Hủy
Công Nghệ

Dữ liệu chính là bạn

Thanh Tùng Thứ Ba | 05/02/2019 08:00

Dữ liệu biết về chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta biết về chúng.
 

Công nghệ đang tác động mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi cách con người sống, lao động và tương tác với nhau, thậm chí là thay đổi cả cách chúng ta suy nghĩ. Nó thậm chí có thể thay đổi cả bản chất con người dựa trên những gì chúng ta được nhìn thấy và tiếp xúc hằng ngày.

Dữ liệu không chỉ là tài nguyên mới...
Dữ liệu đem lại nhiều tiền và đóng góp cho tăng trưởng GDP thế giới nhiều hơn bất kỳ loại hàng hóa nào. Dữ liệu của người dùng chính là tiền tệ của Facebook. Chỉ tới khi mọi việc đã đi quá xa, Facebook mới quyết định thay đổi. Nhưng những người dùng cũng đã nộp thuế - thông tin cá nhân cho Facebook - để công ty này bán lại cho các nhà quảng cáo và góp phần giúp Facebook cùng nhiều các công ty công nghệ khác thống trị một thị trường quảng cáo trực tuyến lên tới 83 tỉ USD.

Theo thống kê của Tạp chí Forbes, thị trường Big Data hay dữ liệu lớn trên thế giới trị giá 203 tỉ USD. Nói không quá khi cho rằng tài nguyên quý nhất thế giới bây giờ không phải vàng, cũng không phải dầu, mà chính là dữ liệu và thông tin. 

Du lieu chinh la ban
 

7 trong số 10 công ty có giá trị nhất thế giới theo vốn hóa thị trường là các công ty công nghệ. Danh sách đó không bao gồm Apple, công ty kiếm tiền bằng cách bán các thiết bị đắt tiền và Microsoft, vốn thu phí doanh nghiệp cho phần mềm và dịch vụ của mình, tất cả đều được xây dựng trên nền tảng khai thác dữ liệu người dùng.

Google và Facebook muốn tìm hiểu càng nhiều càng tốt để biết về người dùng của họ, sở thích, hoạt động, bạn bè và gia đình của người sử dụng. Amazon có một lịch sử chi tiết về hành vi của người tiêu dùng.

Tencent và Alibaba là những chiếc ví kỹ thuật số cho hàng trăm triệu người Trung Quốc; cả 2 công ty này đều biết đủ về người tiêu dùng để cung cấp điểm tín dụng được sử dụng rộng rãi.

Các thương hiệu tiêu dùng trong mọi ngành thu thập dữ liệu về khách hàng của họ để cải thiện thiết kế và quảng cáo sản phẩm và dịch vụ. Nhưng lúc này, cá nhân hiểu rõ hơn về giá trị dữ liệu của chính họ, đặc biệt sau vụ Facebook rò rỉ dữ liệu.

Danh sách các công ty khác đã vi phạm dữ liệu trong năm 2018 gồm Google, Marriott, Delta, British Airways, Cathay Pacific, Best Buy, Sears, Saks 5 Avenue, thậm chí Panera Bread.
... Mà là chính bạn
Chỉ đến khi “dữ liệu” có nghĩa là “con người”, các cá nhân sẽ yêu cầu trách nhiệm từ những người tìm hiểu họ. Theo dự báo mới nhất của IDC, tổng lưu lượng sử dụng dữ liệu trên toàn cầu có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2025 trong khi số lượt tương tác với thiết bị di động trung bình là 4.785 lần/người/ngày.

Cụ thể, việc tạo ra dữ liệu sẽ đạt mức tổng là 163 zettabyte, tương đương 163.000 tỉ gigabyte vào năm 2025. Liên hiệp Quốc dự báo dân số thế giới sẽ tăng từ 7,3 tỉ người hiện nay lên 8,5 tỉ người vào năm 2030. Nghĩa là vào lúc đó, bình quân mỗi người trên hành tinh sẽ có gần 20 terabyte dữ liệu.

Nhưng vấn đề ở đây không phải là có bao nhiêu dữ liệu, mà dữ liệu đó có đủ tốt. Khi lượng thông tin và dữ liệu xung quanh chúng ta ngày một nhiều, cũng như khi loài người đạt tới giới hạn của sự tăng trưởng, thì lượng “rác” xung quanh chúng ta ngày một nhiều. Dữ liệu biết về chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta biết về chúng.

Trong thời đại thông tin, dữ liệu được sử dụng để quyết định loại dịch vụ cho người truy cập. Xếp hạng Uber xác định ai sẽ gọi được taxi; đánh giá Airbnb quyết định nơi bạn có thể ở; thuật toán ứng dụng hẹn hò chọn đối tác cuộc sống tiềm năng của bạn.

Du lieu chinh la ban
 

Các công ty sử dụng dữ liệu vị trí và lịch sử thanh toán để bán sản phẩm cho bạn. Tìm kiếm trực tuyến của bạn có thể thiết lập giá bạn phải trả cho mọi thứ. Những người có điểm tín dụng Zhima tốt, được quản lý bởi một công ty con của Alibaba, được hưởng giảm giá. Những người có điểm không cao hay không có điểm thì nhận được ít khuyến mãi.

Khi dữ liệu được sử dụng bởi các quốc gia, các kỹ thuật như vậy gây ra mối đe dọa lớn hơn. Năm 2012, Facebook đã thử nghiệm sử dụng dữ liệu để thao túng cảm xúc. Năm 2016, Nga đã sử dụng dữ liệu để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (điều mà nước Nga luôn bác bỏ). Chính quyền Trung Quốc nhắm đến việc thực thi một hệ thống Orwell (được mô tả trong tiểu thuyết 1984) dựa trên việc kiểm soát hầu hết khía cạnh của đời sống con người với cái gọi là “điểm tín nhiệm xã hội”.

Sống trong kỷ nguyên số, dữ liệu chính là bạn. Vì vậy, dữ liệu cần sự bảo đảm về quyền riêng tư và quyền kiểm soát, những quyền lợi mà con người ở mọi xã hội đều mong muốn được đảm bảo. Do đó, một số quốc gia đã ban hành Dự luật Bảo vệ Dữ liệu (Data Protection Bill) nhằm đảm bảo rằng chúng ta nắm quyền kiểm soát thông tin cá nhân của mình.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới