Hủy
Kinh Doanh

Lợi thế hơn về môi trường, điện mặt trời nổi "lên ngôi"

Minh Anh Thứ Ba | 10/11/2020 16:54

Việt Nam có tiềm năng khá dồi dào diện tích nước mặt để phục vụ xây dựng điện mặt trời nổi. Ảnh: plo

Lợi thế hơn về môi trường, ít gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nên dự án điện mặt trời trên nước được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
 

►Điện mặt trời nổi là một xu hướng đang ngày càng được ưa chuộng trên thế giới vì mô hình này vừa phát triển năng lượng mặt trời, vừa đảm bảo đất cho xây dựng nhà ở và phát triển nông nghiệp.

►Đặc điểm của điện mặt trời là không yêu cầu quỹ đất rộng lớn, tăng hiệu suất phát điện, góp phần bảo vệ nguồn nước nhưng chi phí vận hành cao, chịu tác động trực tiếp của thiên nhiên, chỉ phù hợp lắp đặt với quy mô lớn.

Vì sao điện mặt trời nổi lại được ưa chuộng?

Để có thể xây dựng nhà máy điện mặt trời truyền thống với sản lượng 1GW (1GW=1.000 MW) cần diện tích mặt bằng lên tới khoảng 1.300ha (1,3 triệu m2), thì hệ thống điện mặt trời nổi lại có khả năng khai thác không gian trống của các công trình sẵn có như đập thủy điện, hồ xử lý nước thải. Việc lắp đặt pin quang điện trên nước cũng hạn chế nhu cầu chặt bỏ cây xanh và phát quang rừng.

Điện mặt trời nổi có hiệu suất phát điện cao hơn do được hơi nước làm mát. Bên cạnh đó, chi phí vận hành và bảo dưỡng (O&M) giảm. Đồng thời, khối nước bên dưới sẽ làm mát thiết bị nổi phía trên, giúp tăng 15-20% sản lượng điện khi phải liên tục hoạt động dưới nhiệt độ cao.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới kết hợp cùng Viện Nghiên cứu Năng lượng mặt trời Singapore (SERIS) cũng cho thấy các cấu trúc pin mặt trời nổi góp phần giảm 70% lượng nước bốc hơi nhờ hạn chế lưu thông không khí và ánh nắng chiếu xuống mặt nước. Đó cũng là lợi thế quan trọng, vô cùng hữu ích ở những nơi thường xuyên xảy ra hạn hán. Hơn nữa, bóng râm che phủ giúp ngăn sự phát triển của tảo nở hoa gây ô nhiễm nguồn nước ngọt, từ đó hạn chế phát sinh chi phí cải tạo. 

Tuy nhiên, nhược điểm của điện mặt trời nổi là chi phí vận hành cao, chịu tác động trực tiếp của thiên nhiên, chỉ phù hợp lắp đặt với quy mô lớn. Giá thành triển khai đắt đỏ của hệ thống điện mặt trời nổi là rào cản lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển.

Ảnh:
Các nhà đầu tư vào hệ thống điện mặt trời nổi thường triển khai dự án ở vùng nước rộng lớn, với việc lắp đặt hàng trăm đến hàng ngàn tấm pin mặt trời. Ảnh: nongnghiep

Các nhà đầu tư vào hệ thống điện mặt trời nổi thường triển khai dự án ở vùng nước rộng lớn, với việc lắp đặt hàng trăm đến hàng ngàn tấm pin mặt trời (so với hệ thống năng lượng mặt trời dân dụng thường chỉ khoảng 20 tấm pin). Do đó, việc triển khai hệ thống điện mặt trời nổi cỡ nhỏ gần như bất khả thi.

"Suất đầu tư điện mặt trời nổi cao hơn điện mặt trời trên mặt đất do phải lo thêm các chi phí sản xuất, lắp đặt hệ thống phao, neo chiếm đến khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư, doanh nghiệp điệm mặt trời chia sẻ. Tuy nhiên, do dự án dạng này ít chiếm đất, ít gặp phức tạp trong việc thu hồi đất, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân không đáng kể, giúp giảm nước bốc hơi trong hồ... nên nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tìm hiểu, khai thác".

Xu hướng của tương lai

Việt Nam sở hữu bờ biển dài, nhiều sông hồ, đặc biệt là hệ thống các hồ thủy điện đang vận hành. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc triển khai các nhà máy điện mặt trời nổi. Quan trọng hơn, việc tác động ít tới quỹ đất đồng nghĩa với giảm được chi phí giải phóng mặt bằng để lắp đặt những tấm pin mặt trời. 

Nhận thấy tiềm năng này, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghệ điện mặt trời nổi. Dự án đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng tại hồ Đa Mi (Bình Thuận) đã đi vào hoạt động từ tháng 5.2019. Với công suất 47,5 MW có tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.500 tỉ đồng, điện năng sản xuất bình quân dự kiến hơn 69 triệu kWh/năm đầu tiên.

Ành:
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghệ điện mặt trời nổi. Ành: viettel Alo

Diện tích đất sử dụng cho Dự án, gồm phần trên mặt hồ khoảng gần 57 ha (lắp đặt panel mặt trời) và phần trên mặt đất khoảng gần 67 ha (xây dựng trạm biến áp, inverter và đường dây tải điện…). Đây là dự án nguồn điện độc lập chưa có tên trong danh mục nguồn điện của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. 

Ngoài ra, còn có Dự án điện mặt trời nổi Hồ Thủy điện Buôn Kuôp, Đắc Lắc, 50MW và Hồ Thủy điện Srê pôk, Đắc Lắc, 50MW, do EVNGENCO 3 làm chủ đầu tư. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hồi giữa năm về việc bổ sung 2 dự án vào Quy hoạch Phát triển điện VII điều chỉnh,

Bộ Công Thương cho biết tỉnh Nghệ An đề xuất xây dựng dự án điện mặt trời nổi tại hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ. Tổng mức đầu tư dự kiến của 2 dự án trên 6.500 tỉ đồng. Trong đó, dự án tại hồ Vực Mấu có công suất lắp đặt là 200 MWp, dự kiến sử dụng 214 ha mặt nước; dự án tại hồ Khe Gỗ có tổng công suất 250 MWp, sử dụng dự kiến 280 ha đất mặt nước và đất bán ngập.

Báo cáo này cũng đánh giá Việt Nam có tiềm năng khá dồi dào diện tích nước mặt để phục vụ xây dựng điện mặt trời nổi. Trong đó, lưu vực sông Hồng có 900 hồ nước lớn nhỏ, 1.300 đập dâng; lưu vực sông Hương có 100 hồ chứa các loại; lưu vực sông Đồng Nai có 406 hồ chứa...

Có thể bạn quan tâm:

►Điện mặt trời: 1 vốn, 4 lời


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới