Hủy
Kinh Doanh

Kinh nghiệm từ vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên

Thứ Bảy | 08/11/2014 08:43

Qua vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) đầu tiên tại Việt Nam đã mang lại nhiều điều mà các doanh nghiệp (DN) có thể học hỏi từ vụ việc này.
 

Chỉ là lần thứ ba khởi kiện

Tháng 9-2014, lần đầu tiên Việt Nam sử dụng thành công công cụ phòng vệ thương mại là kiện CBPG trong quá trình hội nhập khi Bộ Công Thương ban hành quyết định về áp dụng biện pháp CBPG đối với mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu (NK) từ một số nước, vùng lãnh thổ.

Đây là lần thứ ba công cụ phòng vệ thương mại được sử dụng tại Việt Nam. Trước đó, tháng 9-2009, lần đầu tiên một DN Việt Nam là Công ty Kính nổi VIGLACERA và Liên doanh Kính nổi Việt Nam đã đệ đơn lên Bộ Công Thương yêu cầu điều tra CBPG đối với sản phẩm kính nổi NK từ các nước/vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, sau 7 tháng tiến hành điều tra, ngày 8-2-2010, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã công bố báo cáo cuối cùng về kết quả điều tra kết luận, không áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm kính nổi NK bởi sự gia tăng NK không phải là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước.

Cuối năm 2012, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) đã gửi đơn đến Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng dầu đậu nành và dầu cọ NK vào Việt Nam. Cuối tháng 4-2013, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời bằng cách áp dụng mức thuế NK 5% đối với một số mã dầu thực vật tinh luyện NK vào lãnh thổ Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2009-2012, lượng hàng hóa thuộc đối tượng điều tra nêu trên có sự gia tăng. Sự gia tăng này đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước.

Mặc dù Pháp lệnh về tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài NK vào Việt Nam- văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên về vấn đề này- được xây dựng, ban hành từ năm 2002 nhưng theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, đến nay DN Việt Nam mới 3 lần sử dụng các công cụ này là do phần lớn DN đang yếu về quản trị rủi ro khiến cho việc nắm bắt, nghiên cứu các văn bản liên quan đến hợp tác quốc tế nói chung, phòng vệ thương mại nói riêng là khó khăn.

Về phía cơ quan quản  lý, cơ quan Nhà nước chưa hình thành được một Nhà nước dịch vụ, tức là chủ động cung cấp được cho người dân, DN những dịch vụ liên quan đến phòng vệ cũng như việc tiếp thu những quy định trong hợp tác quốc tế và hướng dẫn cho các DN chưa trở thành nhiệm vụ bắt buộc của công chức, viên chức Nhà nước.

Tìm hiểu thì đã muộn

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, trong những năm qua, Việt Nam phải chịu khoảng 100 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có gần 50 vụ kiện CBPG. Tuy nhiên, với việc ra quyết định áp thuế CBPG trong vụ kiện thép không gỉ cán nguội này, đây là lần đầu tiên Việt Nam sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của mình. Nhìn lại vụ kiện CBPG đầu tiên này, có thể thấy, các DN chưa thực sự quan tâm và coi các biện pháp phòng vệ thương mại như chiến lược trong kinh doanh.

Theo luật sư Phạm Lê Vinh, Công ty Luật TNHH ATIM, đơn vị tư vấn cho nguyên đơn trong vụ kiện, bài học và lưu ý cho DN trong giai đoạn tiền khởi kiện là DN, ngành hàng phải nhận biết được một số những dấu hiệu đặc trưng cho thấy sự suy yếu của “sức khỏe” của DN và ngành sản xuất trong nước đang bị tác động, từ đó có thể bắt đầu xem xét giai đoạn tiền khởi kiện của một vụ kiện CBPG. Ba dấu hiệu này là DN sản xuất trong nước hoạt động khó khăn, sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất khẩu giảm; NK hàng hóa cùng chủng loại tăng mạnh; Giá của hàng hóa NK giảm trong một thời gian nhất định.

Trao đổi thông tin về vụ kiện này, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, khi nhận hồ sơ khởi kiện của Công ty TNHH POSCO VST và Công ty CP Inox Hòa Bình, các các bộ Phòng Điều tra khá bất ngờ khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ dày đến nửa gang tay. Đây cũng chính là một kinh nghiệm cho các DN Việt về sự chuẩn bị chu đáo cho một vụ việc, bởi theo bà Phạm Châu Giang, trong vụ kiện đối với sản phẩm thép lần này, một trong những kinh nghiệm dễ nhận thấy nhất là sự chuẩn bị của các DN liên quan chưa tốt.

“Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo của DN đi kiện, đối với các DN Việt liên quan, khi cơ quan điều tra thông báo các DN đăng ký để có thể tiếp cận hồ sơ thì rất nhiều DN không quan tâm, đăng kí. Nhưng khi có quyết định áp thuế, các DN này muốn tìm hiểu tiếp cận hồ sơ, tài liệu thì đã muộn”- bà Giang cho biết.

Trong quy trình điều tra có giai đoạn cơ quan điều tra thực hiện thẩm tra đối với các DN NK tại TP.HCM và các DN NK tại Hà Nội (cộng đồng DN NK trong nước) để có cái nhìn tổng quan về mức độ tác động đối với cộng đồng DN. Tuy nhiên, theo ông Lê Sỹ Giảng, chuyên viên điều tra về CBPG, các DN phản biện rất sơ sài, không đưa ra những chứng cứ, thông tin đầy đủ để bảo vệ chính mình. Điều này khiến việc đánh giá lợi ích kinh tế-xã hội trong nước của các cơ quan thẩm tra chưa sát thực.

Thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại mà cụ thể là CBPG là một biện pháp hữu hiệu đối với bất kỳ quốc gia nào trong quá trình hội nhập. Đây là công cụ hiệu quả không chỉ của DN mà còn là của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, để sử dụng phát huy tối đa công năng của công cụ này, chính các DN cần nâng cao ý thức hợp tác với cơ quan điều tra, trong trường hợp cần thiết phải tìm đến sự tư vấn, hỗ trợ của luật sư, chuyên gia phòng vệ thương mại và đặc biệt là tự đầu tư kiến thức pháp luật trong nước và quốc tế cho mình.

Nguồn Hải quan


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới