Hủy
Công Nghệ

Cuộc chiến khốc liệt của Grab và Uber tại Đông Nam Á

Thứ Sáu | 10/02/2017 17:08

Hai hãng cung cấp dịch vụ gọi xe liên tục đưa ra thay đổi để chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á.
 

Những tài xế xe ôm nổi bật trong chiếc nón bảo hiểm màu xanh lá cây trên đường phố TPHCM là biểu tượng dễ nhận thấy của dịch vụ gọi xe Grab, vốn có trụ sở tại Singapore. Grab đã xây dựng một mạng lưới các cư dân đô thị với các bác tài lái xe taxi, xe hơi cá nhân và xe ôm tại 6 nước Đông Nam Á, bao phủ một khu vực có dân số nhiều gấp đôi nước Mỹ. Tương lai của Grab sẽ còn sáng lạn hơn nữa nếu họ có thể cạnh tranh thành công với Uber, gã khổng lồ đầy tiềm lực tài chính đến từ Mỹ.

Grab được "thai nghén" tại trường kinh doanh Harvard, nơi hai người đồng sáng lập của hãng là Anthony Tan (34 tuổi) và Hooi Ling Tan gặp nhau. Cha của Anthony điều hành Tan Chong Motors, một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại Malaysia, chuyên hoạt động trong lĩnh vực lắp rắp và phân phối ô tô. Tuy vậy, Anthony không hề nhận bất kỳ vốn liếng gì từ gia đình.

Anthony phủ nhận ý tưởng phát triển Grab như một phiên bản Đông Nam Á của Uber, và cho biết ông được truyền cảm hứng nhiều hơn từ những công ty công nghệ tại Trung Quốc. Những điển hình tiêu biểu mà Anthony nêu ra là Tencent, tập đoàn game online và mạng xã hội đang sở hữu ứng dụng nhắn tin di động WeChat, và hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba. Cụ thể hơn, Grab đang hướng tới mục tiêu đạt được thành công như WeChat trong lĩnh vực thanh toán di động.

Với lợi thế đang nắm giữ 1 tỷ USD tiền mặt vốn đầu tư, Grab dự tính sẽ rót vốn vào hệ thống thanh toán kỹ thuật số GrabPay của hãng, vốn đã bắt đầu được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2016. Tháng 11/2016, GrabPay được cập nhật để biến thành thành một ví điện tử mà người dùng có thể nạp tiền vào tài khoản bằng cách chuyển tiền từ ngân hàng hoặc cửa hàng tiện lợi. Hiện tại, mọi người chủ yếu dùng GrabPay để trả cước đi xe Grab, nhưng tham vọng của hãng là muốn người dùng sẽ sử dụng nó để thanh toán tiền mua hàng hóa hằng ngày.

Nhưng kế hoạch này phụ thuộc vào việc Grab đối đầu thế nào với các dịch vụ gọi xe địa phương và Uber - đối thủ có giá trị gấp tới 20 lần. Các nhà đầu tư tiêu biểu của Grab bao gồm quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore và một công ty Trung Quốc là China Investment Corporation. Vào tháng 9 vừa qua, tập đoàn công nghệ và viễn thông Nhật Bản SoftBank (được điều hành bởi Masayoshi Son, người hồi năm ngoái thông báo lập quỹ đầu tư công nghệ trị giá 100 tỷ USD với Saudi Arabia và các nhà đầu tư khác), đã dẫn đầu một nhóm đầu tư rót 750 triệu USD vào Grab, với định giá hơn 3 tỷ USD.

Giống như Grab, Uber cũng hoạt động ở các nước Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore, nhưng chỉ xuất hiện ở 20 thành phố, so với 34 thành phố của Grab. Hồi năm ngoái, Uber đã chịu một thất bại lớn ở châu Á, nhưng hóa ra là nó lại giúp cho họ trở nên mạnh hơn. Hồi tháng 8/2016, Uber đã từ bỏ nỗ lực chinh phục thị trường Trung Quốc và bán lại chi nhánh cho Didi Chuxing, một đối thủ cạnh tranh địa phương có góp vốn vào Grab. Thương vụ này giúp Uber có thêm nguồn lực tài chính để đẩy mạnh cuộc tấn công vào sân nhà Đông Nam Á của Grab.

Theo chuyên gia Florian Hoppe của công ty tư vấn Bain, cơ hội thống lĩnh thị trường Đông Nam Á của Uber đã tăng lên đáng kể trong 12 tháng qua, vì hãng này đã cải thiện chiến lược tại đây. Từ chỗ chỉ cung cấp dịch vụ trong phạm vi hẹp cho một đối tượng khách hàng nhất định, nay hãng này đã có các sản phẩm tương tự Grab: taxi, ô tô cá nhân và xe ôm.

Grab vẫn tuyên bố họ đang cung cấp các dịch vụ phù hợp hơn cho nhu cầu của người dân Đông Nam Á, chẳng hạn như dịch vụ mới GrabHitch. Nhiều người ở thủ đô Jakarta của Indonesia sống ở vùng ngoại ô cách khá xa khu công sở ở trung tâm , và thường phải đi chặng đường dài bằng xe máy mới đến được nơi làm việc mỗi ngày. GrabHitch cho phép họ đăng thông tin về tuyến đường và khung giờ đi làm của mình, với hy vọng sẽ tìm được người muốn đi quá giang, từ đó có thêm khoản tiền để trang trải chi phí nhiêu liệu và bảo dưỡng xe. Uber hiện không cung cấp dịch vụ nào tương tự hoặc có giá rẻ như vậy.

Indonesia là một thị trường quan trọng với dân số 257 triệu người, chiếm hơn 1/3 số dân trong khu vực. Kể từ khi ra mắt dịch vụ xe ôm ở Jakarta vào tháng 5/2015, Grab đã dần dần chiếm lĩnh thị phần từ hãng xe ôm địa phương Go-Jek, và có khả năng bành trướng thêm nữa. Uber gia nhập muộn hơn và hiện đang đứng vị trí thứ ba. Vào hôm 2/2, Grab tuyên bố sẽ đầu tư 700 triệu USD vào Indonesia trong vòng 4 năm tới. Với Grab, những siêu đô thị thường xuyên tắc đường của Đông Nam Á không phải là "một thị trường khác", mà đó chính là "quê nhà của chúng tôi", đồng sáng lập viên của Grab, Anthony nói.

An Phong

Nguồn Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới