Hủy
Kinh Doanh

Vì sao doanh nghiệp "lãng quên" thị trường nợ?

Thứ Tư | 18/11/2015 08:30

Đối với các ngân hàng, lợi nhuận từ hoạt động tự doanh trên thị trường nợ, mua đi bán lại trái phiếu, tín phiếu đóng góp vào khoảng 7-10% tổng lợi nhuận.
 

Tham gia chưa đến 5% trên thị trường nợ, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức phi tài chính gần như “lãng quên” kênh đầu tư trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc, dù cánh cửa đã mở rộng kể từ Luật Chứng khoán năm 2006.

Tín phiếu được xếp loại zero coupon, tức là công cụ chiết khấu điển hình mà không có lãi suất cuống phiếu như trái phiếu chính phủ. Nhà đầu tư nhận được đủ mệnh giá tín phiếu vào ngày đáo hạn. Lần đầu vào năm 2012, tín phiếu kho bạc nhà nước, do Bộ Tài chính phát hành, được đấu thầu sơ cấp và giao dịch thứ cấp tập trung trên hệ thống điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Sau 3 năm, thanh khoản của thị trường tín phiếu đã cải thiện rõ rệt. Theo Nghị định 01/2011, tín phiếu kho bạc cũng là một dạng trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 13 tuần, 26 tuần, 52 tuần và đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam, với sứ mệnh là công cụ để Chính phủ huy động vốn cho ngân sách.

Hiện tại, các định chế tài chính là đối tượng hấp thụ chủ yếu trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc trên thị trường nợ. Nhóm doanh nghiệp phi tài chính đến từ khu vực sản xuất, dịch vụ có tiềm lực dồi dào vẫn chưa tích cực đầu tư vào thị trường nợ cho dù cơ sở pháp lý đã sẵn sàng. Mặc dù họ hoàn toàn có thể tiếp cận mua bán trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc và biến chúng trở thành công cụ đầu tư an toàn và có tính thanh khoản tốt.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị trái phiếu chính phủ được phát hành thành công trên thị trường sơ cấp chỉ đạt 51% kế hoạch phát hành cả năm. Trong cùng khoảng thời gian đó, dòng tiền của các ngân hàng thương mại lại đổ dồn về “gương mặt mới” là tín phiếu kho bạc nhà nước, nhiều hơn gấp 5,5 lần so với trái phiếu phát hành trên sơ cấp, tương ứng 689.000 tỉ đồng. Xét về giá trị giao dịch tự doanh trên thị trường nợ, các ngân hàng thương mại chiếm trên 75% tổng giá trị, tiếp theo là các công ty chứng khoán với 20% giá trị về môi giới và 5% về tự doanh.

Lâu nay, khối doanh nghiệp phi tài chính vẫn thiếu thông tin và đang nghĩ sân chơi đầu tư thị trường nợ (tín phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ) chỉ độc quyền cho các định chế tài chính. Khi khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp Việt trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và xuất khẩu, hầu hết lãnh đạo phòng nguồn vốn cho rằng dòng vốn đầu tư trái phiếu chính phủ sẽ “nằm chết” trong thời gian dài từ 1-5 năm hoặc lâu hơn.

Thực tế, nguồn hàng trên thị trường nợ có kỳ hạn rất phong phú, có cả kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng giống như sổ tiết kiệm. Cụ thể, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn một năm đang dao động từ 4,95-5,05%/năm, tín phiếu kho bạc kỳ hạn một tháng đang giao dịch quanh mức 4,9%/năm.

Thực tế, đối với các ngân hàng, lợi nhuận từ hoạt động tự doanh trên thị trường nợ, mua đi bán lại trái phiếu, tín phiếu đóng góp vào khoảng 7-10% tổng lợi nhuận. Theo chia sẻ của một giám đốc chi nhánh ngân hàng thuộc tốp 3 tại TP.HCM, số lượng các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ lớn có số dư tiền gửi không kỳ hạn trung bình trên 20 tỉ đồng, mà chi nhánh này quản lý, lên đến con số hơn 30 doanh nghiệp. Hầu hết giám đốc tài chính của các doanh nghiệp này chỉ gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn từ 1-2 tháng hoặc không kỳ hạn. Thông thường, khi cần vốn kinh doanh, doanh nghiệp sẽ rút tiền ra hoặc thế chấp tài sản để vay với thời gian chờ đợi khoảng 5 ngày làm việc.

Suốt một thời gian dài, khi thị trường bất động sản đóng băng và chứng khoán trầm lắng, dòng tiền nhàn rỗi lại “ngủ đông” tại các tài khoản tiết kiệm kỳ hạn ngắn hoặc không kỳ hạn. Dòng tiền này cũng chạy lòng vòng trước mỗi cơn sóng M&A ngân hàng hoặc tin đồn kiểm soát đặc biệt ngân hàng. Từ lâu, nhà đầu tư nội có thói quen xem trọng vài điểm phần trăm lãi suất hơn là hạn mức tín nhiệm của một tổ chức. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ phân tích rủi ro, trái phiếu chính phủ hoặc tín phiếu kho bạc luôn xếp vào nhóm tài sản có tỉ lệ an toàn vốn cao nhất dựa trên uy tín của tổ chức phát hành là chính phủ một quốc gia.

Không chỉ hỗ trợ tổ chức tài chính, 2 khối tổ chức được khảo sát gồm ngân hàng lớn (Sacombank, Techcombank, VIB, Hàng Hải) và công ty chứng khoán (VCBS, Bản Việt, Bảo Việt) đều có sẵn cơ chế phối hợp chéo để tư vấn miễn phí dịch vụ môi giới đấu thầu tín phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đại diện Công ty Chứng khoán HSC cho biết: “Luật quy định rằng tài khoản giao dịch chứng khoán tức là tài khoản mà nhà đầu tư có thể tiến hành giao dịch cả 2 mặt hàng: cổ phiếu và trái phiếu”. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân hoặc doanh nghiệp ít sử dụng công năng của tài khoản chứng khoán để đăng ký giao dịch trái phiếu chính phủ hay tín phiếu kho bạc.

Trước mắt, trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc vẫn là giải pháp quan trọng giúp huy động vốn cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển. Xét về quy mô giao dịch, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thống kê trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ là 127.473 tỉ đồng. Trong khi đó, khối lượng thanh toán gốc và lãi trái phiếu chính phủ trong năm nay lên đến 160.684 tỉ đồng.

Nhẩm tính cũng dễ dàng nhận định thấy khối lượng vốn huy động mới từ phát hành trái phiếu chính phủ không đủ để thanh toán và trả nợ gốc, lãi trái phiếu chính phủ đến hạn, chứ chưa nói đến nhiệm vụ đầu tư phát triển. Xoay ngược góc nhìn từ thực trạng này, nhà đầu tư sẽ thấy cơ hội lớn. Dưới áp lực trần nợ công và bội chi ngân sách, Chính phủ nhất định phối hợp triệt để và linh hoạt giữa các chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm ổn định, kiểm soát vĩ mô và lạm phát.

Nói cách khác, nguồn cung hàng là trái phiếu chính phủ và tín phiếu sẽ tiếp tục dồi dào trong năm tới và có những tín hiệu vĩ mô hỗ trợ tốt. Với tỉ lệ nợ công lên tới 60% GDP thì yêu cầu kiểm soát lãi suất và duy trì ổn định tỉ giá là tiên quyết với cơ quan quản lý.

Mặt khác, mua trái phiếu hoặc tín phiếu là khoản đầu tư giá trị có tính thanh khoản cao và linh hoạt. Trong giai đoạn nắm giữ này, nhà đầu tư luôn có 2 cách thức để chuyển đổi tài sản trái phiếu, tín phiếu mà mình đang nắm giữ thành tiền. Thứ nhất, họ cầm cố trái phiếu mà mình đang nắm giữ như là tài sản đảm bảo khoản vay và tiến hành hồ sơ tín dụng tại ngân hàng. Thứ 2, họ tiến hành ký hợp đồng repo trái phiếu với ngân hàng trong đó quy định rõ lãi suất repo.

Cả 2 cách này đều tiến hành rất đơn giản, hoàn tất trong ngày do tài sản cơ sở của khoản vay này là trái phiếu chính phủ, tín phiếu có độ rủi ro gần như tiệm cận 0% (risk free asset). Người vay cũng không phải chịu mức chiết khấu cao như bất động sản hay kho hàng. Hơn nữa, họ vẫn được hưởng lãi suất coupon trong thời gian cầm cố.

Hiện nay, thông lệ thị trường, một lô đặt lệnh trái phiếu chính phủ là 30 tỉ đồng. Còn đối với tín phiếu, luật qui định, để tham gia đấu thầu trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư chỉ cần có trên một tỉ đồng. Hình thức ghi danh điện tử cho phép chuyển đổi sở hữu trái phiếu, tín phiếu chỉ mất một ngày (T+1), tức là nhanh hơn nhiều so với việc đầu tư cổ phiếu là ba ngày (T+3).

Khác với sổ tiết kiệm, nhà đầu tư trái phiếu ngoài khoản lãi suất coupon cố định được nhận hàng năm thì nhà đầu tư còn được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá mua ban đầu và thị trường. Nếu giá diễn biến bất lợi thì nhà đầu tư vẫn có thể giữ trái phiếu đến ngày đáo hạn để nhận lãi suất coupon. Đối với các doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ hay tín phiếu sẽ được hạch toán là tài sản trên bảng cân đối tài chính.

Khi các tổ chức muốn cơ cấu lại danh mục đầu tư hiện hữu, trái phiếu chính phủ là một lựa chọn mang nhiều ưu thế. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể đầu tư tiền thặng dư vào thị trường nợ thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt. Bởi vì, việc chi trả cổ tức hay tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, xét trên một góc độ hẹp, sẽ tạo thói quen trông chờ cổ tức năm sau cao hơn năm trước, làm giảm sức đề kháng, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.

Rõ ràng, cơ hội đầu tư an toàn và linh hoạt vào thị trường nợ thông qua việc chủ động giao dịch trái phiếu và tín phiếu đã mở ra cho các doanh nghiệp và cá nhân. Vì theo Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Kim Vân, mục tiêu của Chính phủ là tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong vòng 5 năm tới, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu chính phủ đạt 22% GDP.

An Cầm


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới