Hủy
Kinh Doanh

Kế hoạch B cho thị trường lao động

Thanh Hương Thứ Tư | 30/11/2022 14:00

Theo Bộ Công Thương, triển vọng đơn hàng quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may Việt Nam không mấy khả quan. Ảnh: Quý Hòa

Thấm đòn trong đại dịch, cộng thêm áp lực lạm phát, nguy cơ suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn... khiến thị trường lao động chao đảo.
 

Sau khi Công ty Panasonic ngừng sản xuất tivi tại thị trường Việt Nam, anh Nguyễn Văn Thiện, công nhân làm việc tại nhà máy (quận 9) gần 10 năm,  đã lâm vào cảnh thất nghiệp ngay thời điểm Tết 2021. Đến nay, đã hơn 10 tháng, anh vẫn chưa kiếm được việc làm ổn định.

Làn sóng cắt giảm

Trước đây, anh Thiện là thợ sửa chữa kỹ thuật trong công ty lắp ráp tivi của Panasonic, lương 8,5 triệu đồng/tháng. Được coi là lao động có tay nghề nhưng ở lĩnh vực này, lao động dư thừa, nên cơ hội việc làm cho anh ngày càng thấp. “Ở tuổi này đi xin làm nhà máy là rất khó, tôi đã 40 tuổi nên cũng nghĩ đi học thêm nghề gì đó...”, anh Thiện tâm sự. 

 

Anh Thiện gia nhập số lao động khó kiếm việc đang gia tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Cuối tháng 10/2022 Công ty Dệt may Tỷ Hùng (TP.HCM) bất ngờ thông báo sẽ thu hẹp quy mô sản xuất và gần 1.200 công nhân sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Công ty PouYuen Việt Nam, được mệnh danh là “Samsung da giày” tại Bình Tân, cũng vừa thông báo cho khoảng 20.000 công nhân nghỉ luân phiên từ ngày đầu tháng 12 đến hết tháng 2/2023 do thiếu đơn hàng.

Tại TP.HCM, trong cuộc phỏng vấn hồi giữa tháng 10, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Nguyễn Văn Lâm cho biết năm 2022 hơn 2.800 lao động bị mất việc.

“Hơn 30 năm làm trong ngành may mặc, đây là lần đầu gặp cảnh công nhân thiếu việc, nhà máy thiếu đơn hàng diện rộng. Tình hình lúc này còn khó hơn thời điểm COVID-19 bùng phát”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, nhận xét. 

Theo Bộ Công Thương, triển vọng đơn hàng quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may Việt Nam không mấy khả quan. Thực tế số lượng đơn hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25-50% so với quý II/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.

Theo Bộ Công Thương, triển vọng đơn hàng quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may Việt Nam không mấy khả quan.  Ảnh: Quý Hòa.
Theo Bộ Công Thương, triển vọng đơn hàng quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may Việt Nam không mấy khả quan. Ảnh: Quý Hòa.

Trong khi đó, xuất khẩu giày dép ở các thị trường đã chững lại, nhất là biến động tại 5 thị trường nhập khẩu lớn là Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Những thị trường này chiếm tới 80-90% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM, cho biết bên cạnh việc thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp còn gánh nhiều loại chi phí, nợ ngân hàng, không thể xoay xở khi dòng vốn vay rất khó khăn và lãi suất quá cao.

Tái đào tạo nguồn nhân lực

Làn sóng sa thải là hệ quả của nền kinh tế thâm dụng lao động và công nhân dễ bị đào thải khi xảy ra dịch bệnh, kinh tế suy thoái. Bên cạnh cuộc khủng hoảng về việc làm, người lao động thấp còn phải đối mặt với quá trình tự động hóa trong các nhà máy sản xuất.

 

Những doanh nghiệp lớn như Nestlé, Vinamilk, nhiều ngành sản xuất dệt may, gỗ... cũng đã tham gia vào quá trình tự động hóa. Nhà máy Mega của Vinamilk đã giảm cả ngàn người sau khi thực hiện tự động hóa các khâu sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng cho đến đóng gói, đóng thùng và chất lên tấm kê hàng (pallet). Hay TPBank trang bị thêm các vị trí đặt ngân hàng tự động LiveBank với chỉ một bảo vệ thay vì mở chi nhánh lớn và giảm được một lượng lớn nhân sự.

Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hòi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản trong khi 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu. Đặc biệt chỉ có 5% người lao động có đủ trình độ tiếng Anh để làm việc. Đã có không ít lo ngại về việc chuyển đổi số tạo ra biến động trong thị trường lao động, đặc biệt ở những quốc gia có năng suất lao động thấp và chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp. 

Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên gia của World Bank, cho rằng Việt Nam cần nâng cao kỹ năng số cho lao động trong thời gian tới. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động, ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, ngành nghề kinh tế trọng điểm... 

Bài học của nhiều quốc gia cũng cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo lại nguồn nhân lực để có thể tiếp cận những công việc mới cũng như gia tăng năng suất lao động, thích ứng với sự thay đổi rất nhanh trong môi trường làm việc. Các chương trình này hướng tới xây dựng một nền văn hóa phát triển kỹ năng và học tập suốt đời.
“Cá nhân tôi quan tâm đến lĩnh vực bảo mật. Vì vậy, tôi sẽ tìm hiểu các khóa học liên quan đến những lĩnh vực này để thêm kỹ năng tìm công việc mới”, anh Thiện nói về kế hoạch của mình.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới