Hủy
Kinh Doanh

Giám đốc VietinBank Nam Thừa Thiên Huế bị tố nhận hối lộ và lừa gạt khách hàng

Thứ Bảy | 20/07/2013 08:58

Nhiều cá nhân tố cáo Giám đốc VietinBank chi nhánh Nam Thừa Thiên - Huế nhận hối lộ và lừa gạt nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
 

Ông Ngô Đăng Chính (ngụ tại số 08 An Dương Vương, thành phố Huế) gửi đơn đến Báo Công lý phản ánh, vào tháng 2/2013, tin theo thỏa thuận với bà Phan Thị Thu Hương, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Nam Thừa Thiên - Huế, ông Chính đã chuyển gần 400 triệu đồng vào tài khoản của một doanh nghiệp có xe tải bị ngân hàng trên siết nợ để được quyền mua lại chiếc xe này.

Tuy nhiên, sau đó ông Chính vừa không mua được xe nhưng số tiền trên cũng bị chiếm đoạt, mặc dù ông đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan cấp trên để xin làm rõ sự việc.

Tiếp đó, Báo Công lý nhận được đơn tố cáo bà Hương, Giám đốc Vietinbank CN Nam Thừa Thiên-Huế về hành vi ăn hối lộ và chèn ép khách hàng.

Cụ thể, theo đơn tố cáo của ông Lê Hồng Phú, đại diện cho Công ty CP TM-DV&XD Hồng Kim (thành phố Huế), sau khi Công ty CP TM-DV&XD Hồng Kim có hợp đồng tín dụng với Vietinbank Chi nhánh phía Nam Thừa Thiên Huế để mua 4 chiếc xe ôtô tải Ben trị giá gần 5 tỷ đồng phục vụ cho mục đích kinh doanh, nhưng phía ngân hàng chỉ chấp nhận cho vay hơn 3,1 tỷ đồng. Khi vay mua xe, ngân hàng này đã bắt buộc Công ty Hồng Kim phải mua bảo hiểm của VietinBank mới đồng ý cho vay.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, hai trong bốn chiếc xe kể trên gặp tai nạn nhưng không được bảo hiểm của VietinBank thanh toán tiền bảo hiểm tai nạn theo đúng luật. Trong khi đó, suốt hơn một năm xe không hoạt động, mặc dù không được ngân hàng trên hỗ trợ mà ngược lại phía công ty của ông vẫn phải trả lãi và vốn cho ngân hàng đều đặn.

Trong đơn, ông Phú còn trình bày thêm về việc chèn ép khách hàng khi phía ngân hàng không cấp bản photo giấy chứng nhận đăng ký xe để xe được hoạt động hợp pháp trong suốt thời gian 13 tháng.

Bên cạnh đó, theo đơn tố cáo, vào tháng 3/2012, bà Hương đã thuê Công an đi cưỡng chế tài sản của công ty lúc xe đang hoạt động tại công trường trong khi chưa có một quyết định hay bất cứ văn bản nào của các cơ quan pháp luật có thẩm quyền. Sau đó bà Hương và ngân hàng còn ép buộc công ty ký giấy uỷ quyền để bán tài sản khi xe đang bị tai nạn chưa khắc phục được và tự ý ra giá với khách hàng mua xe.

Ông Phú còn tố cáo thêm, khi làm việc với ngân hàng, bà Hương đòi phải chi 30 triệu đồng tiền bồi dưỡng thì mới giúp cho vay và bảo lãnh vay. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, công ty vẫn không được vay bảo lãnh tiếp.

Trao đổi với phóng viên về việc này, bà Hương cho rằng, có thể đó là số tiền cá nhân bà Hương vay của ông Phú.

Nguồn Báo Công lý


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới