủ nợ là các ngân hàng lại yêu cầu nâng gói giải cứu thêm 200 triệu bảng Anh, để công ty có thể hoạt động qua mùa Đông, khiến thỏa thuận giải cứu với Fosun đi vào bế tắc.

Những ông chủ của Thomas Cook đã dành cả ngày 22/9 để thương thảo với tất cả các chủ nợ nhằm giải cứu cho doanh nghiệp này, nhưng không thành công.

Theo các điều khoản ban đầu, Fosun International, công ty sở hữu nhà cung cấp kỳ nghỉ trọn gói Club Med, sẽ chi 450 triệu bảng (552 triệu USD) để đổi lấy ít nhất 75% doanh nghiệp điều hành tour và 25% hãng hàng không của Thomas Cook.

► Vì sao chủ tịch Jet Airways phải từ chức?

Nguồn Reuters


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới