Hủy
Công Nghệ

Vì sao trên sàn chứng khoán Việt Nam chỉ có 3 công ty công nghệ là FPT, Yeah1, Clever Group niêm yết?

Vũ Hạo Thứ Sáu | 07/02/2020 16:54

Nguồn: DealStreetAsia

Cho tới nay, chỉ có 3 công ty công nghệ Việt Nam đã IPO thành công là Tập đoàn FPT, công ty Yeah1 (mã YEG) và công ty Clever Group (mã ADG).
 

Trong bối cảnh những đợt niêm yết của các công ty công nghệ chưa nhận được sư quan tâm nhiều của nhà đầu tư Việt Nam, những người đã đầu tư vào những công ty công nghệ “trẻ tuổi” và nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ của Việt Nam chỉ còn cách thoái vốn thông qua việc bán lại cổ phần cho bên khác.

Các chuyên gia chứng khoán cho biết các cổ phiếu công nghệ Việt Nam vẫn chưa thể chứng minh bản thân là những công cụ đầu tư khả thi.

“Phần lớn các công ty khởi nghiệp công nghệ thường đi kèm với rủi ro lớn, trong khi mô hình kinh doanh của họ không quá đột phá”, ông Trần Thái Sơn, nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nói với DealStreetAsia.

“Các tài sản công nghệ của họ cũng không có giá trị cao, trong khi khẩu vị đầu tư trên sàn chứng khoán đang nghiên về những công ty bền vững có quy mô tài sản lớn”.

Chẳng hạn như công ty giải trí Yeah1, cổ phiếu YEG – vốn lên sàn với giá 350.000 đồng/cp – đã giảm khoảng 10 lần cho tới nay. Lúc đầu Yeah1 hy vọng sẽ được định giá ở mức 400 triệu USD, nhưng giờ thì tổng vốn hóa thị trường của Yeah1 chỉ quanh quẩn ở mức 43 triệu USD.

Đợt niêm yết cổ phiếu thành công của FPT là trường hợp khác thường duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, vốn thường ưa chuộng những doanh nghiệp thông thường.

Trong khi đó, công ty Clever Group chào sàn UPCoM vào ngày 26/12/2019 với giá tham chiếu 55.000 đồng/cp. Tính tới ngày 07/02, cổ phiếu ADG đã tăng vọt lên 91.800 đồng/cp.

Ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Clever Group, tiết lộ với DealStreetAsia rằng Cong ty đang lên kế hoạch thực hiện IPO lên Sở giao dịch chứng khoán Tp HCM vào quý 1/2020. CyberAgent Capital của Nhật Bản và Yello Digital Media của Hàn Quốc là những tổ chức đầu tư vào Clever Group trước khi niêm yết.

Cả cổ phiếu Clever Group và Yeah1 đều có thanh khoản và tỷ lệ cổ phiếu lưu hành tự do (free float) thấp, ông Sơn cho biết. “Họ đều hoạt động trong những lĩnh vực có tính cạnh tranh cao. Chúng tôi nhận thấy rủi ro cao khi đầu tư vào những cổ phiếu này”.

Giới quan sát trong ngành vẫn đang chờ đợi đề xuất chào sàn của CTCP VNG – công ty chuyên về gaming, Internet và có sự hậu thuẫn của quỹ Temasek – trên sàn Nasdaq.

Tuy nhiên, cho đến nay, VNG – vốn được xem là công ty kỳ lân đầu tiên của Việt Nam (tức có định giá hơn 1 tỷ USD) – vẫn chưa cập nhật lại lịch trình niêm yết cổ phiếu lên Nasdaq kể từ khi công bố kế hoạch vào tháng 5/2017. Việc kéo dài lịch trình không có gì bất ngờ đối với những người quan sát lâu năm của ngành này.

Xét cho cùng, phải mất 18 năm kể từ lúc thanh lập, FPT mới niêm yết cổ phiếu. Trong khi đó, Yeah1 mất 10 năm, còn Clever Group sau 11 năm mới niêm yết cổ phiếu.

Bên cạnh đó, các công ty công nghệ tư nhân cũng phải mất gần 1 thập kỷ để chạm tới các cột mốc lớn như danh hiệu kỳ lân của VNG hoặc tiến hành các vòng gọi vốn lớn cho MoMo và VNPAY.

Công ty thanh toán thông qua mã QR, VNPAY, đã huy động vốn thành công từ quỹ GIC của Singapore và Quỹ Tầm nhìn của SoftBank – DealStreetAsia ước tính ở mức 300 triệu USD – và startup ví điện tử MoMo huy động tới 120 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C từ Warburg Pincus. Đây được xem là những đợt đầu tư lớn nhất từng ghi nhận được trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam.

Trong những năm gần đây, các khoản đầu tư lớn khác trong lĩnh vực công nghệ Việt Nam là vào thương mại điện tử. Cụ thể, quỹ Temasek rót vốn mạnh vào lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam; công ty thương mại điện tử Tiki có Northstar Group nằm trong những tổ chức hậu thuẫn; và Sendo cũng huy động thành công 61 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C.

Theo quan điểm của bà Lê Hoàng Uyên Vy – CEO của ESP Capital, các kỳ lân kế tiếp của Việt Nam sẽ là những công ty nhận được rất nhiều vốn.

“Nếu chúng ta có thêm công ty kỳ lân thì điều này sẽ truyền tải tín hiệu tích cực đến những người chuyên đầu tư vào giai đoạn cuối (later-stage investors)”, bà Vy cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Deal Street Asia trước đó.

Những thương vụ thoái vốn trng lĩnh vực công nghệ Việt Nam thường thông qua bán lại hoặc thâu tóm

Môi trường pháp lý cũng góp phần làm giảm sự hấp dẫn của việc niêm yết các công ty công nghệ ở Việt Nam. Việt Nam đã cân nhắc thành lập một sàn giao dịch chứng khoán chỉ dành cho các startup công nghệ từ 4 năm trước, nhưng kế hoạch gầy dựng sàn chứng khoán này chưa thể được triển khai theo luật chứng khoán mới.

“Với mức giá trị vốn hóa thị trường thấp nhưng rủi ro lại cao, việc cho phép các startup công nghệ IPO sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường chứng khoán nói chung, đồng thời tạo ra những cảm giác không công bằng cho những doanh nghiệp niêm yết khác”, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam cho biết trong tháng 10/2019.

Trong bối cảnh các đợt IPO công nghệ vẫn còn hiếm thấy ở Việt Nam, liệu một vài doanh nghiệp công nghệ trưởng thành với sự hậu thuẫn của những tổ chức đầu tư lớn có cầm trịch cuộc chơi về công nghệ?

 

Nguồn DealStreetAsia


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới