Hủy
Người Tiên Phong

Tổng Giám đốc Vietravel Airlines: Tư duy chủ động là điểm khác biệt của chúng tôi

Tú Cẩm Thứ Hai | 14/03/2022 14:17

Chỉ vài tháng sau khi được cấp phép bay thì đại dịch xảy đến, có thể nói hiếm hãng hàng không nào có khởi đầu nhiều thử thách như Vietravel Airlines. Ảnh: Quý Hòa.

 
 
Người đứng đầu Vietravel Airlines cho rằng những khó khăn phía trước sẽ chưa sớm kết thúc.

Chỉ vài tháng sau khi được cấp phép bay thì đại dịch xảy đến, có thể nói hiếm hãng hàng không nào có khởi đầu nhiều thử thách như Vietravel Airlines. Và sau 2 năm đối mặt với COVID-19, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines, cho rằng những khó khăn phía trước sẽ chưa sớm kết thúc. Tuy nhiên, vị CEO và đội ngũ của hãng hàng không trẻ vẫn tin tưởng con đường phát triển của Hãng trong dài hạn.

 

Cùng với COVID-19, giá dầu tăng mạnh và chiến sự ở Ukraine hẳn là những thử thách lớn với các hãng bay, thưa ông?

Chắc chắn là như vậy. Chúng tôi đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn: giá dầu tăng khiến nhiều chi phí đầu vào khác cũng tăng, điểm đến nước Nga và thị trường khách Nga vốn là thế mạnh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến sự, lạm phát cộng với kinh tế có khả năng phục hồi chậm lại sẽ làm cho người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn, từ đó nhu cầu du lịch của người dân sẽ bị hạn chế...

Theo góc nhìn cá nhân tôi, giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng, thậm chí có thể lên đến 130 USD/thùng như năm 2014. Chiến sự Ukraine có thể kết thúc sau ít tuần nữa, nhưng đại dịch thì chưa ai dám khẳng định đến khi nào mới hết ảnh hưởng đời sống con người. Tôi cho rằng trong trạng thái tích cực nhất phải đến cuối năm 2023 ngành hàng không - du lịch nội địa mới thực sự phục hồi, đến năm 2024 thì doanh thu toàn ngành mới có thể trở lại như mức năm 2019.

Là một hãng hàng không mới thành lập, chưa tích lũy được gì, ông và đội ngũ đối phó với các khủng hoảng liên tiếp như thế nào?

Chúng tôi phải thường xuyên định hình lại chiến lược và điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh. Ban đầu chúng tôi lên kế hoạch nâng từ 3 lên 8 máy bay vào năm thứ 2 hoạt động và tăng lên 25-30 máy bay vào năm thứ 5. Tuy nhiên, chỉ tiêu này sẽ phải thay đổi linh hoạt theo biến động thị trường. Hoặc là khi bắt đầu xây dựng đề án vào đầu năm 2018, chúng tôi dự kiến đến năm 2023 sẽ hòa vốn. Tuy nhiên, với tình thế hiện nay, Vietravel Airlines xác định sẽ tiếp tục lỗ cho đến năm 2024, thậm chí là năm 2025. Tình trạng lỗ kéo dài này không chỉ của riêng chúng tôi, mà của hầu hết các hãng hàng không khác nữa. Bài toán của các hãng bay hiện nay và vài năm tới là làm sao duy trì dòng tiền để có thể tồn tại.

Theo góc nhìn cá nhân tôi, giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng, thậm chí có thể lên đến 130 USD/thùng như năm 2014. Ảnh: TL.
Theo góc nhìn cá nhân tôi, giá dầu sẽ còn tiếp tục tăng, thậm chí có thể lên đến 130 USD/thùng như năm 2014. Ảnh: TL.

Đúng là mới thành lập nên chúng tôi chưa tích lũy được lợi nhuận. Tuy nhiên, vì mới, quy mô còn nhỏ nên chi phí duy trì đội bay của chúng tôi không lớn như các hãng khác. Đây lại là lợi thế trong đại dịch. Ngoài ra, đến giờ này Vietravel Airlines vẫn giữ được hầu hết lực lượng nhân sự hơn 300 người, trong đó 85% là phi công nước ngoài. Ban lãnh đạo hãng đều có trên dưới 30 năm kinh nghiệm, đã trải qua nhiều thăng trầm và khủng hoảng của ngành hàng không.

Bước sang năm 2022, du lịch nội địa được đánh giá là sẽ phục hồi mạnh mẽ. Vậy các hãng hàng không sẽ cạnh tranh như thế nào ở thị trường bay trong nước?

Các hãng hàng không Việt Nam có hơn 200 máy bay. Hiện chưa bay quốc tế được nên tất cả công suất đều dồn cho nội địa và tôi cho rằng cung vẫn sẽ lớn hơn cầu. Vì thế, cạnh tranh về giá vé giữa các hãng là tất yếu. Trong bối cảnh giá dầu tăng liên tục, chuỗi cung ứng bị tác động bởi đại dịch, chiến sự khiến cho việc nhập khẩu trang thiết bị bay tốn kém hơn, lạm phát chực chờ trong khi hãng bay bán vé thu tiền Việt và thanh toán phần lớn chi phí bằng USD... Tất cả những yếu tố đó khiến cho bài toán tài chính dài hạn của các hãng hàng không trở nên rất phức tạp lúc này.

 

Vậy đến lúc thị trường quốc tế được mở cửa hoàn toàn thì sao?

Theo tôi, đến lúc đó cạnh tranh lại càng khốc liệt vì sẽ có thêm các hãng bay ngoại. Đặc biệt, thêm một thời gian nữa, áp lực nguồn thu lên tất cả các hãng là cực kỳ lớn. Các hãng hàng không sẽ phải cạnh tranh giá dữ dội vì yếu tố sống còn.

Bên cạnh giá, thế mạnh cạnh tranh của Vietravel Airlines nằm ở đâu?

Thế mạnh của Vietravel Airlines nằm ở chất lượng phục vụ. Chúng tôi vẫn bám sát định vị thương hiệu là hãng hàng không mang đậm bản sắc văn hóa và du lịch. Theo đó, Vietravel Airlines không ngừng đổi mới và đưa vào các sản phẩm dịch vụ theo đúng bản sắc của một hãng hàng không du lịch đầu tiên không chỉ của Việt Nam mà còn là châu Á để mỗi hành trình bay, hành khách sẽ cảm nhận được các trải nghiệm thư giãn, giải trí và văn hóa điểm đến đặc sắc. Trên mỗi chặng bay, chúng tôi luôn có hướng dẫn viên hàng không cung cấp thông tin về văn hóa, lịch sử và các món ăn đặc sắc của mỗi điểm đến. Khách đi hạng vé nào cũng được phục vụ nước và snack đặc trưng cho điểm đến, chẳng hạn như món cốm trên chuyến bay đi Hà Nội, dừa sấy trên chuyến bay đi Cần Thơ... Bên cạnh đó, trong thời gian tới, nhu cầu giải trí cá nhân của khách bay cũng được đáp ứng: khách bay có thể dùng iPad và điện thoại truy cập vào kho nội dung mà Vietravel Airlines xây dựng.

 Chúng tôi cũng chủ động làm việc với các đối tác trong và ngoài nước nhằm mang lại sự tiện lợi và đa dạng kênh tiếp cận sản phẩm của Hãng cả về trực tuyến lẫn trực tiếp đối với hành khách. Trong suốt hơn 6 tháng ngủ đông năm 2021, cả đội ngũ của tôi vẫn làm việc hết công suất để hoàn thiện các khâu kỹ thuật, dịch vụ, tối ưu hóa các kênh bán. 


 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới