Hủy
Kinh Doanh

Nợ công đang tăng nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế

Thứ Hai | 21/04/2014 07:20

 
 
“Nợ công của chúng ta hiện so với khả năng trả nợ đang ngấp nghé mốc nguy hiểm", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nói.

Thưa ông, chúng ta khẳng định nợ công đang an toàn. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng nợ công của chúng ta đang ở ngưỡng báo động. Báo cáo kết quả kiểm toán Nhà nước tại phiên họp sáng 17/4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho thấy số liệu nợ công chưa chính xác. Vậy theo ông thực tế nợ công của chúng ta có đang ở ngưỡng an toàn không?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Con số nợ công an toàn hoặc không an toàn theo tôi không cố định mà quan trọng là thực lực của nền kinh tế. Con số thực ra chỉ là tự quy ước với nhau để điều hành nền kinh tế. Có quốc gia vay 100% nhưng không đổ vỡ trong khi có quốc gia chỉ vay 30% lại đổ vỡ.

Ở đây không phải người ta giấu diếm con số mà chẳng qua người ta quan niệm thế nào cộng như thế, cộng theo quan niệm này, kia nên chênh lệch nhau. Quan trọng là con số chênh lệch đó có làm sai bản chất của nợ công hay không? Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước, con số tổng hợp thiếu là 1.292,4 tỷ đồng, mới chưa bằng 1% nợ công là 1.642.916 tỷ đồng. Vậy là sai số một phần nghìn.

Một lần nữa tôi khẳng định con số không quan trọng. Điều đáng quan tâm là vốn đóng góp vào dự án và hoàn trả như thế nào? Tính lan toả ra làm sao? Xem xét nợ phát sinh ở đâu? Tốc độ nợ có phục vụ cho phát triển kinh tế hay lại tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế? Đấy mới là những con số cần phải nghiên cứu sâu.

Tuy vậy, thực tế nợ công của chúng ta cũng đang rất đáng lưu ý vì tốc độ nợ công đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đây mới là điều đáng lo ngại.

Thủ tướng vừa phê duyệt Quyết định số 447/QĐ-CP ngày 10/4 về kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ trong năm 2014. Trong đó kế hoạch trả nợ là 208.833 tỷ đồng. Kế hoạch vay, gồm vay trong nước: 367.000 tỷ đồng (để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước là 197.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu cho đầu tư 100.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng). Kế hoạch rút vốn vay nước ngoài là 4.520 triệu USD tương đương 95.800 tỷ đồng.

Ông nhận định như thế nào về tỷ lệ giữa vay và trả nợ công trong năm nay?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Tốc độ vay nước ngoài của chúng ta trong khoảng từ 2007 trở lại đây rất lớn. Còn về vấn đề vay trong nước chúng ta cần phải nhìn lại: Hiện nay vay trong nước thời hạn rất ngắn nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ, trong khi vay nước ngoài thì thời hạn lại kéo dài, lãi suất thấp.

Theo Quyết định trên, chúng ta vay để đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng, bù đắp bội chi ngân sách nhà nước 197.000 tỷ đồng…là điều đáng lo ngại. Chúng ta đang đi vay mới để trả nợ cũ, để đảo nợ…Nó đã vượt qua quy định của chúng ta là vay chỉ để phục vụ đầu tư. Ở đây, vay để đầu tư chỉ có 100.000 tỷ đồng.

So sánh con số phải trả nợ và vay mới, chúng ta cũng nhận thấy rằng nền kinh tế của chúng ta đã không làm ra đủ để trả nợ, dẫn tới nợ cũ cộng thêm nợ mới. Cứ tình hình này kéo dài sẽ rất khó khăn và nguy hiểm.

Tiền trả nợ của chúng ta phải dưới 25% tổng thu ngân sách thì mới đạt được độ bền vững. Tuy nhiên, trả nợ của Chính phủ năm nay là 208.833 tỷ đồng, trong khi tổng thu của chúng ta năm nay được duyệt theo dự toán chỉ khoảng hơn 780.000 tỷ đồng, đây đúng là con số đáng báo động.

Đối với Việt Nam, gánh nặng nợ công khó có thể giải quyết trong ngắn hạn do nguồn lực còn phụ thuộc vào kinh tế nhà nước. Trong dài hạn, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, cải cách mạnh trong đầu tư công và DNNN là vấn đề then chốt, trong đó, cổ phần hoá DNNN được Chính phủ nhắm đến như một giải pháp giảm gánh nặng nợ công. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Đã gọi là nợ của Chính phủ thì không thể trả nợ trong ngắn hạn mà phải có kế hoạch dài hạn để trả nợ. Chẳng hạn bây giờ nợ công đang 55,7% mà bảo giảm xuống dưới 50% trong vòng hai-ba năm là không thể trong quản lý vĩ mô. Vì vậy, việc cổ phần hoá DNNN để xử lý nợ công chưa hẳn chính xác bởi DNNN cũng chỉ là một trong những lĩnh vực tiêu tốn nhiều nợ công thông qua nợ của DNNN mà Chính phủ bảo lãnh. Để trả nợ công cần phải có kế hoạch dài hạn gắn với phát triển kinh tế.

Dù vậy, tái cơ cấu DNNN là một trong những biện pháp để tái cơ cấu lại nền kinh tế, và khi tái cơ cấu nền kinh tế sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và khi đó khả năng trả nợ công cũng tốt lên rất nhiều.

Hiện nếu tính cả nợ tiềm ẩn của DNNN thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam có thể trên 100% GDP, vượt xa so với ngưỡng 65% GDP được đặt ra trong chiến lược phát triển tài chính đến 2020. Theo ông điều này có đáng lo ngại?

Nguyễn Đức Kiên: Nợ công cộng với nợ tiềm ẩn của DNNN và nợ do Chính phủ bảo lãnh có trách nhiệm phải trả hiện đang dao động khoảng 100% GDP. Tuy nhiên, ở đây có những khoản nợ mà DNNN sau một thời gian sẽ xử lý được (Ví như đầu tư vào điện, doanh nghiệp sẽ có doanh thu do bán điện). Nhưng có những khoản nợ công giao cho cơ quan quản lý khai thác sử dụng mà chúng ta lại còn mất thêm tiền bảo trì (như đầu tư vào đường xá, cầu cống…)…Chính vì vậy, chúng ta cần phải phân biệt tính chất của các loại nợ công. Quan trọng vẫn là hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn này như thế nào.

Chúng ta phải thấy rằng, nợ công của chúng ta hiện nay so với khả năng trả nợ của nền kinh tế đang ngấp nghé mức nguy hiểm. Tức là số tiền phải trả nợ trong một – hai năm nay và trong vài năm tới nếu không quản lý chặt so với tổng thu ngân sách có thể sẽ vượt ngưỡng an toàn. Đây là bài toán rất khó, là điều đáng lo ngại.

Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao. Ông có thể cho biết các giải pháp để kiềm chế mức độ gia tăng các khoản nợ công? Quá trình góp ý xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công có vai trò quan trọng như thế nào trong sử dụng nguồn vốn này?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Việc đầu tiên tôi cho rằng cần phải minh bạch trong nợ công, công khai trong cách tính nợ công, rạch ròi trong ngân sách… Nếu không sẽ tạo ra sự không đồng thuận trong xã hội cũng như việc sẽ gây cho chúng ta những định hướng trên nền thông tin không chính xác.

Thêm vào đó, cần đổi mới bộ máy nhà nước, đổi mới phương thức điều hành nền kinh tế quốc gia của Chính phủ. Nghĩa là Chính phủ phải chuyển đổi từ sản xuất của nền kinh tế kế hoạch hoá sang Chính phủ quản lý trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu chúng ta chuyển sang Chính phủ quản lý sẽ tiết kiệm được rất nhiều, nghĩa là tác động vào nền kinh tế thị trường bằng định hướng của người quản lý, điều tiết bằng thuế, bằng các chính sách kinh tế vĩ mô… Những lĩnh vực các thành phần kinh tế khác làm được thì tuyệt đối Nhà nước không được đầu tư.

Hay như một số quan điểm đã từng cho rằng, chúng ta cần có một cuộc “đại phẫu” về ngân sách Nhà nước. Cụ thể, chúng ta có thể cắt giảm chi tiêu thường xuyên, tinh giản bộ máy quản lý Nhà nước…Tại sao nước Mỹ chỉ có 13 bộ mà chúng ta lại có những hơn 20 bộ? Đây chính là những điều chúng ta phải dần dần hướng tới. Khi chúng ta cải cách bộ máy nhà nước theo hướng đó thì chúng ta sẽ bớt đi rất nhiều cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước, các sở ban ngành địa phương cũng không phải lao vào sản xuất thời vụ…

Về dự thảo Luật Đầu tư công, hiện Bộ KH & Đầu tư đang lấy ý kiến các Bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố, Tập đoàn kinh tế Nhà nước…Theo dự kiến, trước ngày 15/8 các ý kiến gửi về sẽ được cơ quan soạn thảo tổng hợp trên cơ sở đó từng bước hoàn thiện Luật.

Luật đi vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý sử dụng vốn Nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư, đồng thời sẽ chống thất thoát, lãng phí, dàn trải và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt dộng đầu tư sử dụng vốn Nhà nước.

Nguồn Tổ Quốc


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới