Hủy
Công Nghệ

Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế số toàn cầu?

Thứ Sáu | 04/08/2017 16:04

kxcdn.com

Theo một nghiên cứu quốc tế gần đây, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tốc độ tiến bộ trong việc xây dựng nền kinh tế số.
 

Gần đây, Trường Fletcher thuộc đại học Tufts (Mỹ) và công ty thẻ tín dụng Mastercard đã công bố nghiên cứu về Chỉ Số Phát Triển Kỹ Thuật Số 2017 (Digital Evolution Index - DEI) nhằm đánh giá mức độ phát triển kinh tế kỹ thuật số của 60 quốc gia.

Theo DEI 2017, các quốc gia Singapore, Anh, New Zealand, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập (UAE), Estonia, Hồng Kong, Nhật, và Israel được công nhận là những nền kinh tế số nổi trội nhờ vào sự phát triển kỹ thuật số ở cấp độ cao và tốc độ phát triển số rất nhanh.

DEI được xây dựng dựa trên việc đo lường hơn 100 chỉ số, được gộp vào 4 nhóm chính:

- Khả năng cung ứng (hay mức độ truy cập internet và hạ tầng)

- Nhu cầu về các công nghệ số của người tiêu dùng

- Môi trường pháp lý (các chính sách/luật và các nguồn lực)

- Sự sáng tạo và thay đổi (những đầu tư vào R&D và các startup kỹ thuật số …)

“Tốc độ triển khai, chất lượng hạ tầng, hành lang pháp lý kỹ thuật số, và sự sáng tạo cùng nhau định hình khả năng cạnh tranh kỹ thuật số của một quốc gia, nhưng các chính phủ cũng đóng một vai trò quan trọng. Báo cáo này cũng cho thấy niềm tin người tiêu dùng về các công nghệ kỹ thuật số tỷ lệ thuận với khả năng cạnh tranh kỹ thuật số”. Đó là chia sẻ của Bhaskar Chakravorti, Phó trưởng khoa tài chính và kinh doanh quốc tế, trường Fletcher thuộc đại học Tufts, và Giám đốc điều hành sáng lập của Học Viện Kinh Doanh Fletcher.

Những kết quả chính

Theo nghiên cứu, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Hồng Kông, và Mỹ lần lượt nằm trong top 10 nền kinh tế số phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, với tốc độ cải tiến và thay đổi hiện nay, việc trở thành một nền kinh tế số phát triển ngày hôm nay không có gì là đảm bảo vị thế đó mãi mãi cho ngày mai. Mức độ hỗ trợ và cởi mở đối với sáng tạo giúp quyết định tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của một quốc gia.

Viet Nam nam o dau tren ban do kinh te so toan cau?
60 quốc gia được khảo sát được phân chia thành 4 nhóm dựa trên số điểm DEI và tốc độ tiến bộ. Ảnh: tufts.edu

Nghiên cứu của Trường Fletcher và MasterCard xếp hạng 60 quốc gia được khảo sát vào 4 nhóm khác nhau:

Vượt trội – Các quốc gia như Singapore, Anh, New Zealand, UAE, Estonia, Hồng Kông, Nhật, và Israel cho thấy mức độ phát triển số cao cấp, đồng thời tiếp tục dẫn đầu về sáng tạo và tăng trưởng mới.

Chững lại – Nhiều quốc gia phát triển tại Tây Âu, Bắc Âu, cũng như Úc và Hàn Quốc, có lịch sử tăng trưởng mạnh, nhưng đà tăng trưởng đang chậm lại. Nếu không có sự cải tiến trong tương lai, các quốc gia này có nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Bùng nổ - Mặc dù vẫn có mức độ phát triển số tương đối thấp, các quốc gia này cho thấy đà tăng trưởng nhanh nhất, với đầy đủ các yếu tố tăng trưởng và hấp dẫn các nhà đầu tư. Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia là các quốc gia tiêu biểu cho tiềm năng phát triển bùng nổ này.

Đáng lo ngại – Các quốc gia như Nam Phi, Peru, Ai Cập, Hy Lạp, và Pakistan đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm mức độ phát triển số thấp và tốc độ tăng trưởng chậm.

Tuy Việt Nam có chỉ số DEI vẫn còn thấp (chỉ đứng hạng 48/60), nhưng Việt Nam lại có chỉ số động lực tiến bộ (momentum score) khá mạnh, đứng hạng 22/60, ngang ngửa với Singapore (hạng 21) và Anh (hạng 23). Điều này bảo đảm cho Việt Nam một chỗ đứng trong nhóm Bùng nổ.

“Tất cả chúng ta đều biết rằng công nghệ có thể giúp cải thiện kinh tế và giúp cuộc sống của chúng ta trở nên tốt hơn nhiều, nhưng tăng trưởng chỉ đạt được khi mọi người có niềm tin và hệ sinh thái phát triển”. Đây là nhận định của Ajay Bhalla, Chủ tịch bộ phận rủi ro và an ninh doanh nghiệp toàn cầu tại MasterCard. Ông Bhalla nói thêm: “Trong quá trình phát triển một thế giới kết nối, niềm tin và an ninh có vai trò quan trọng cho sự phát triển kỹ thuật số thành công”.

Nhân tố niềm tin

Trong báo cáo 2017, đội ngũ nghiên cứu tại Trường Fletcher đã phân tích một yếu tố mới là chỉ số niềm tin (Trust Index). Họ đã khảo sát 42/60 quốc gia xoay quanh 4 yếu tố chính – hành vi, thái độ, môi trường, và trải nghiệm – nhằm tìm hiểu về niềm tin kỹ thuật số của người dùng.

Theo khảo sát này, Việt Nam được xếp vào nhóm Nhiều niềm tin (Trust Surplus) cùng với Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giải thích, đây là những nước có người dùng kiên nhẫn và sẵn sàng duy trì tương tác số, dù có những trải nghiệm trực tuyến chưa tốt và sống trong môi trường còn thiếu niềm tin. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên có thể là do những nước này có đà tiến bộ cao.

Viet Nam nam o dau tren ban do kinh te so toan cau?
Đánh giá chỉ số niềm tin tại 42 nước được khảo sát, dựa trên 2 yếu tố là hành xử (cột dọc) và trải nghiệm (hàng ngang). Ảnh: tufts.edu

Một vài phát hiện chính khác bao gồm:

- Trung Quốc, Thụy Sỹ, Singapore, và các quốc gia Bắc Âu đạt được điểm số rất tốt trên tất cả các thước đo khác nhau với những lí do rất khác biệt.

- Các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu dẫn đầu về môi trường và trải nghiệm niềm tin số, điều này cho thấy giá trị của việc đầu tư mạnh mẽ vào an ninh, bảo mật, và các biện pháp trách nhiệm trong việc giảm thiểu những trải nghiệm xấu.

Ngoài ra, các chính phủ và doanh nghiệp cũng được coi là những người đảm bảo niềm tin, và có nhiệm vụ tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng và các công dân. Nghiên cứu cho thấy niềm tin rất quan trọng đối với việc cạnh tranh kỹ thuật số.

Nguồn Tufts University


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới