Hủy
Kinh Doanh

Vốn ngoại vào thị trường chứng khoán có thể đạt 600 triệu USD

Thứ Tư | 07/05/2014 08:16

Nhà đầu tư ngoại nhìn thấy kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục vận động tích cực.
 

“Hết quý I/2014, lượng vốn ngoại vào ròng TTCK Việt Nam đạt 200 triệu USD. Diễn biến từ thị trường cho thấy, dòng vốn này tiếp tục tìm đến Việt Nam và lượng vốn vào ròng có thể đạt 500 - 600 triệu USD trong năm nay”, TS. Alan T. Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.

Sau diễn biến hứng khởi trong quý I/2014, dòng vốn ngoại có dấu hiệu đứng ngoài thị trường. Theo ông, đây là tín hiệu chốt lời để tìm kiếm cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn, hay là cuộc rút vốn ra khỏi Việt Nam?

Diễn biến chùng xuống của dòng vốn ngoại từ đầu quý II/2014 đến nay là dễ hiểu, không có gì bất thường. Sau khi danh mục đầu tư đạt mức sinh lời khoảng 17 - 18% trong quý I/2014, NĐT nước ngoài hoàn toàn có lý khi quyết định chốt lời trên diện rộng, để bảo vệ thành quả đạt được. Đáng chú ý là dòng vốn này không những không rút khỏi Việt Nam, mà còn đang gia tăng để tìm kiếm cơ hội đầu tư được nhìn nhận là đang ở thời điểm rất hấp dẫn trong năm nay.

Trong khi NĐT trong nước vẫn thận trọng khi đưa ra quyết định giải ngân, thì NĐT ngoại đang tăng lượng vốn giải ngân vào các cổ phiếu tốt, có mức giá giảm khá mạnh trong thời gian gần đây. Các quỹ ETF vẫn thành công trong huy động vốn từ NĐT ngoại để chờ cơ hội tăng giải ngân vào TTCK Việt Nam. Với kịch bản lạc quan, lượng vốn ngoại vào ròng trong năm nay có thể đạt 500 - 600 triệu USD.

Cơ sở nào để ông nhận định lạc quan về diễn biến dòng vốn ngoại như vậy?

Sự điều chỉnh của thị trường hiện nay mang tính kỹ thuật nhiều hơn, chứ không phải do yếu tố vĩ mô, hay hiệu quả hoạt động của các DN niêm yết chi phối. NĐT ngoại nhìn thấy kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục vận động tích cực. Các DN đầu ngành vẫn khẳng định được vị thế, khi kết quả kinh doanh trong quý I/2014 cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Với xu hướng vận động trên, VN-Index có thể tăng tối thiểu 20 trong năm nay. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng so với nhiều TTCK trên toàn cầu. Với NĐT nước ngoài, trong vòng một năm mà danh mục đầu tư sinh lời trên 20% là điều đáng chú ý. Sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam đang chinh phục được cả những NĐT khó tính, thường có cái nhìn rất thận trọng, thậm chí bi quan về các thị trường mới nổi như Marc Faber.

Ngày 19/6, tại TP. HCM, Báo Đầu tư, CTCK HVS và Công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital phối hợp tổ chức Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014, với diễn giả chính là Marc Faber. Ông đánh giá gì về hiệu ứng của sự kiện này trong góp phần tăng thu hút vốn ngoại cho TTCK Việt Nam?

Marc Faber là NĐT nổi tiếng thế giới, với quan điểm đầu tư rất thận trọng, bảo thủ. Rất hiếm khi ông ta đưa ra nhận định lạc quan về các thị trường mới nổi. Bởi vậy, khi Marc Faber đưa ra những nhận định tích cực về TTCK Việt Nam, với những cơ hội đầu tư hấp dẫn, đã thu hút sự chú ý của nhiều NĐT trên toàn cầu. Đây là sự kiện tốt, sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK Việt Nam thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn ngoại, nhất là khi kinh tế vĩ mô cũng như hiệu quả kinh doanh của các DN Việt Nam đang cho thấy sẽ tiếp tục vận động theo quỹ đạo tích cực.

Khối ngoại có quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư từ việc Việt Nam đang thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) các tập đoàn, tổng công ty, cũng như đẩy nhanh tiến trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành không, thưa ông?

Đây là điều họ trông đợi từ nhiều năm nay, nên qua hoạt động tiếp xúc, mời gọi đầu tư từ khối ngoại gần đây, chúng tôi nhận thấy họ đang quan tâm tìm kiếm cơ hội tham gia các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các DN lớn, trong đó rõ ràng nhất là kế hoạch IPO của Vietnam Airlines. Sở dĩ NĐT ngoại theo sát tiến độ triển khai IPO của Vietnam Airlines bởi họ tin tưởng, với tư cách là các nhà tư vấn định giá, Morgan Stanley và Citigroup sẽ hỗ trợ Vietnam Airlines đưa ra mức giá IPO hợp lý.

Từ kinh nghiệm trên cho thấy, để thu hút khối ngoại tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình CPH, Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề mấu chốt. Thứ nhất, các tập đoàn, tổng công ty cần thuê các nhà tư vấn có uy tín của thế giới tham gia quá trình tư vấn CPH, xác định giá trị DN. Thứ hai, thông tin về hoạt động của DN 3 năm liền trước CPH, quá trình xác định giá trị DN cần minh bạch. Thứ ba, tỷ lệ cổ phần đưa ra IPO tối thiểu là 30%, lý tưởng nhất là 49 - 51%, chứ nếu chỉ 5 - 10% như hiện nay thì rất khó thu hút khối ngoại tham gia.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới