Hủy
Kinh Doanh

Nền kinh tế ngàn hoa

Nguyệt Minh Thứ Ba | 31/01/2017 12:30

 
 
Những người yêu hoa có thể mơ về một chợ hoa quốc tế ở xứ sở ngàn hoa Đà Lạt và xa hơn là một ngành công nghiệp hoa tại Việt Nam.

Khi mùa xuân về, du khách luôn tràn đầy cảm xúc khi có cơ hội ghé thăm những phiên chợ hoa nổi tiếng trên thế giới. Đó là chợ Marché Aux Fleurs (Pháp) với lịch sử hơn 200 năm, tràn ngập lan Nam Phi, hoa nhài. Chợ hoa lớn nhất châu Á Phool Mandi (Ấn Độ) đủ hương sắc các loài hoa từ khắp nơi đổ về, đầy sắc màu và hương thơm của hoa huệ, hoa cúc... Cũng có thể ghé chợ hoa Pak Khlong Talat (Thái Lan) mở suốt ngày, ngắm những con tàu hoa chở sen, hoa hồng... trên sông Chao Phraya. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là chợ hoa lớn nhất thế giới Bloemenveiling Aalsmeer ở Amstersdam. Khu chợ 105 năm lịch sử này có diện tích bằng 250 sân bóng đá, mỗi ngày có hơn 30 triệu cành hoa tươi được đấu giá và vận chuyển đi khắp thế giới.

Hương sắc của các loài hoa không chỉ tô điểm cho cuộc sống tinh thần của con người mà đã trở thành một ngành công nghiệp lớn được chú trọng phát triển. Trở về thời đầu của Thế chiến thứ I cũng là thời điểm chợ hoa Aalsmeer được hình thành. Từ một vài sạp hoa nhỏ phục vụ cho quân nhân thời chiến, ngày nay Aalsmeer đã trở thành trung tâm trung chuyển hoa tươi lớn nhất thế giới với gần 80.000 giao dịch mỗi ngày.

Hoa tươi thương mại được phân bố trong 5 phòng đấu giá hoa khổng lồ, được giữ nhiệt độ ổn định bằng hệ thống dàn lạnh trung tâm có sức chứa bằng hàng chục máy bay dân dụng. Mặc dù nằm dưới mực nước biển, nền công nghiệp hoa tươi của Hà Lan đang chiếm 52% nguồn cung toàn cầu, nếu chỉ tính riêng 10 triệu hoa tươi cắt cành xuất khẩu mỗi năm đã đem về cho xứ sở cối xay gió này gần 5 tỉ USD.

Bên cạnh sự hậu thuẫn của một hệ thống thủy lợi và tưới tiêu hiện đại nhất thế giới giúp tăng năng suất trồng hoa tươi thì chiến lược biến Hà Lan từ năm 1995 trở thành cường quốc hoa tươi số 1 nhân loại đã được chính phủ nước này đưa vào kế hoạch quốc gia. Ngoài việc đầu tư xây dựng và nâng cấp 2 sàn giao dịch đấu giá hoa lớn nhất thế giới là FloraHolland và Bloemenveiling Aalsmeer, trong suốt mấy thập niên, người Hà Lan tập trung xây dựng thương hiệu quốc hoa Tulip từ khâu hạt giống đến quá trình lai tạo, từ khoảng hơn 100 loại ban đầu lên tới hơn 3.000 mẫu hoa rực rỡ hiện đại ngày nay.

Nen kinh te ngan hoa
Kho lạnh trữ hoa tươi để đấu giá tại chợ hoa quốc tế Aalsmeer. Ảnh: Wikimedia

Tại Hà Lan, hệ thống đồng bộ từ cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp đến các dịch vụ tài chính của ngân hàng đều được thiết lập để phục vụ tối đa cho ngành công nghiệp hoa tươi với mức lãi suất cho vay ưu đãi gần bằng 0%.

Năm 2016 khép lại, ngoài vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp cây hoa vẫn thuộc về các cường quốc xuất khẩu hoa tươi như Hà Lan và Mỹ, có hai gương mặt mới nổi thuộc châu Á là Malaysia và Campuchia, đã vượt qua Ấn Độ và Trung Quốc, nằm trong  top 10 các nền kinh tế hoa tươi toàn cầu. Về phía lực cầu, ngành công nghiệp hoa tươi thế giới có quy mô 100 tỉ USD được dự báo năm 2017 sẽ bị ảnh hưởng lớn từ hiện tượng Brexit (việc Anh rời khỏi EU) khi người dân xứ sở sương mù đang tiêu thụ 10% lượng hoa tươi toàn nhân loại.

Sự vươn lên mạnh mẽ cả về chủng loại lẫn giá trị xuất khẩu hoa tươi của Malaysia và Campuchia trong năm mới sẽ tạo hy vọng cho các doanh nghiệp hoa Việt Nam trở thành “nông trường hoa mới” trên bản đồ hoa tươi toàn cầu. Năm ngoái, thị phần xuất khẩu hoa của Hà Lan đánh mất hơn 3% và một phần mức giảm này rơi vào gương mặt mới là Malaysia, một đất nước mới “tập” trồng hoa được 7-8 năm gần đây.

Chỉ trong vòng 3 năm, Malaysia đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 8 lên vị trí thứ 6 thế giới với giá trị xuất khẩu 1 tỉ USD, tức tương đương 50% giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam năm ngoái. Người Malaysia đã dùng chính phương pháp của người Hà Lan thế kỷ trước để tạo nên “điều kỳ diệu”. Khác với Việt Nam, Malaysia không tập trung vào sự đa dạng của hoa tươi vì trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp này, trong 5 năm gần đây họ chỉ tập trung trồng 3 loại hoa chính là hoa lan, hoa cúc và hoa thược dược.

Nen kinh te ngan hoa

Trong khi đó, năm ngoái, chỉ tính riêng xứ ngàn hoa Đà Lạt đang phát triển theo diện rộng với 400 loài hoa khác nhau trải rộng trên diện tích 7.800ha, mặc dù đem lại sản lượng đạt 2,5 tỉ cành, nhưng chỉ 10% số lượng này đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu mỗi năm. Cả nước Malaysia trồng hoa trên một diện tích chỉ bằng 1/8 của Đà Lạt và tập trung hơn 70% diện tích này cho hoa lan tại các tỉnh Johore Bahru, Batang Padang, Kota Tinggi, Petaling, loài hoa có giá trị thương mại hơn 500 triệu USD mỗi năm. Mặt khác, một chiến lược phát triển ngành công nghiệp hoa của Malaysia theo hướng nâng cao giá trị và tạo vùng sinh thái hoa bền vững chính là hàm lượng thuốc dùng trong sản xuất hoa.

Vượt qua những cường quốc có truyền thống hoa tươi lâu đời như Bỉ, Pháp, Ý, Canada, việc chiếm 1,2% thị phần hoa xuất khẩu toàn cầu của Malaysia đã minh chứng cho chiến lược phát triển bền vững. Malaysia phát triển hệ thống nhà kính tối tân và giảm lượng thuốc hóa học xuống mức thấp hơn chuẩn yêu cầu của các thị trường tiêu thụ hoa chính là Nhật, Trung Quốc và Anh. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, nhìn nhận, việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng trong sản xuất hoa rất phổ biến tại Việt Nam. Thực trạng này khiến cho hoa Việt Nam tuy đẹp và đa dạng nhưng người yêu hoa ít dám “ngửi”.

Rõ ràng, Việt Nam có nhiều tiềm năng trồng hoa, nhưng hoa chưa được coi là mặt hàng chủ lực để xuất khẩu. Để tăng cường xuất khẩu hoa, quy mô chính là một vấn đề lớn. Lâu nay, ngành hoa tươi của Việt Nam xuất khẩu khá manh mún, đồng nghĩa với việc vẫn là hình thức bán lẻ.

Mới đây, trong một giải pháp mới nhằm đưa các doanh nghiệp hoa tươi nội địa lấy lại vị thế trên thị trường quốc tế đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA) thống nhất. Theo đó, JICA trong năm mới sẽ đầu tư tổng kinh phí 164 tỉ đồng để thiết lập xây dựng chợ hoa đầu mối tại Đà Lạt theo mô hình chợ hoa OTA của Nhật.

Từ dự án này, năm 2017 mở ra hy vọng về việc bán buôn hoa tươi trên quy mô lớn, nhằm từng bước nâng cao giá trị mỗi bông hoa bán ra khi những thương nhân nước ngoài có thể giao dịch hoa Việt Nam ngay tại nguồn trồng và vận chuyển thẳng tới thị trường tiêu thụ, không cần thông qua khâu trung gian. Hy vọng của mùa xuân cũng giúp những người trồng hoa Đà Lạt có một giấc mơ đẹp về một khu chợ hoa quốc tế tại Việt Nam.

Nguyệt Minh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới