Hủy
Kinh Doanh

Khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Nam Hải có tầm ảnh hưởng thế nào với Việt Nam?

Thứ Năm | 03/07/2014 16:04

Vùng này có giá trị về mặt kinh tế bởi đây là khu vực có tiềm năng dầu khí.
 

Ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, khẳng định sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan quấy nhiễu ở biển Đông không làm các đối tác nước ngoài đang hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam lo sợ.

“Khi các tập đoàn dầu khí này ký với Việt Nam, họ đã tìm hiểu rất kỹ về luật và quy định quốc tế ở biển Đông. Chính phủ của họ có thể cũng đã có sự bảo đảm đây là vùng biển của Việt Nam. Cần nhớ rằng các tập đoàn dầu khí có đội ngũ tư vấn luật rất giỏi và chuyên nghiệp”, ông San khẳng định.
Đang đàm phán, không được đơn phương khai thác

* Đã hơn 2 tháng Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981. Mới đây họ lại kéo giàn khoan thứ 2 là Nam Hải 09 vào khu vực biển của Việt Nam. Với hành động này Trung Quốc không từ bỏ quyết tâm biến biển Đông thành “ao nhà” của họ. Ông đánh giá sao về việc này?
- Ông Ngô Thường San: Theo kinh nghiệm của tôi, giàn khoan Hải Dương-981 hơn mười ngày đầu không khoan được gì do không đúng vị trí (hoặc có sự cố - PV) nên sau đó nó có sự dịch chuyển khá xa vị trí ban đầu theo hướng Đông Nam. Hiện nó nằm khá lâu ở vị trí này. Thường thì phải sau 3 tháng một giếng khoan mới có kết quả. Ở vùng Trung Quôc đang đặt giàn khoan Hải Dương-981, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã có khảo sát và cũng phát hiện một số diện tích có tiềm năng chứa dầu khí nằm ở độ sâu lớn.

Theo bản đồ hàng hải, biển ở đây khá sâu, hơn 1.500 mét. Với độ sâu này lại nằm xa căn cứ dịch vụ trên bờ thì hiệu quả khai thác dầu khí sẽ không lớn. Cho nên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa tập trung đầu tư khoan thăm dò ở vùng này vì khoan xong thì phải khai thác chứ để đó sẽ rất lãng phí, tốn kém. Chưa kể thời tiết ở vùng biển này không đơn giản, lại lắm bão. Mới đây chỉ cần một cơn áp thấp nhẹ tràn qua, Trung Quốc đã phải hạ thấp giàn khoan xuống 3-4 mét để đảm bảo an toàn cho giàn khoan.

Còn giàn Nam Hải 09, Trung Quốc đưa vào vùng biển mà ta gọi là vùng cửa nam vịnh Bắc bộ. Vùng biển này Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán và chưa phân định ranh giới. Hiện giàn khoan nằm cách đường dự kiến phân định 12 hải lý về phía Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế, khi hai bên đang đàm phán và chưa có phân định ranh giới thì anh không được đưa giàn khoan ra đây để tiến hành đơn phương các hoạt động khoan tìm kiếm thăm dò.

* Theo ông, khu vực mà Trung Quốc đang đặt giàn khoan Nam Hải 09 có tầm ảnh hưởng như thế nào về chính trị - xã hội - kinh tế… đối với Việt Nam?

- Vùng này có giá trị về mặt kinh tế bởi đây là khu vực có tiềm năng dầu khí. Ta cũng đã thăm dò và khai thác ở một số khu vực thuộc vùng biển của ta. Tiêu biểu như phát hiện của Exxon Mobil (Mỹ) và dự kiến sẽ phát triển khai thác trong vòng 5 năm tới. Mỏ này có trữ lượng lớn, có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế miền Trung.

Thậm chí có những mỏ nằm vắt ngang đường phân định nhưng cần tiến hành nghiên cứu, thăm dò hoặc khai thác chung để phát triển kinh tế của mỗi nước thì cũng có thể hợp tác hai, ba bên để cùng thăm dò khai thác, nhưng phải có sự đồng thuận của các bên, tôn trọng chủ quyền và lợi ích kinh tế của nhau. Thông lệ này chúng ta cũng đã thực hiện với Malaysia, và ngay cả với Trung Quốc ở bên trong vịnh Bắc bộ.
* Vậy giàn khoan Nam Hải 09 có gì khác với giàn khoan Hải Dương-981 không?

- Về nguyên lý hoạt động, hai giàn này không khác nhau, đều có cấu trúc nửa nổi nửa chìm. Theo thông tin thì giàn Nam Hải 09, Trung Quốc mua lại của châu Âu rồi lắp ráp lại. Giàn này cũng bình thường, giống như giàn nước sâu của Việt Nam đang thiết kế đóng mới. Còn Hải Dương-981 thì Trung Quốc nói tự đóng.

Giàn thì giống như nhau nhưng với Hải Dương-981 ngoài mục tiêu về kinh tế, Trung Quốc muốn thử phản ứng của Việt Nam và thế giới đối với đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra. Còn với Nam Hải 09, mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc là kinh tế. Ở đây Trung Quốc có cái sai là ở vùng biển mà hai nước đang đàm phán thì anh không được đơn phương hoạt động thăm dò khai thác tại đây.

Làm cho thế giới hiểu âm mưu bành trướng của Trung Quốc

* Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng cách tốt nhất của Việt Nam trong lúc này là tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, để từ đó buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp, công ước quốc tế ở biển Đông. Mà muốn như vậy thì Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Nhưng đến thời điểm này, khi Trung Quốc càng ngày càng hung hăng ở biển Đông thì Việt Nam vẫn chưa khởi kiện Trung Quốc. Ông có thông tin liên quan hay lý giải vì sao Việt Nam chưa khởi kiện không?

- Theo tôi có lẽ Bộ Chính trị hay lãnh đạo nhà nước đang suy tính vấn đề thời điểm kiện và căn cứ để kiện. Điều này rất quan trọng vì nó phải có thời điểm thuận lợi và đã kiện thì mình phải có đầy đủ hồ sơ và chắc thắng 100% mới kiện. Bất cứ sự chuẩn bị chưa kỹ đều có tác động ngược lại người đi kiện.

Hiện nay thế giới đang bận tâm nhiều vấn đề chứ không riêng gì biển Đông. Mình cần tạo dư luận, sự ủng hộ và đồng thuận quốc tế, giải thích sự phi lý ngang ngược bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế trong hành xử của Trung quốc ở biển Đông.

Tôi cho rằng ta kiện Trung Quốc không chỉ vì họ xâm phạm chủ quyền trên thềm lục địa thuộc đặc quyền kinh tế của ta mà kiện sự bất hợp pháp của đường lưỡi bò. Bởi đường lưỡi bò ảnh hưởng rất nhiều nước như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines… và nhất là nó ảnh hưởng đến an ninh về giao thông hàng hải của thế giới trên biển.

Việt Nam cần làm cho thế giới thức tỉnh và thấy được sự nguy hiểm mà đường lưỡi bò Trung Quốc đưa ra. Cần làm cho thế giới hiểu quyền lợi của họ đang gắn liền với biển Đông chứ không riêng gì Việt Nam. Chứ còn anh chỉ chứng minh hành động của Trung Quốc đang xâm phạm thềm lục địa Việt Nam thì chưa chắc thế giới quan tâm nhiều.

Trong thời điểm này không một ai có thể thờ ơ trước sự an nguy của Tổ quốc. Chỉ có điều cần cân nhắc bài toán tối ưu.

Không “ngán” Trung Quốc* Việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra biển Đông ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực dầu khí có ảnh hưởng không? Các đối tác nước ngoài đang hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam có lo ngại hay không?

- Hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng có hợp tác với nhiều tập đoàn dầu khí nước ngoài như Exxon Mobil (Mỹ), Gazprom (Nga), Murphy (Mỹ)… để thăm dò và phát triển khai thác trên các lô nằm trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các đối tác nước ngoài vẫn triển khai bình thường các hợp đồng đã ký với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Họ quan tâm nhiều về yếu tố kinh tế hơn là sự đe dọa hiện nay của phía Trung Quốc.

Là những tập đoàn lớn, tầm cỡ quốc tế, khi ký với Việt Nam họ cũng đã tìm hiểu rất kỹ về luật và quy định quốc tế về biển trong đó có biển Đông. Họ có đội ngũ tư vấn luật rất giỏi và chuyên nghiệp.

Việt Nam đang tích cực tạo sự thông thoáng về luật pháp để cùng các công ty nước ngoài triển khai các hợp đồng dầu khí và đẩy mạnh công tác thăm dò và khai thác ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nguồn Thanh Niên


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới