Hủy
Kinh Doanh

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặt kỳ vọng vào thị trường Myanmar

Thứ Tư | 24/04/2013 20:58

Hiện, Myanmar đang nổi lên là một trong những điểm đến đầu tư cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á.
 

Phải tới ngày 3/6/2013, theo như thông báo mới đây của Chính phủ Myanmar, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) mới hết hạn nộp hồ sơ đấu thầu giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông tại quốc gia này, tuy nhiênông Nguyễn Duy Thọ, Tổng giám đốc Viettel Global (Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel), tỏ ra khá tự tin với tiềm lực và khả năng cạnh tranh của Viettel.

Để vào thị trường viễn thông Myanmar, Viettel sẽ phải cạnh tranh với 11 đối thủ khác, trong đó có liên minh hai nhà mạng lớn nhất thế giới là China Mobile và Vodafone Group; Singapore Telecommunications; rồi MTN Dubai… Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 27/6 tới, song Viettel cũng đã đặt quyết tâm và kỳ vọng rất lớn vào thị trường Myanmar.

Trong khi đó, thông tin được ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Land công bố mới đây cho thấy, dự kiến đầu tháng 6 tới, Hoàng Anh Gia Lai sẽ khởi công xây dựng dự án Xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thương mại và Khách sạn, vốn đầu tư 300 triệu USD, tại Myanmar.

Còn FPT, theo kế hoạch, cũng sẽ mở văn phòng đại diện tại Myanmar vào tháng 6 tới, sau đó sẽ thành lập công ty. "Myanmar chính là thị trường ở bên ngoài trọng tâm của FPT trong thời gian tới", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc FPT chia sẻ.

Không chỉ Viettel, FPT hay Hoàng Anh Gia Lai, mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, như Simco Sông Đà, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí, C.T Group…, thời gian gần đây, nhất là sau khi Myanmar "mở cửa", đã bày tỏ sự quan tâm rất lớn đối với thị trường này.

Chỉ tính từ năm 2011 tới nay, Myanmar đã thu hút thêm được gần 6 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào 55 dự án mới. Myanmar đang nổi lên như là một trong những điểm đến đầu tư khá cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng được cho là thị trường có nhiều tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam khai phá, không chỉ trong thương mại, mà còn là đầu tư.

Số liệu thống kê được ông Trần Bắc Bà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM), công bố mới đây cho thấy, đến thời điểm này, đã có 11 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar, trong đó có 4 dự án đang triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 460 triệu USD. Xu hướng này sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và AVIM dự báo, ngay trong năm 2013 này, mức đầu tư của Việt Nam sang sẽ Myanmar đạt trên 500 triệu USD và đến năm 2015 đạt tối thiểu 1 tỷ USD.

"Rất nhiều chính sách đầu tư mới đã được Chính phủ Myanmar ban hành trong thời gian gần đây, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường", ông Chu Công Phùng, người vừa kết thúc nhiệm kỳ 4 năm làm Đại sứ tại Myanmar cho biết.

Trước đây, Myanmar giới hạn đầu tư nước ngoài, nhưng nay đã mở rộng ra mọi lĩnh vực, chỉ trừ một vài lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng. Thời hạn thuê đất của nhà đầu tư nước ngoài cũng đã nâng từ 30 năm trước đây lên 50 năm; thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 3 lên 5 năm… Myanmar không khống chế tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp nước ngoài, cũng đã cho phép cả ngân hàng tư nhân "giúp" nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận sau thuế ra khỏi quốc gia này…

Theo người có nhiều năm kinh nghiệm đối với thị trường này, thì nông nghiệp, thủy sản, dầu khí, cơ khí, điện tử, dược phẩm, dệt may, giày dép, đồ nhựa, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng... là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar có nhiều tiềm năng để hợp tác đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạc quan cho rằng, bất cứ lĩnh vực kinh tế nào của Myanmar cũng hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp nước ngoài.

Nguồn Đầu tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới