Hủy
Công Nghệ

Ứng dụng công nghệ tạo ra các "siêu phẩm" du lịch

Cẩm Tú Thứ Bảy | 25/02/2023 07:00

Phối cảnh con đường đi bộ dài 93km ở Dubai. Ảnh: Esquire

Nhiều quốc gia đang trong cuộc đua sáng tạo ra các sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị”, trong đó công nghệ là yếu tố cốt lõi.
 

Công viên động vật Pairi Daiza tại Bỉ vừa khởi công xây dựng khu nhà kính nhiệt đới lớn nhất thế giới với khoản đầu tư 160 triệu USD. Công trình là nơi nuôi dưỡng và bảo vệ hơn 7.500 loài này dự kiến mở cửa cho công chúng vào năm 2025.

Dự kiến tới năm 2032, toàn bộ năng lượng sử dụng trong công viên sẽ xanh hóa nhờ một bãi quang điện được xây dựng với gần 94.000 tấm pin điện quang. Để tạo ra một ngôi nhà kính rộng 40.000m2, đồng thời duy trì nhiệt độ có thể ở được cũng như bầu không khí dễ thở cho các loài động vật cũng là một thách thức lớn về công nghệ. Thiết kế của nhà kính Sanctuary cho phép bức xạ tia cực tím đi qua, đồng thời lọc bức xạ hồng ngoại để ngăn nhà kính biến thành lò vi sóng. Một số cây sẽ tồn tại mà không cần nước thường xuyên. Một số phòng ngủ lắp đặt trong nhà kính sẽ giúp du khách có thêm những trải nghiệm mới lạ hơn.

Công viên Pairi Daiza của Bỉ sẽ có nhà kính lớn nhất thế giới vào năm 2025. Ảnh:
Công viên Pairi Daiza của Bỉ sẽ có nhà kính lớn nhất thế giới vào năm 2025. Ảnh: Pinterest

Cùng chung ý tưởng dùng công nghệ “xanh” để thu hút du khách, Dubai sắp sửa trình làng dự án xây dựng một con đường dài 93 km dành cho người đi bộ được trang bị điều hòa nhiệt độ, với tham vọng đưa xe đạp và đi bộ trở thành phương thức giao thông chính cho 80% dân số của thành phố vào năm 2040.

Dự án này được công ty Urb lên ý tưởng với tên gọi The Loop (Đường vòng) có thể giúp tích hợp xe đạp vào hệ thống giao thông công cộng của Dubai cũng như giúp Dubai hiện thực hóa tham vọng trở thành “thành phố 20 phút”, cho phép mọi người đi bộ hoặc đi xe đạp đến các cửa hàng và dịch vụ gần nhà. Dự án đường bộ này sẽ được xây dựng vòng quanh Dubai, kết nối hơn 3 triệu người dân với các dịch vụ và cơ sở hạ tầng then chốt.

Phối cảnh con đường đi bộ dài 93km ở Dubai. Ảnh: Dezeen
Phối cảnh con đường đi bộ dài 93km ở Dubai. Ảnh: Dezeen

Được quảng cáo là cơ sở hạ tầng đi xe đạp và đi bộ thông minh nhất thế giới, Urb tuyên bố dự án The Loop sẽ đại diện cho sự chuyển đổi mô hình từ cơ sở hạ tầng lấy ô tô làm trung tâm sang cơ sở hạ tầng lấy con người làm trung tâm. The Loop có thể giúp Dubai khắc phục các vấn đề liên quan đến tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm tiếng ồn và không khí cũng như cung cấp cơ sở hạ tầng du lịch bền vững an toàn.

Dù gây được sự chú ý khá lớn, nhưng dự án nhà kính khổng lồ và con đường đi bộ 93km chưa thể sánh với dự án du lịch vũ trụ bằng khinh khí cầu: Một công ty khởi nghiệp Nhật Bản dự định phóng khinh khí cầu thương mại vào không gian, nhằm giúp người bình thường có được trải nghiệm đắt đỏ là ngắm nhìn vũ trụ. Các hành khách không cần phải là tỷ phú hay phải trải qua các khóa huấn luyện cường độ cao để đủ điều kiện bay vào không gian.

Khinh khí cầu không gian là ý tưởng của công ty Iwaya Giken có trụ sở tại Sapporo phía Bắc Nhật Bản. Công ty này đã nghiên cứu và phát triển dự án từ năm 2012. Dự án phát triển một khinh khí cầu dạng cabin hai chỗ ngồi có khả năng bay lên tới độ cao 25.000 m, khoảng cách mà người bên trong có thể nhìn thấy đường cong của Trái Đất.

Khinh khí cầu không gian là ý tưởng của công ty Iwaya Giken có trụ sở tại Sapporo phía Bắc Nhật Bản.
Công ty Iwaya Giken ra mắt khinh khí cầu không gian phục vụ nhu cầu du lịch vũ trụ. Ảnh: The Japan News

Mặc dù khinh khí cầu chỉ bay đến gần giữa tầng bình lưu và thực tế hành khách sẽ không ở ngoài vũ trụ song họ vẫn ở độ cao cao hơn trần bay của một chiếc máy bay và có tầm nhìn không bị cản trở ra ngoài không gian. Thông thường, một máy bay chở khách chỉ hoạt động trong độ cao 10.000 - 12.800 m, còn máy bay chiến đấu có thể bay tới độ cao 15.000 m.

Khinh khí cầu có thể chở theo một phi công và một hành khách, khởi hành từ một trạm khinh khí cầu ở Hokkaido, bay lên độ cao 25.000 m trong hai giờ, ở trên tầng bình lưu một giờ trước khi hạ cánh trong 1 giờ tiếp theo. Công ty cho biết cabin bằng nhựa có đường kính 1,5 mét và có một số cửa sổ lớn cho phép hành khách quan sát không gian bên trên hoặc Trái Đất bên dưới.

Không giống như tàu vũ trụ, khinh khí cầu của Giken sẽ bay lên bằng khí heli và khí này có thể được tái sử dụng. Các chuyến bay cũng sẽ giới hạn phạm vị ở trên lãnh thổ hoặc không phận Nhật Bản một cách an toàn. Chuyến đi đầu tiên được lên kế hoạch sớm nhất là vào cuối năm nay.

Công ty cho biết 5 hành khách đầu tiên được chọn sẽ được công bố vào tháng 10 và các chuyến bay sẽ cách nhau khoảng một tuần, tùy thuộc vào thời tiết. Iwaya Giken đã công bố kế hoạch sẵn sàng cho một chuyến bay thương mại với giá ban đầu khoảng 180.000 USD. Tuy nhiên, Giám đốc Keisuke Iwaya cho biết anh đặt mục tiêu sẽ giảm giá chuyến bay xuống còn khoảng 20.000 USD.

Có thể bạn quan tâm:

Hàng trăm đầu sách bán trên Amazon là do ChatGPT sáng tác


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới