Gặp gỡ người phụ nữ “xanh”
Chị Ngụy Thị Khanh. Ảnh: Quý Hòa
Gặp chị Ngụy Thị Khanh đúng giữa trưa trong không gian sảnh chờ của một khách sạn ở quận 1, nơi Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) vừa tổ chức buổi hội thảo về một năm thực hiện nghị quyết điện năng lượng mặt trời. Vỏn vẹn 40 phút là thời gian chị có thể dành cho chúng tôi, khoảng trống giữa việc di chuyển từ TP.HCM đến Cần Thơ cho hội thảo kế tiếp, cũng là khoảng thời gian hiếm hoi tôi có được sau 5 tháng liên lạc với chị kể từ khi biết tin về giải Goldman chị được trao tại Mỹ vào tháng 4.2018.
Trong quãng thời gian ngắn ngủi, chị Khanh không nói về gia đình hay giải thưởng, mà dành trọn vẹn để kể về GreenID và hành trình tích cực đóng góp vào các quyết định về môi trường của tổ chức. “Kỷ niệm khó quên của mình là khi biết Quy hoạch điện VII điều chỉnh giảm 20.000MW điện than được phê duyệt, cả văn phòng cùng hô lên sung sướng, xúc động khi mình đã có đóng góp trong quá trình thúc đẩy một chính sách tiến bộ”, chị Khanh cười kể.
Kết nối với các cơ quan chính phủ và các bên liên quan chính là điểm đặc biệt trong cách hành động của GreenID, tổ chức phi chính phủ mới 7 năm tuổi. Với cách tiếp cận đa chiều và hợp tác, GreenID luôn chia sẻ thông tin với tất cả các bên có quan tâm, liên quan như nhà khoa học, công chúng và đặc biệt là các cơ quan nhà nước, đồng thời tiếp nhận phản hồi từ tất cả các bên.
Những phân tích của GreenID xuất phát từ thực tế, có cơ sở lý thuyết kết hợp với thực tiễn quốc tế để đưa vào, được phân tích phù hợp với Việt Nam. Luôn đặt ưu tiên tìm giải pháp cho những vấn đề đặt ra, GreenID dần lấy được lòng tin của những người làm chính sách và nhận được hồi đáp của họ. Chỉ trong năm 2017, GreenID đã thực hiện được 10 cuộc đối thoại chính sách, 10 nghiên cứu và 35 tài liệu liên quan đến vận động chính sách.
Hành trình chị đến với GreenID và nhiệt điện than khá dài, bắt nguồn từ những năm tháng làm việc trong một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ nguồn nước và sông ngòi. Khi thấy câu chuyện góp ý về các dự án thủy điện đang xây dựng tràn lan khắp nơi mà không thay đổi được nhiều, chị Khanh tìm hiểu và phát hiện ra thủy điện có mối liên hệ mật thiết và là một mảnh ghép trong bức tranh phát triển năng lượng.
Được truyền cảm hứng khi tham gia chương trình quốc tế về phát triển năng lượng bền vững, chị Khanh nhận thấy sự cần thiết cần phải có những thay đổi nhìn trên bình diện quốc gia về việc phát triển ngành năng lượng, một lĩnh vực các tổ chức phi chính phủ ít tham gia và đang bỏ trống vào thời điểm năm 2011. GreenID được ra đời dưới nỗ lực của chị Khanh cùng 3 đồng nghiệp nhằm tìm kiếm các giải pháp để giải quyết câu chuyện phát triển bền vững cho cộng đồng.
“Đứng trên vai người khổng lồ” được ứng dụng trong cách GreenID thực hiện các nghiên cứu và khuyến nghị. Tổ chức tự nghiên cứu khi có khả năng, hoặc sử dụng các nghiên cứu sẵn có sau khi thẩm định tính xác thực của nghiên cứu và bổ sung lập luận. Cách đặt vấn đề dựa trên bằng chứng thực tế, cơ sở rõ ràng của GreenID được hình thành từ chính kinh nghiệm của chị Khanh khi học ở Học viện Quan hệ Quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao). Môi trường học tập đã đào tạo kỹ năng phân tích và tư duy phản biện nơi chị. “Muốn người ta làm thì mình phải làm trước để biết khó khăn là gì, như văn phòng xanh hay phân loại rác thải và mình phải cam kết với hành động đó” là nguyên tắc của chị Khanh.
Là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng Goldman năm 2018, giải thưởng về môi trường có truyền thống 29 năm, chị Khanh đại diện cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của các tổ chức phi chính phủ địa phương trong việc đẩy mạnh phát triển bền vững tại Việt Nam.
Chị Khanh không biết người đề cử mình là ai, chị đã được ban quản lý quỹ thuê chuyên gia để nghiên cứu đa chiều qua tương tác với nhà tài trợ, đối tác, đồng nghiệp của chị trong vòng 6 tháng. “Việc công nhận tạo động lực thúc đẩy mình rất lớn,” chị Khanh tâm sự. “Mình cũng nhận ra đây là cơ hội giáo dục và truyền thông ngay tại nước Mỹ. Có những ông bà, bố mẹ đưa con đến dự buổi lễ, chờ 1-2 tiếng đồng hồ chỉ để bắt tay mình”.
Quy hoạch điện VIII sắp được xây dựng, chị Khanh lại tất bật cùng đồng nghiệp và các chuyên gia đóng góp cho quy hoạch mới với đề xuất cân bằng giữa các nguồn năng lượng, tính toán các mô hình sao cho khả thi về chi phí, cả kinh tế và môi trường với các bên liên quan. Không dừng ở xuất phát điểm năng lượng, GreenID giờ thúc đẩy cả quản trị nước và không khí sạch, những nguồn tài nguyên quý giá không thể thay thế đối với cuộc sống con người.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Dung Phạm
-
Thái Tuệ