Hủy
Thế giới

Walmart và chiến lược phục hưng "Made in the USA"

Thứ Tư | 01/05/2013 12:24

Nhà bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart đã chính thức tuyên bố sẽ là tổ chức dẫn đầu trong chiến lược phục hưng các thương hiệu “Made in the USA”.
 

Mặc dù Walmart không sản xuất bất cứ sản phẩm nào, nhưng công ty sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho nền công nghiệp sản xuất Mỹ. Người khổng lồ đã hứa sẽ chi 50 tỷ USD để mua và phân phối các sản phẩm của nhà sản xuất Mỹ trong toàn hệ thống siêu thị.

Ducan Mac Naughton, Giám đốc phụ trách hàng hoá của tập doàn cho biết " Đây là một cam kết nghiêm túc, một kế hoạch quan trọng của chúng tôi để giúp chấn hưng nền kinh tế Mỹ"

Trong nhiều năm qua, Walmart đã tìm nguồn cung ứng hàng hoá giá rẻ trên toàn cầu mà chủ yếu là từ Trung Quốc nhằm giảm giá thành bán ra và tăng lợi nhuận.

Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ rằng, kế hoạch phân phối hàng hoá "Made in the USA" của Walmart có thể không khả thi, vì người khổng lồ luôn phải trung thành triết lý "giá rẻ mỗi ngày" của mình. Hoặc nếu thực hiện chiến lược này, Walmart sẽ đánh mất tính cạnh tranh về giá của toàn hệ thống.

 Bill Simon- Chủ tịch HĐQT của Walmart cùng với Đệ nhất phu nhân Michelle Obama trong một buổi diễn thuyết về sản phẩm nông nghiệp "Made in the USA"
Bill Simon- Chủ tịch HĐQT của Walmart cùng với Đệ nhất phu nhân Michelle Obama trong một buổi diễn thuyết về sản phẩm nông nghiệp "Made in the USA"

Tuy nhiên, Walmart đã tính toán rất kỹ cho chiến lược này để giữ ưu thế cạnh tranh cũng như xây dựng hình ảnh tiên phong trong chiến dịch "phục hưng" đầy xúc động.

Ducan chia sẻ "Mặc dù chúng tôi mua hàng từ Trung Quốc với giá đơn vị rất rẻ, nhưng nếu tính chung chi phí toàn hệ thống thì nó không còn quá rẻ nữa. Khi mua hàng từ Trung Quốc, chúng tôi thường mua số lượng nhiều hơn nhu cầu vì thời gian giao hàng dài, vì thế có một chi phí vô hình lớn mà chúng tôi cần tính toán lại, đó là chi phí tồn kho. Khi tính toán khâu này, chúng tôi sẽ tìm ra nhiều cơ hội hơn cho các sản phẩm sản xuất tại Mỹ".

Walmart cũng nhìn thấy được nhu cầu ngày càng nhiều những hàng hoá chất lượng cao tại các thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ nhờ vào sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu. Những hàng hóa cần rất nhiều nhân công như quần áo, công ty vẫn dựa vào nguồn cung cấp giá rẻ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam...nhưng những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, nhất định sẽ có cơ hội cho các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ.

Walmart sẽ thực thi cách cư xử thân thiện và minh bạch hơn với các nhà cung cấp hàng hoá tại Mỹ. Người khổng lồ này đã từng nổi tiếng với cách thức, kéo nhà cung cấp vào phòng họp, "đánh một trận tưng bừng" và ép họ bán với giá rất thấp, chỉ giữ lại một khoản lợi nhuận nhỏ. Nhưng Ducan cho rằng, công ty sẽ suy nghĩ và hoạch định với nhà cung cấp dài hạn hơn để họ có kế hoạch sản xuất. Điều này sẽ giúp cả hai cùng tiết kiệm nhiều khoản chi phí, tạo điều kiện để giá thành thấp hơn. Nhà cung cấp có thể giao trực tiếp đến các siêu thị trong nước mà không cần qua trung tâm phân phối, phương pháp này sẽ giảm thiếu chi phí tồn kho.

50 tỷ USD chỉ bằng 10% doanh số hàng năm của tập đoàn, nhưng Walmart cho biết, đây mới là bước khởi đầu. Bill Simon, chủ tịch hội đồng quản trị của Walmart sẽ thực hiện nhiều cuộc diễn thuyết để kêu gọi nhiều nhà bán lẻ khác cùng đồng lòng thực hiện chương trình này.

Bill cho biết "Người Mỹ có thể rất yêu nước Mỹ, nhưng họ sẽ mua hàng Trung Quốc nếu chênh lệch giá quá cao. Chúng tôi hy vọng các nhà phân phối khác cùng chung tay để tạo ra một giá trị Mỹ thật sự cho người tiêu dùng".

Nguồn Nhượng quyền Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới