Hủy
Kinh Doanh

Sàn giao dịch cộng đồng: Kênh vốn mới cho startup

Hải Vân Thứ Tư | 15/08/2018 17:01

lamgiau247.com

Doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang chờ Nhà nước cho phép thử nghiệm gọi vốn cộng đồng dựa trên cổ phần.
 

Đến nay, ở Việt Nam phong trào khởi nghiệp vẫn nhiều khó khăn do hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh, thiếu một thành phần quan trọng là nền tảng gọi vốn cộng đồng đầu tư cho startup.

Cung và cầu phải gặp nhau

Chính phủ đã ban hành Nghị định 38 về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Chủ tịch Công ty Cổ phần Kiến trợ tạo thành công & hạnh phúc, ông Hồ Nghĩa Thứ, tại Hội thảo Đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hôm 14.8, tin rằng Nghị định này sẽ tạo ra tác động lớn.

“Cửa đã mở rộng hơn, nhưng chưa phải mở toan”, ông Thứ nói. Theo ông, việc hoàn thiện hành lang pháp lý mới chỉ là điều kiện cần, chưa đủ để startup có thể phát triển được trong bối cảnh Việt Nam chưa có một nền tảng gọi vốn cộng đồng cho startup.

“Cung và cầu phải được gặp nhau”, ông Thứ cho đó là “điều quan trong nhất”, bởi thiếu sợi dây kết nối đang là lý do chính khiến nhiều nhà đầu tư chưa dám bỏ tiền vào start-up.

Bộ Khoa học Công nghệ đã đề xuất Chính phủ cho phép thử nghiệm mô hình gọi vốn cộng đồng dựa trên cổ phần, nhằm kêu gọi được nhiều vốn hơn cho cộng đồng startup. Chủ tịch Công ty Kiến trợ tạo thành công & hạnh phúc “hy vọng đề nghị này sớm được thông qua”.

Vẫn chờ Nhà nước chia sẻ rủi ro

Ở Việt Nam, đến hết năm 2017, có khoảng 40 quỹ đầu tư hoạt động, đa phần là quỹ của nước ngoài, như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, DJF-Vina Capital, 500 Start-up… Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế có thể nói hiệu qủa hoạt động của các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp còn rất hạn chế.

Nhiều nhóm khởi nghiệp gọi vốn thành công nhưng do nguồn vốn chủ yếu từ các quỹ đầu tư nước ngoài nên khi thành lập doanh nghiệp lại phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài như Singarore, Malaysia, Thailand, Hongkong….

Một thất bại khác, Bộ khoa học và Công nghệ, năm 2014, đã hỗ trợ thành lập Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN, một dạng quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Tuy nhiên, do thủ tục thành lập và cấp phép hoạt động cho Quỹ có quá nhiều trở ngại, trong khi hành lang pháp lý cho Quỹ cũng chưa được tạo thuận lợi. Do đó, Quỹ này chỉ có thể hoạt động như một quỹ tài chính thông thường mà không thực sự là đầu tư mạo hiểm.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Hiện nay, số lượng start-up ngày một gia tăng tại Việt Nam, rất cần vốn để phát triển các ý tưởng kinh doanh. “Việt Nam đang thiếu một nền tảng gọi vốn cộng đồng đầu tư cho start-up”,  Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Cục phát triển thị trường thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, bà Phan Hoàng Lan, nói với NCĐT.

Theo bà Lan, đang có nhiều thành phần trong hệ sinh thái có thể đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, từ các quỹ đầu tư thiên thần, những “ông lớn” có vài chục tỷ đô la, đến những nhà đầu tư nhỏ với số vốn chỉ vài trăm đô la.

Bà Lan, một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2018) do Forbes Việt Nam vinh danh, nói rằng Nghị định 38 đã được ban hành nhưng “các nhà đầu tư sẽ không bỏ vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu Nhà nước không chia sẻ rủi ro”.

Tại các hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới, đầu tư cho starup đang tăng lên từ chính các start-up đã trưởng thành. Các startup này sau khi thoái được vốn, có nhiều tiền và kinh nghiệm, đã trở lại đầu tư cho các startup thế hệ tiếp theo.

Thế nhưng, ở Việt Nam, số lượng các starup thành công không nhiều, ít doanh nghiệp thoái vốn được và càng ít hơn doanh nghiệp có khả năng trở lại đầu tư. Các start-up Việt cần thêm thời gian để tạo dựng kinh nghiệm, xây dựng văn hóa, chỉ khi đó nguồn đầu tư mới có thể tăng lên.

Với mô hình gọi vốn cộng đồng dựa trên cổ phần, bà Lan tin rằng, những nhà đầu tư nhỏ vẫn có thể đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp bằng những nguồn vốn nhỏ. Một nhà đầu tư nhỏ có thể chỉ đầu tư 100 USD, nhưng với 100 nhà đầu tư sẽ tạo ra 10.000 USD.

Theo quan sát của bà Lan, các nhà đầu tư “cảm thấy khá phấn khích” muốn tham gia sàn giao dịch trên nền tảng cung cấp thông tin minh bạch, đánh giá được tiềm năng của doanh nghiệp khởi nghiệp. Một điểm được bà Lan lưu ý: “Nhà nước phải điều hòa được các bên và quản lý được rủi ro”. Điều này, bà Lan nói là “không dễ” bởi vì, sự dễ dàng sẽ tạo ra rủi ro cho các nhà đầu tư, nhưng nếu quá chặt, sẽ không nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền.

Trên thực tế, việc gọi vốn cộng đồng dựa trên cộng đồng còn rất mới. Trong khu vực ASEAN mới chỉ có Malaysia có sàn giao dịch cộng đồng. Singapore cũng chỉ mới có sàn giao dịch này từ năm 2017. 

Đến nay, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể cho startup phát triển vốn trong khi pháp lý nền tảng gọi vốn cộng đồng khá phức tạp. Nếu đưa sàn đi vào hoạt động quá sớm, nhiều giao dịch có thể bị sai. Điều này, bà Lan cho rằng “không chỉ làm thất thoát vốn mà còn gây mất lòng tin”.

Sự cẩn trọng trong triển khai chính sách là cần thiết, nhất là khi xã hội hiểu chưa đầy đủ về khởi nghiệp và Nhà nước còn làm quá ít cho việc hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Dù vậy, bà Lan vẫn mong Nhà nước sớm công nhận nền tảng gọi vốn cộng đồng cho các startup bởi điều này sẽ khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư cho start-up.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới