"Đại án" chưa qua, "tiểu án" đã tới
Trong khi những “đại án” ngân hàng ngàn tỉ đồng chưa xử lý xong thì các “tiểu án” hàng trăm tỉ đồng bốc hơi khỏi tài khoản tiền gửi của khách hàng lại xuất hiện thường xuyên hơn. Sự cố ở Eximbank gần đây là một ví dụ. Thông tin trước đó cho biết, từ năm 2013 đến nay, bà Chu Thị Bình mở 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gốc hơn 301 tỉ đồng, nhưng đến tháng 2.2017, số tiền này không còn trong hệ thống ngân hàng, cho dù bà Bình vẫn còn giữ sổ tiết kiệm. Cơ quan điều tra đã truy nã Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, được cho là làm giả giấy tờ để rút tiền từ các sổ tiết kiệm trên.
Số tiền bốc hơi ở Eximbank lần này là mức kỷ lục đối với một khoản tiền gửi cá nhân, nhưng những vụ việc mất tiền thì diễn ra rất nhiều trong thời gian qua. Có thể liệt kê các trường hợp khác như 17 sổ tiết kiệm trị giá 400 tỉ đồng ở OceanBank, sổ tiết kiệm 32 tỉ đồng ở BIDV. Vì sao những vụ mất tiền diễn ra ngày càng nhiều như thế?
Thực tế, ngân hàng là ngành dễ xảy ra rủi ro đạo đức nghề nghiệp, vì liên quan trực tiếp đến tiền bạc. Trong nhiều năm qua, rủi ro đạo đức ở nhân viên tín dụng và cấp lãnh đạo khi cho vay đã tạo ra nợ xấu khổng lồ ở ngân hàng, thì nay, tài khoản tiết kiệm của khách hàng cũng bị trục lợi. Người gửi tiền đã đặt niềm tin sai chỗ khi những người có quyền lực và điều kiện tiếp cận đã chủ động “tấn công” tài khoản tiết kiệm của khách hàng.
Chẳng hạn, trong vụ mất 9 tỉ đồng, Ngân hàng NCB cho biết lãnh đạo chi nhánh đã sử dụng các chứng từ không có trong mẫu biểu của ngân hàng. Quy trình gửi tiền đã bị thực hiện sai, nhưng người gửi tiền không hề biết. Dễ dàng thấy được trách nhiệm của nhân viên ngân hàng (mà chủ yếu là sếp lớn ở các chi nhánh) trong hầu hết tất cả vụ việc, nhưng ở góc độ khác, vướng mắc một phần còn nằm ở phía người gửi tiền khi chưa hiểu hết quy trình và cách thức làm việc của các ngân hàng. Điểm chung ở những “tiểu án” trên chính là việc khách hàng tùy nghi ký khống trên giấy tờ, hay làm việc với các văn bản mà họ không nắm được nội dung.
Sự cố ở Eximbank cũng cho thấy khách hàng dù có quan trọng đến đâu cũng có thể bị mất tiền và đặt ra câu hỏi lớn về quy trình phục vụ khách hàng lớn ở những địa điểm nằm ngoài sự giám sát của ngân hàng. Khách hàng V.I.P thông thường đòi hỏi những chính sách chăm sóc ưu đãi đặc biệt của ngân hàng, như lãi suất hay cách ngân hàng phục vụ. Họ giàu có và cần sự kín đáo, riêng tư, còn các ngân hàng cần tiền gửi nên sẵn sàng chiều chuộng.
Hành vi lừa đảo giữa cá nhân với cá nhân, cũng như sự ngây thơ của các khách hàng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ở góc độ khác, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, các sự cố mất tiền xảy ra thường xuyên cũng một phần vì quy trình thực hiện giao dịch ở các ngân hàng. Không có quy định chung cụ thể về việc gửi tiền, nhận tiền, vì vậy mỗi ngân hàng có một chế độ riêng, cách làm riêng, cách quản lý và giám sát riêng. Kết quả (hay hậu quả) rõ ràng phụ thuộc vào khả năng quản trị của từng tổ chức tín dụng.
Tài khoản mất tiền cũng không chừa một ngân hàng nào, như trường hợp mất tiền trong thẻ ATM 500 triệu đồng ở Vietcombank vào năm ngoái, do bị đánh cắp thông tin. Tội phạm mạng xảy ra với ngân hàng Việt ngày càng nhiều hơn.
Sự kiện Eximbank ắt hẳn cũng khiến nhiều ngân hàng “giật mình” nhìn lại quy trình làm việc của mình. Nhiều chuyên gia ở các ngân hàng cũng tư vấn cá nhân chủ động quản lý tài khoản qua SMS Banking hay Internet Banking để nắm được biến động số dư kịp thời. Đó là cách kiểm soát tốt nhất hiện nay. Còn theo gợi ý của ông Hiếu, các giao dịch bên ngoài cần phải có sự chứng kiến của bên thứ 3. Ngày nay, công nghệ hiện đại hơn cũng cho phép các khách hàng cá nhân giao dịch qua hệ thống, sẽ giảm thiểu những rủi ro và sai sót ở phía nhân viên với các công cụ truyền thống.
Tròn 1 năm sau khi biết được số tiền mình gửi đã bị mất, những cá nhân liên quan đến vụ việc ở Eximbank còn phải chờ kết luận của cơ quan chức năng để giải quyết, nhưng sự vụ có lẽ sẽ còn kéo dài khá lâu, đặc biệt khi ông Hưng đang bị truy nã và được cho là đang ở Mỹ. Thực tế, cho đến nay, hầu hết các vụ “tiểu án” kể trên đều chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, hay tòa án, để làm rõ trách nhiệm của từng bên liên quan.
Trước thực trạng tiền tỉ bốc hơi, ngân hàng nào cũng tuyên bố sẽ chờ kết luận chính thức của cơ quan nhà nước, vì chưa biết sự việc cụ thể sẽ như thế nào. Khẳng định quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của Eximbank, ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết: “Eximbank mong muốn các bên liên quan gồm ngân hàng, người gửi tiền và cơ quan điều tra phối hợp tích cực để vụ việc nhanh chóng được tòa án có thẩm quyền phán quyết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan”. Trong khi đó, ông Yasuhiro Saito, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, cho biết các quy trình xử lý phải tuân thủ theo quy định của pháp luật để có câu trả lời thỏa đáng với cổ đông.
Dù vậy, sau những thông tin rầm rộ về mình trên báo chí, Eximbank và bà Bình đang xem xét thỏa thuận tạm ứng khoản tiền hơn 14 tỉ đồng. Eximbank mới đây lại cho biết ngân hàng sẽ công bố thông tin khi có phán quyết có hiệu lực pháp luật của cơ quan tố tụng, sau cuộc thỏa thuận lần thứ 2 với bà Bình được cho là thất bại.
Người gửi tiền chịu thiệt đã đành, nhưng bản thân các ngân hàng cũng bị mất uy tín và những ảnh hưởng đến thương hiệu sau này khó mà đong đếm được. Điều nguy hiểm hơn là niềm tin vào hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Đó mới là tổn thất thực sự cho cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng gì ngân hàng bị thiệt hại. Do đó, những “tiểu án” vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh để các ngân hàng nhanh chóng chấn chỉnh lại những kẽ hở trong hệ thống của chính mình.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư