Hủy
Công Nghệ

Báo động đỏ về nhân sự ngành IT

Thứ Tư | 16/12/2015 13:00

Trong vòng 3 năm qua, số lượng công việc ngành IT tại Việt Nam đã tăng trung bình 47%/năm, nhưng số lượng nhân sự ngành này lại chỉ tăng 8%/năm.
 

Tiễn chân người bạn vong niên sang nhật làm việc vào những ngày cuối năm, không khí sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khá tấp nập. Vốn là kỹ sư công nghệ được đào tạo bài bản tại Pháp và trở về nước đầu quân cho FPT Software vài năm nay, nhưng anh vẫn không thể cưỡng lại sức hấp dẫn từ xứ sở mặt trời mọc cùng hợp đồng thời hạn 3 năm, thu nhập 50.000 USD/năm.

Những năm gần đây, dòng chảy nhân sự Việt chất lượng cao đi xuất ngoại đang ngày càng dậy sóng. Trong 10 tháng đầu năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã chạm mốc kỷ lục 100.000 người. Tuy nhiên, song hành cùng với đó là sự thiếu hụt trầm trọng nhân sự chất lượng ngành Công nghệ Thông tin (IT) tại thị trường nội địa.

Thiếu 78.000 kỹ sư/năm

Nhật vốn là thị trường tuyển dụng lớn của nhân lực ngành công nghệ Việt Nam. Ông Takafumi Yamada, Giám đốc Ðiều hành CareerLink Việt Nam đánh giá: “Sự sụt giảm hứng thú của giới trẻ Nhật đối với các ngành nghề khoa học tự nhiên đã xuất hiện rất lâu. Chỉ riêng ngành công nghệ, Nhật đang thiếu khoảng hơn nửa triệu kỹ sư”. Đây chính là một phần nguyên nhân khiến nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó bao gồm kỹ sư Việt Nam, làm việc tại Nhật ngày càng cao.

Trong vòng 3 năm qua, số lượng công việc ngành IT tại Việt Nam đã tăng trung bình 47%/năm. Nhưng số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng 8%/năm. Cụ thể, từ đây đến năm 2020, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực IT ở mức 8%, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 kỹ sư công nghệ mỗi năm.

Hiện trạng thiếu hụt nhân sự IT quả là đáng ngạc nhiên. Còn nhớ, những năm 2000, Việt Nam đã bắt đầu nâng cấp nguồn cung nhân lực IT thông qua khối những trường công nghệ như Ðại học Bách khoa, Ðại học Tự nhiên và các mô hình liên doanh với nước ngoài như chương trình APTECH (Ấn Độ) hay Genetic (Singapore). Chỉ đến giai đoạn năm 2007, các nhà tuyển dụng và khối doanh nghiệp đánh giá thị trường đã bão hòa nguồn cung nhân sự ngành IT.

Vậy mà chưa đầy một thập niên sau, hiện trạng thiếu hụt lại diễn ra. Trong vòng 4 năm tới, VietnamWorks cho biết Việt Nam sẽ thiếu hơn 500.000 kỹ sư IT, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực mà ngành này cần.

Vừa qua, sự kiện công nghệ thông tin lớn nhất năm 2015 Tech Insider Expo đã được tổ chức tại TP.HCM, với sự tham gia của 42 công ty tuyển dụng và 12.712 ứng viên. Ðáng nói, hầu hết các công ty đều cho rằng nguồn cung bao nhiêu cũng thiếu.

Theo nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ tại sự kiện, con số 32.000 sinh viên IT tốt nghiệp mỗi năm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Một số công ty lớn như CSC hay Lazada cho biết họ muốn tuyển khoảng 100 ứng viên trong năm nay, nhưng chỉ đạt chưa tới 50% chỉ tiêu. “FPT Software đã phải sang Philippines, Myanmar... để tuyển nhân lực”, Chủ tịch Trương Gia Bình từng chia sẻ tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2015.

Bao dong do ve nhan su nganh IT
Xu hướng tuyển dụng IT ở Việt Nam

Trong khảo sát gần đây của trang tuyển dụng trực tuyến chuyên về công nghệ thông tin ITviec.com ở 61 công ty lớn, 90% công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này cho biết tình trạng thiếu ứng viên kỹ năng tốt đã làm chậm sự phát triển của họ. Ngoài ra, điểm yếu chính của nhân viên người Việt làm việc trong lĩnh vực IT là khả năng tiếng Anh chưa tốt. Do đó, ngay cả trong số 32.000 sinh viên IT tốt nghiệp mỗi năm, sẽ có không nhiều trong số đó đáp ứng được nhu cầu của các công ty công nghệ, nhất là các công ty nước ngoài.

Thay đổi hay là chết

Rõ ràng, có 4 điểm quan trọng mà ngành IT Việt Nam cần thay đổi để phát triển thị trường nhân lực. Đầu tiên là trình độ ngoại ngữ. Với tình hình hầu hết các công ty IT thuộc lĩnh vực outsourcing thường xuyên phải làm việc gia công cho khách hàng nước ngoài, khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật là vô cùng cần thiết. Điều này càng cấp thiết khi Việt Nam gia nhập AEC và TPP trong thời gian tới, những sự kiện được kỳ vọng sẽ đem đến một thị trường lớn hơn.

Kế đến là sự thiếu hụt kỹ năng mềm. Đây luôn là điểm yếu của nhân lực Việt Nam nói chung, nhưng đặc biệt quan trọng đối với ngành IT. Bởi những vị trí cao trong bậc thang sự nghiệp ngành này đều đòi hỏi nhiều hơn những kiến thức về kỹ thuật. Ví dụ, vị trí quản lý dự án sẽ đòi hỏi các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, trình bày ý tưởng, thuyết phục đối tác, quản lý thời gian và tiến độ... Điều này không phải người làm IT nào ở Việt Nam cũng đáp ứng được.

Nguyên nhân tiếp theo nằm ở sự thiếu cập nhật về công nghệ mới do chưa được tích hợp vào giáo trình dạy IT như các khái niệm Dữ liệu lớn, Lập trình di động, Công nghệ đột phá trong khởi nghiệp và Mã nguồn mở, vốn đã phổ biến trên thế giới.

Cuối cùng là cải thiện các chương trình đào tạo và huấn luyện cho nhân viên IT. Số liệu của VietnamWorks cho thấy 75% người tìm việc ngành IT mong muốn một công việc cho họ cơ hội được đào tạo. Nhưng chỉ có 14% số công việc IT cung cấp cơ hội đào tạo. Bằng việc đáp ứng nhu cầu đào tạo của nhân viên, các công ty IT có thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng hơn, đồng thời cũng gắn kết nhân viên, khiến họ trung thành hơn với công ty mình.

Thực tế thiếu hụt nhân sự cao cấp ngành IT đang nóng hơn bao giờ hết khi mới đây tại Sài Gòn tập đoàn đa quốc gia, với thương hiệu nước ngọt có doanh thu số một thế giới, đã phải tuyển dụng lại Giám đốc Công nghệ phụ trách lập trình hệ thống, người mà mới 4 tháng trước hãng này đã cho thôi việc do bất đồng với Giám đốc Điều hành, do không thể tìm được nhân sự cao cấp tương đương thay thế.

Nguyệt Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới