Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chịu nhiều áp lực

Thứ Năm | 18/10/2012 06:57

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chưa thực sự vui mừng trước thông tin, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới.
 

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Bạn, Giám đốc Công ty Cà phê Minh Huy (Đồng Nai) cho biết, các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất khẩu tới 60 - 70%. Doanh nghiệp trong nước thì ngày càng yếu vì thiếu vốn, không xuất khẩu được nhiều.

“Hiện tại, 50 - 60% doanh nghiệp cà phê ở Đồng Nai đã phá sản, chỉ còn lại 4 -5 doanh nghiệp lớn hoạt động tốt, nhưng việc liên kết giữa các doanh nghiệp chưa tới đâu, chủ yếu mạnh ai nấy làm”, ông Bạn nhận xét.

Theo ông Nguyễn Xuân Thái, Tổng giám đốc Công ty Cà phê Thắng Lợi Đắk Lắk, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang chịu nhiều áp lực từ các nhà nhập khẩu châu Âu. Các nhà nhập khẩu này vẫn áp dụng quy định mức phí trừ lùi mà không giải thích rõ lý do với các hợp đồng xuất khẩu (giao sau) của doanh nghiệp Việt Nam, với mức bình quân 50 USD/tấn.

Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh cho biết, điều đáng lưu ý là, đáng ra khi cà phê có giá càng cao thì chất lượng phải càng cao. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, giá cà phê tăng cao dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán, nên chất lượng ngày càng giảm sút và thường bị các nhà nhập khẩu ép giá.

Từ những rủi ro về chất lượng, về giá, cộng với việc ngân hàng hạn chế tài trợ vốn, dự kiến năm nay, Công ty TNHH Cà phê Chánh Tinh Anh giảm 50% lượng xuất khẩu, thay vì xuất khẩu 20.000 tấn cà phê nhân như vụ trước.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp ngành cà phê vẫn hoạt động “không ai giống ai”. Doanh nghiệp nào cũng giấu giá bán, dù bán giá thấp, nhưng vẫn nói bán giá cao, dẫn đến tình trạng bán phá giá. Hệ quả là, những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào loại lớn nhất Việt Nam như Công ty Cà phê Tây Nguyên gần như không còn khả năng thanh toán. Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) đang ngưng hoạt động, nợ trên 1.000 tỷ đồng. Công ty xuất khẩu cà phê lâu đời nhất Việt Nam là Inexim Đắk Lắk cũng lâm vào tình cảnh không còn tiền để mua cà phê trong dân.

Theo các chuyên gia ngành cà phê, Việt Nam vẫn chưa có một chính sách cụ thể cho cây cà phê. Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa) đã tính đến việc liên kết với Hiệp hội Cà phê Quốc gia Brazil (CNC) để có thế mạnh hơn trong sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, thực hiện việc này không hề đơn giản vì không có kinh phí.

Ở góc độ khác, tại buổi tổng kết xuất khẩu cà phê niên vụ 2011-2012 vừa diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch thường trực Vicofa cho biết, xuất khẩu mùa vụ vừa qua đã đạt gần 3,2 tỷ USD, tương đương trên 1,6 triệu bao. Tuy nhiên, nếu khắc phục được tình trạng cà phê kém chất lượng, xuất khẩu có thể mang về thêm trên 100 triệu USD nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngành cà phê phát triển bền vững, ngoài các chính sách hỗ trợ cụ thể của Nhà nước về vốn vay để doanh nghiệp mua tạm trữ, việc đầu tiên cần làm là các tỉnh trồng cà phê cần có quy định thu hoạch quả chín từ 95% trở lên, cấm thu hoạch cà phê xanh, non.

Nguồn Báo Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới