Hủy
Kinh Doanh

Ngày thứ 3 xét xử vụ Dương Chí Dũng: Luật sư tiếp tục tranh tụng

Thứ Bảy | 14/12/2013 18:59

Sáng nay (14/12), ngày thứ 3 xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm, các luật sư tiếp tục trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo.
 

Trong phần tranh tụng, Hội đồng xét xử đã phải nhiều lần nhắc các luật sư nói ngắn gọn, đi vào trọng tâm, trọng điểm, không nhắc lại các quan điểm bào chữa đã được trình bày trước đó.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc đã bảy tỏ sự đồng tình đối với phần bào chữa của 3 luật sư bào chữa bị cáo Dũng.

Theo luật sư Thiệp, vào thời điểm đó ông Phúc nhận chức mới được 2 tháng, do sức ép thúc đẩy tiến độ, khi xem các tờ trình đều thấy có đầy đủ chữ ký các phòng chuyên môn đã đồng ý và đề nghị Tổng giám đốc ký, ông Phúc đã tin vào các phòng chuyên môn nên đã ký tờ trình phê duyệt triển khai dự án.

Về tội Tham ô mà ông Phúc bị cáo buộc, luật sư Thiệp cũng cho rằng, chưa đủ căn cứ buộc ông Phúc tội Tham ô và đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại.

Bị cáo Mai Văn Phúc (đứng)

Luật sư Trần Đình Hưng, bào chữa cho Trần Hải Sơn cho rằng trong cáo trạng không nêu thân chủ ông trong vụ án cố ý làm trái mà vẫn truy tố. Luật sư Hưng đặt hàng loạt câu hỏi: đầu tư sai, đấu thầu sai, mua ụ nổi sai, khảo sát sai, vậy ông Sơn nằm trong giai đoạn nào? Không phủ nhận có việc 1,666 triệu USD chuyển về tài khoản của em gái Sơn là có thật nhưng tài sản đó thuộc về ai?

Vì sao ông Goh lại chia tiền cho Sơn? Tại sao Sơn lại không chia cho ai mà lại chia cho anh Dũng, anh Phúc?

Điều gây bất ngờ là “lập luận” của luật sư Hưng khi cho rằng: ông Goh biết nếu dự án này thành công, dự án nâng cấp lên, chính Giám đốc Sơn sẽ phát triển Nhà máy này, nên đó có thể là khoản tiền nuôi dưỡng, quyền lợi sẽ gắn liền với TGĐ và chủ tịch HĐQT nên đã nghĩ đến việc chia cho ông Dũng, Phúc.

Theo ông Hưng, thân chủ ông có nhiều tình tiết giảm nhẹ, khai báo thành khẩn, vận động vợ nộp 2 tỷ đồng, em gái nộp lại 2 tỷ đồng để khắc phục. Bố bị cáo hoạt động cách mạng, thưởng huân huy chương.

Luật sư Nguyễn Đình Khoẻ, bào chữa cho Trần Hữu Chiều cho biết Chiều là người cấp dưới thực hiện chỉ đạo của cấp trên đó. Thân chủ ông chỉ làm trái ở hành vi phải thực hiện lệnh cấp trên, điều này không oan. Vai trò của thân chủ là thứ yếu. Việc mua ụ nổi là do giao kết giữa hai bên.

Ông Chiều biết mọi việc mua bán ụ nổi, tuy nhiên không hề biết số tiền 1,66 triệu USD. Việc nhận, chia tiền đều do Trần Hải Sơn thực hiện. Số tiền 340 triệu được chia này, Chiều không hề biết nằm trong gói 1,66 triệu USD do Công ty AP chuyển về.

Luật sư Hà Thị Thúy Quỳnh, Luật sư Trần Hồng Phúc, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, bào chữa cho 3 bị cáo là công chức hải quan cũng đặt nhiều câu hỏi: các bị cáo truy tố tội Cố ý làm trái trong lĩnh vực hải quan, làm trái các văn bản pháp luật. Vậy văn bản pháp luật nào của hải quan? và có vi phạm không?

Các luật sư phân tích các văn bản liên quan tới Luật Hải quan, văn bản hướng dẫn… để biện hộ cho 3 bị cáo đã làm đúng quy trình, chức năng. Các luật sư cũng trình Tòa văn bản của Bộ Giao thông vận tải xác nhận ụ nổi không phải là tàu biển, mà là xưởng sửa chữa tàu biển, để chứng minh cho thân chủ của mình đã làm đủ thủ tục trong thông quan ụ nổi, chứ không phải Cố ý làm trái.

Nguồn Vietstock


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới