Hủy
Thế giới

Vụ kẹt tàu ở kênh đào Suez làm tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu

Mai Nam Thứ Năm | 25/03/2021 15:51

Kênh đào Suez là một trong những huyết mạch vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Sự cố có nguy cơ làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu container.
 

Sự cố hiếm gặp

Những nỗ lực “điên cuồng” đang được tiến hành để giải tỏa kênh đào Suez sau khi một trong những tàu container lớn nhất thế giới mắc cạn, cắt đứt huyết mạch thương mại quan trọng và đe dọa làm gián đoạn các chuyến hàng toàn cầu trong nhiều ngày.

Tàu Ever Given đi vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ và được cho là đã bị sự cố “mất lái” bởi giữa gió lớn và bão bụi. Ảnh: AFP.
Tàu Ever Given đi vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ và được cho là đã bị sự cố “mất lái” bởi giữa gió lớn và bão bụi. Ảnh: AFP.

Việc kênh Suez bị tắt nghẽn có khả năng sẽ làm chậm trễ và tăng thêm chi phí cho một ngành công nghiệp hậu cần vốn đã nhiều áp lực, làm gián đoạn chuỗi cung ứng của thế giới.

Giá dầu tăng khi các nhà chức trách ở Ai Cập tìm cách “giải phóng” con tàu Ever Given khổng lồ đang chặn giao thông trên một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất thế giới. Các nhà điều hành ngành cảnh báo rằng ngay cả một sự chậm trễ ngắn cũng có thể tác động lớn.

Sự gián đoạn trên kênh đào Suez dài 120 dặm, nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, xảy ra khi các đường cung cấp toàn cầu đang phải vật lộn với ảnh hưởng liên tục của đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu chip máy tính trên toàn cầu và thời tiết bất lợi.

Một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới

Kênh đào Suez là tuyến đường thương mại quan trọng của các tàu chở dầu và khí đốt tự nhiên, cùng với các tàu container vận chuyển hàng hóa sản xuất như quần áo, đồ điện tử và máy móc hạng nặng từ châu Á sang châu Âu và ngược lại. 

Cơ quan quản lý kênh đào Suez xem xét con thuyền bị mắc kẹt vì hàng chục tàu chở dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã bị tắc nghẽn trên tuyến đường. Ảnh: AP.
Cơ quan quản lý kênh đào Suez xem xét con thuyền bị mắc kẹt vì hàng chục tàu chở dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã bị tắc nghẽn trên tuyến đường. Ảnh: AP.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, lối đi này là một huyết mạch đặc biệt đối với ngành năng lượng, với khoảng 1/10 thương mại dầu đường biển của thế giới chảy qua nó và đường ống dẫn liên quan Sumed vào năm 2018.

Hàng chục tàu chở dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã bị tắc nghẽn, theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler.

Các thương nhân cho biết: Ít nhất 6 chuyến hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, Qatar và Ai Cập, vận chuyển đến châu Âu và châu Á, đã bị mắc kẹt. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn sẽ không thành vấn đề nếu nó được giải quyết nhanh chóng.

Một nhà kinh doanh gas cho biết: “Đó không phải là vấn đề lớn nếu được khắc phục ngay hôm nay, nếu điều đó kéo dài thì rất đáng ngại”.

Tác động trước mắt và ảnh hưởng lâu dài

Tiến sĩ Sal Mercogliano, một nhà sử học hàng hải có trụ sở tại bang Bắc Carolina của Mỹ, nói rằng: những sự cố như thế này rất hiếm, nhưng có thể gây ra "những ảnh hưởng lớn đối với thương mại toàn cầu".

Giá dầu thô quốc tế tăng hơn 3%, một động thái mà một số nhà phân tích cho là do lo lắng về các lô hàng chở dầu.

Trong khi đó, cổ phiếu của một số công ty vận tải biển lớn đồng loạt giảm. Mitsui OSK Lines giảm 4,6% và Nippon Yusen KK giảm 5,1%, trong bối cảnh lo ngại sự tắc nghẽn có thể dẫn đến sự chậm trễ và chi phí cao hơn.

Khoảng một nửa trọng tải các tàu đi qua kênh Suez là tàu container. Ảnh: Cơ quan quản lý kênh đào Suez.
Khoảng một nửa trọng tải các tàu đi qua kênh Suez là tàu container. Ảnh: Cơ quan quản lý kênh đào Suez.

Theo Giám đốc điều hành Lars Jensen của SeaIntelligence Consulting có trụ sở tại Đan Mạch, khoảng 30 tàu container đi từ châu Á đến châu Âu đi qua kênh Suez mỗi tuần, vận chuyển khoảng 380.000 container.

 

Điều này làm tăng rủi ro khi mà sự tắc nghẽn ở các cảng châu Âu sẽ tăng sau một tuần nữa tính từ khi bắt đầu sự cố.

Nếu con tàu bị mắc kẹt trong nhiều ngày, giá cước vận chuyển tàu container sẽ cao hơn. Tỉ giá từ châu Á sang châu Âu và trên khắp Thái Bình Dương đã dao động ở mức kỷ lục trong 4 tháng qua trong bối cảnh nhu cầu bùng nổ từ những “ông lớn” thương mại điện tử như Amazon và Target Corp sau khi COVID-19 buộc các chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa.

Đại diện một ngân hàng đầu tư cho biết: “Mặc dù chúng tôi cho rằng điều này chỉ là một tác động ngắn hạn. Tuy nhiên, với ngành công nghiệp tàu container vốn đã rất “yếu ớt” về năng lực, thì tình trạng tắc nghẽn cảng sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng trên toàn thế giới”.

Theo Đồng Giám đốc điều hành Johannes Schlingmeier tại Container xChange cho biết: sự chậm trễ có thể sẽ đẩy giá thuê container lên cao hơn nữa, vốn đã tăng từ 200 USD lên 2.000 USD / container trong 3 tháng qua.

Ông Schlingmeier cho biết: những khách hàng của ông, khoảng 550 công ty giao nhận hàng hóa, đang lo ngại về một đợt tăng giá mới có thể xảy ra.

Cho đến nay, mức độ ảnh hưởng của sự cố tắc nghẽn đối với các nhà sản xuất thiết bị điện tử, vốn đã bị ảnh hưởng bởi nguồn cung chip, vẫn chưa thống kê được.

Một số công ty bao gồm Nike, Honda và Samsung cho biết: họ đã bị cản trở bởi các vấn đề chuỗi cung ứng. Giờ đây, một con tàu khổng lồ chặn kênh đào Suez - kênh vận chuyển lớn thứ 2 trên thế giới - có nguy cơ làm cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn.

Giám đốc điều hành Philip Edge của công ty giao nhận hàng hóa Edge Worldwide Logistics của Anh, người có hàng hóa bị “mắc kẹt” cho biết: “Đó là một vấn đề lớn vì mọi thứ từ châu Á đến châu Âu đều đi qua kênh Suez”.

Giám đốc kỹ thuật Tim Whitfield của Imagination Technologies Group PLC, một nhà thiết kế chất bán dẫn có trụ sở tại Anh, cho biết: sự cố tắc nghẽn là sự kiện mới nhất trong một chuỗi các sự kiện có vấn đề đối với việc cung cấp chip. Đầu tháng này, một vụ hỏa hoạn tại nhà máy sản xuất chip ô tô ở Nhật Bản đã gây thêm tiếng vang cho chuỗi cung ứng chip. 

Kênh đào Suez mở cửa vào năm 1869, là một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới. Gần 19.000 tàu đã sử dụng kênh này vào năm ngoái, chở hơn 1 tỉ tấn hàng hóa, theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez. 

Đây là trụ cột của nền kinh tế đang gặp khó khăn của Ai Cập và là một trong những nguồn thu ngoại tệ hàng đầu của nước này. Kênh đào này đã mang lại cho Ai Cập tổng doanh thu 5,6 tỉ USD vào năm 2020.

Có thể bạn quan tâm:

Kênh đào Suez bị phong tỏa sau khi tàu container khổng lồ mắc cạn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới