Hủy
Kinh Doanh

Sacombank 9 tháng: Lợi nhuận tăng, nợ xấu giảm

Bá Ước Thứ Ba | 23/10/2018 09:32

Trung tâm mọi sự chú ý của Sài Gòn Thương Tín hiện nay vẫn là tiến trình xử lý nợ xấu của ngân hàng này.
 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HoSE: STB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 với những thông tin khá tích cực.

Kết quả, 3 quý đầu năm Sacombank báo lãi trước thuế đạt 1.315 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III, lợi nhuận trước thuế của nhà băng đạt 318 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ, do trích lập chi phí dự phòng rủi ro tăng thêm 525,3 tỉ đồng lên mức 664 tỉ đồng.

Sacombank 9 thang: Loi nhuan tang, no xau giam
 

Đi sâu vào phân tích khả năng sinh lời của STB, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng đầu năm 2018 của ngân hàng tăng 99,3% lên gần 2.500 tỉ đồng so với mức 1.250 tỉ đồng trong năm 2017.

Cũng cần lưu ý rằng, hiện tỷ lệ cho vay trên huy đông (LDR) của STB hiện chưa tới 70%, trong khi mức bình thường của một ngân hàng khỏe mạnh là ít nhất phải 80%. Nguyên do chủ yếu là STB đang bị gánh nặng nợ xấu và tỷ lệ này sẽ tăng lên cùng với tiến độ xử lý nợ xấu của STB.

 
 

Trung tâm mọi sự chú ý của STB hiện nay vẫn là tiến trình xử lý nợ xấu của nhà băng này.  Hiện tại, hai gánh nặng lớn nhất của STB là khoản số dư trái phiếu do VAMC (mua nợ xấu), 38.876 tỉ đồng trái phiếu VAMC và 23.958 tỉ đồng lãi dự thu... Cách để xử lý chúng một là bán tài sản đảm báo để tất toán nợ xấu, hai là phải dùng lợi nhuận hằng năm để bù vào

Vào thời điểm đầu năm, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này là 10,4 nghìn tỉ đồng và tỉ lệ nợ xấu là 4,67%. Khi đó, chủ tịch của ngân hàng này là ông Dương Công Minh đã tuyên bố đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% trong năm 2018.  

Và tính tới thời điểm cuối quý III/2019, nợ xấu (NPL) của STB đang có xu hướng giảm mạnh từ 5,95% tại 30.9.2017 xuống chỉ còn 3,18% ở thời điểm hiện tại. Sự suy giảm trong tỷ lệ NPL một phần nhỏ đến từ tăng trưởng tín dụng 4 quý vừa qua (khoảng 20%) nhưng nhìn chung dư nợ của 4 nhóm quá hạn đều có sự suy giảm rất tích cực.

Sacombank 9 thang: Loi nhuan tang, no xau giam
 
 

Trở ngại lớn nhất lúc này đối với STB có lẽ vẫn là khoản lãi dự thu hơn 23,9 nghìn tỷ nằm trong tài sản có khác, phần lớn phát sinh từ sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam và cần có thêm thời gian để lợi nhuận hấp thụ.

Lãi dự thu được giới trong ngành hiểu là dòng tiền không có thật nhưng vẫn được ghi nhận vào thu nhập của ngân hàng. Khi đó, lợi nhuận từ các khoản này ngân hàng chưa được thu về nhưng vẫn phải thực hiện nộp thuế cho phần thu nhập đó và được sử dụng để chia cổ tức.

Đầu tháng 9 vừa qua, Sacombank cũng đã thông báo về việc bán đầu giá 4 khu bất động sản giá trị trên 20.000 tỉ đồng, những tài sản này đều có liên quan đến lượng trái phiếu mà STB đã bán cho VAMC. Và nếu thanh lý được khối tài sản kia thì STB sẽ giảm đáng kể áp lực dự phòng và có tiền để gia tăng hoạt động tín dụng.

→Kỳ vọng cho Sacombank sau khi bán 4 dự án khủng

Ông Nguyễn Nhật Khánh, chuyên gia ngân hàng của Công ty Cổ phần Biên An Toàn, một công ty tư vấn và quản lý tài sản, nhận định rằng: “Mặc dù lợi nhuận chưa tăng trưởng thật sự tích cực như các ngân hàng khác nhưng xu hướng giải quyết nợ xấu quyết liệt mạnh mẽ như hiện nay chính là nhân tố quyết định cho chuyển mình của Sacombank, với xu thế suy giảm nợ xấu như trên, quý IV được dự báo là nợ xấu sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh mẽ”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới