Hủy
Công Nghệ

Đang là thời điểm tốt để thương mại điện tử bùng nổ?

Thứ Tư | 06/09/2017 08:16

expertbeacon.com

Cần cách tiếp cận khác cho thương mại điện tử phát triển, nhưng chắc chắn không áp nguyên xi “khung” của thị trường khác.
 

Người tiêu dùng trẻ, tiếp cận công nghệ tương đối sâu, thị phần thương mại điện tử trên tổng ngành bán hàng chỉ dưới 3%, đang là những tiêu chí thể hiện sự ‘’màu mỡ’’ của thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam.

“Đang là thời điểm tốt để thương mại điện tử bùng nổ, vì những thách thức của thương mại điện tử năm trước, nay đã được thị trường xử lý”, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, nói với NCĐT.

Theo ông Tuấn Anh, thị trường thương mại điện tử Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều những doanh nghiệp vận chuyển, với Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm...

Thị trường cũng đã có những doanh nghiệp chuyên làm về thanh toán điện tử. Việc một số ngân hàng cũng đưa ra một số chương trình nhằm giúp người tiêu dùng quen với cách thanh toán không dùng tiền mặt, cũng tạo thêm thuận lợi.

Thêm nữa, thói quen tiêu dùng của người dân đang thay đổi do số người sử dụng Intenet tăng nhanh và thương mại điện tử phát triển mạnh.

Thực ra, thương mại điện tử đã phát triển tại Việt Nam một thời gian nhưng còn mới, nên có những thách thức nhất định, chẳng hạn về pháp lý và vốn, trong khi đây là hai yếu tố quan trọng để phát triển thị trường.

Chưa hết, vấn đề thanh toán trên thị trường thương mại điện tử cũng có những bất cập đòi hỏi sự đầu tư hơn nữa của Nhà nước nhằm hoàn thiện khung pháp lý, giúp ngành này phát triển mạnh hơn.

Thương mại điện tử trước đây chủ yếu trên các website, bây giờ đã hiện diện nhiều hơn trên điện thoại di động, nhưng cơ hội và thách thức vẫn luôn đan xen.

Thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được cơ hội và vượt qua được thách thức, ngay cả với Shopee, một sản phẩm từ công ty Garena - nhà cung cấp nền tảng Internet hàng đầu tại Singapore, đang hoạt động tại thị trường của  7 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Nam Á.

“Bám sát cách mua sắm” suốt gần một năm trước khi chính thức ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8.2016, là phương thức Shopee đã làm để “hiểu được cách tiêu dùng” của người Việt. Kế đến, công ty cũng đầu tư nhất định cho các tính năng và ứng dụng, sau đó điều chỉnh theo nhu cầu thị trường, ông Tuấn Anh kể với NCĐT.

“Cách tiếp cận này giúp chúng tôi không cần quá nhiều lực để đầu tư mà vẫn có thể nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng ở Việt Nam”, ông Tuấn Anh nói về những việc công ty ông đã làm trước khi ra mắt tại Việt Nam vào tháng 8.2016.

Người Việt Nam luôn muốn biết về người bán hàng và giữ thói quen trả giá. Nắm được điều này, Shopee đã kết nối để hai bên có thể tương tác thông qua chat trực tiếp, thậm chí để người mua có thể trả giá.

 “Dùng thị trường để quản lý chất lượng sản phẩm” là yếu tố quan trọng trong cách làm của Shopee, ông Tuấn Anh cho biết. Theo ông, Shopee không quảng bá về chất lượng sản phẩm mà để cho thị trường “nói” về việc đã có 100 hay 1000 người mua sản phẩm này và đã có những phản hồi tốt.

Đơn hàng của Shopee đã tăng 5 lần trong 1 năm qua, người bán hàng tăng 3 lần, lượng tải đã đạt mức 5 triệu lượt. Từ những con số này, ông Tuấn Anh khẳng định, cách tiếp cận này là “rất mới” và “phù hợp” với thị trường  Việt Nam.

Thậm chí, ông Tuấn còn không nghĩ đã có doanh nghiệp nào đó làm theo cách này. Vì vậy, doanh nghiệp của ông đã sẵn sàng khi thị trường bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa.

Tin vào tiềm năng thị trường và cách đi riêng của mình, Shopee đã không che dấu tham vọng trở thành “tâm điểm” quan tâm của người tiêu dùng cả nước khi đầu tư mạnh cho sự kiện “9.9 Online Shopping Day” năm 2017. Trước đó, 9.9 Online Shopping Day” năm 2016 đã có lượt giao dịch tăng hơn 5 lần, lượng truy cập tới Shopee tăng hơn 3 lần chỉ trong vòng 24h.

Hải Vân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới