Hủy
Tạp chí số 744

Thích ứng với virus như thế nào?

Minh Đức Thứ Hai | 06/09/2021 08:00

Việt Nam cũng tính tới phương án “thích nghi” với virus như một lựa chọn thích hợp có tính thời điểm và có điều kiện. Ảnh: Qúy Hòa.

Câu hỏi đặt ra khi nhiều nước đã chuyển từ sách lược “Zero COVID” thành “sống chung với virus”.
 

Lúc này, giới khoa học đưa ra cảnh báo rằng việc các nước từ bỏ mục tiêu “Zero COVID” đã thể hiện thực tế rằng đại dịch sẽ không biến mất. Vì vậy, nhiều nước đang chuyển sách lược “Zero COVID” thành “sống chung với dịch”, hạ thấp kỳ vọng vào việc triệt tiêu virus và nhấn mạnh rằng với việc tiêm phòng cùng các biện pháp khác “chúng ta có thể biến đại dịch thành một thứ ít đe dọa hơn”.

Chẳng hạn, tại Đức, Pháp và Ý, giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 hay xét nghiệm âm tính là điều kiện tiên quyết để người dân tham gia các hoạt động thường ngày. Trong khu vực, Thái Lan đang nới một số hạn chế và mở cửa biên giới cho du khách đã tiêm phòng. Thậm chí, với giả định tất cả người dân đều nhiễm virus, trọng tâm trong tương lai của các nước này là ngăn số ca nhiễm vượt quá khả năng chống chọi của hệ thống y tế. Biện pháp chính là tiêm chủng bao phủ cho các nhóm dễ bị tổn thương, nhanh chóng truy vết ca nhiễm.

 

Việt Nam cũng tính tới phương án “thích nghi” với virus như một lựa chọn thích hợp có tính thời điểm và có điều kiện. Phân tích diễn biến dịch bệnh trên thế giới, ngay cả các nước có điều kiện, tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động và quá tải về hệ thống y tế, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh “phải xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải thích ứng và có cách làm phù hợp...”.

Để chung sống an toàn với đại dịch, Việt Nam cần có phương án chuẩn bị cho việc sống chung với dịch bệnh dựa trên 4 yếu tố: tỉ lệ ca nhiễm, tỉ lệ ca bệnh nặng, tỉ lệ tiêm vaccine và khả năng đáp ứng của ngành y tế. Đây là vấn đề mà nhiều nước đối mặt khi dù vaccine đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng, nhập viện và tử vong, nhưng dữ liệu gắn kết cho thấy vaccine không ngăn chặn được sự lây truyền do biến thể Delta. Vẫn còn rất nhiều yếu tố phải cân nhắc để Việt Nam có thể chuyển chiến lược từ dập dịch sang sống chung với virus và cứu nền kinh tế.

Nếu không dập tắt dịch được mà phải sống chung với nguy cơ virus COVID-19 trong thời gian dài, Việt Nam cần phải tìm hình thức sinh hoạt và sản xuất thích hợp, với hậu quả thấp nhất. Thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách ở mức độ cao nhất cho thấy tầm quan trọng của việc cần ưu tiên vào những lĩnh vực, ngành sản xuất hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm... tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất của doanh nghiệp và giữ được an sinh xã hội. 

Ảnh: TL.
Để chung sống an toàn với đại dịch, Việt Nam cần có phương án chuẩn bị cho việc sống chung với dịch bệnh. Ảnh: Qúy Hòa.

Cùng với đó là việc duy trì lực lượng lao động trong các ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam nhằm bắt nhịp với đà phục hồi của các đối tác lớn như Mỹ, châu Âu. Việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu giúp kinh tế Việt Nam đứng vững hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Trong năm 2020, GDP của Việt Nam tăng 2,9% khi hầu hết các nền kinh tế trong khu vực tăng trưởng âm. Thậm chí, khi dịch bệnh tiếp tục phức tạp, trong báo cáo ra ngày 24.8, World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 4,8% trong năm nay.

Để duy trì lợi thế này, Việt Nam cần phải nhanh chóng giảm thiểu nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn, ông Lê Hữu Bình, Giám đốc Tài chính cấp cao, Công ty Jabil Việt Nam, kiến nghị cần có quy định cụ thể và mang tính chất khả thi cho doanh nghiệp có thể xác định và triển khai mô hình sản xuất theo phương châm “4 xanh” (gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh). 

Đại diện Intel Việt Nam đề nghị tiếp tục tiêm vaccine mũi thứ 2 cho công nhân trong Khu Công nghệ cao để tạo “lao động xanh” và thực hiện “cung đường xanh” cùng với “2 tại chỗ”. Đồng thời, Công ty kiến nghị cho phép doanh nghiệp tăng giờ lao động phụ trội lên 100 giờ, để tăng năng suất và cải thiện tình trạng chậm trễ đơn hàng... 

 

Để có thể giữ vững hoạt động sản xuất, chính quyền cần có chính sách trao quyền chủ động cho doanh nghiệp, chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn; doanh nghiệp xây dựng mô hình, chịu trách nhiệm vận hành; người lao động có vai trò tham gia, tuân thủ nghiêm túc.

Có thể thấy, đây là thời điểm để địa phương cũng như Chính phủ xây dựng đề án, đưa ra lộ trình tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế theo định hướng ưu tiên phát triển bền vững. Trong dài hạn, báo cáo của World Bank cho rằng để nâng cao sự tự chủ về kinh tế, trong thời gian tới Việt Nam cần tận dụng các điều kiện để vươn mình trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số. Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam Jacques Morisset nhận định: “Chuyển đổi số đang diễn ra ở Việt Nam và cú sốc COVID-19 là nhân tố thúc đẩy lớn”. 

Thậm chí, theo Giáo sư Trần Văn Thọ, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy kinh tế. Các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp... sẽ chuyển theo hướng khác hoặc có điều chỉnh so với những gì đã thấy trong quá khứ. “Trong đó, vấn đề đô thị hóa và phát triển nông thôn phải được đặt lại theo hướng mới do phải tránh tập trung vì phòng ngừa đại dịch”, ông Thọ khuyến nghị.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới