Hủy
Tài Chính

Các cổ phiếu mất bao lâu để "lấy lại những gì đã mất"?

Song Luân Thứ Sáu | 12/06/2020 15:28

Ảnh: Quý Hòa.

Sau những đợt giảm mạnh của thị trường, các cổ phiếu mất bao lâu để hồi phục lại vùng giá trước đó?
 

Có thể nói, nhà đầu tư không hề xa lạ với những phiên giảm điểm mạnh của thị trường chứng khoán. Thông thường, sau những đợt tăng nóng thì thị trường chứng khoán sẽ có những cú sụt giảm mạnh.  

Ở những trường hợp này, nhà đầu tư thường lựa chọn bán cổ phiếu để giới hạn mức thua lỗ của mình. Và theo kinh nghiệm của huyền thoại đầu tư William O’neil, nhà đầu tư nên bán một cổ phiếu đang nắm giữ sau khi nó giảm 7% so với giá mua.

“Tôi biến nó thành một quy tắc để không bao giờ mất hơn 7% cho bất kỳ cổ phiếu nào tôi mua. Nếu một cổ phiếu giảm 7% dưới giá mua, tôi sẽ tự động bán nó - không cần dự đoán hay do dự”.

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư lựa chọn nắm giữ cổ phiếu, thì mất bao lâu để danh mục có thể hồi phục trở lại? Hãy cùng nhìn lại lịch sử hồi phục của các cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30.

Biểu đồ tháng của chỉ số VN-Index. Nguồn: FireAnt.
Biểu đồ tháng của chỉ số VN-Index. Nguồn: FireAnt.

Không kể sự điều chỉnh của thị trường vì COVID-19 vào tháng 3.2020 thì lần điều chỉnh mạnh nhất rơi vào đầu tháng 4.2018 khi VN-Index chuẩn bị vượt đỉnh lịch sử quanh khu vực 1.200 điểm.

Cú sụt giảm đó kéo dài đến thời điểm hiện tại và chỉ số VN-Index vẫn chưa lấy lại những gì đã mất. Mức điểm cao nhất mà VN-Index chạm tới trong năm 2019 là ngưỡng 1028 điểm vào tháng 11.2019. Sau đó, thị trường tiếp tục lên xuống dưới mức này.

Mặc dù chỉ số chung của thị trường chưa khôi phục lại vùng giá đã đánh mất hồi năm 2018. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng lại vùng giá cũ, thậm chí là chinh phục những vùng giá mới.

Vietcombank (HOSE: VCB) hồi phục sau 1 năm

Tháng 3.2018, cổ phiếu VCB đạt mức giá 74.860 đồng/cổ phiếu, thiết lập vùng giá cao nhất kể từ trước đến nay. Ngay sau đó, cổ phiếu liên tiếp điều chỉnh và đến tháng 5.2018, VCB tạo đáy và đi lên khi giá chạm ngưỡng 45.800 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VCB mất hơn 1 năm để hồi phục lại. Ảnh: FireAnt.
Cổ phiếu VCB mất hơn 1 năm để hồi phục lại. Ảnh: FireAnt.

Hơn 1 năm sau đó, vào tháng 7.2019, VCB chinh phục lại vùng giá 7x và tiếp tục xu hướng tăng, chinh phục vùng đỉnh mới quanh khu vực 95.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 1.2020.

Lần điều chỉnh gần nhất trong năm 2020, VCB đã tạo đáy quanh mức 56.600 đồng/cổ phiếu và bứt phá mạnh. Hiện tại, cổ phiếu VCB được giao dịch ở mức giá 85.500 đồng/cổ phiếu (12.6.2020).

MWG mất gần 2 năm để hồi phục

Khác với VCB, cổ phiếu của Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) đã giảm từ tháng 11.2017 sau khi đạt vùng giá 100.076 đồng/cổ phiếu. Đợt điều chỉnh đó, MWG đạt mức giá thấp nhất quanh khu vực 71.240 đồng/cổ phiếu vào tháng 4.2018.

Cổ phiếu MWg mất gần 2 năm để hồi phục lại. Ảnh: FireAnt.
Cổ phiếu MWG mất gần 2 năm để hồi phục lại. Ảnh: FireAnt.

Đến tháng 7.2019, giá cổ phiếu MWG mới hồi phục lại vùng giá đã mất và đi vào xu hướng tăng mới. Vào tháng 9.2029, MWG đạt mức giá 129.500 đồng/cổ phiếu và sau đó tiếp tục điều chỉnh mạnh cùng diễn biến của thị trường chung.

Lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 3.2020, cổ phiếu MWG đã xuống tới 56.300 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, MWG được giao dịch quanh mức 84.500 đồng/cổ phiếu.

FPT cũng mất hơn 1 năm để hồi phục

Tháng 1.2018, cổ phiếu của Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) đạt mức giá cao nhất quanh khu vực 40.480 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu đi vào pha điều chỉnh mạnh cùng thị trường chung.

Đến tháng 7.2019, cổ phiếu FPT mới hồi phục lại vùng giá cũ và bắt đầu tăng giá so với điểm ban đầu. Vùng giá cao nhất mà FPT chinh phục được là 52.320 đồng/cổ phiếu vào tháng 11.2019. Hiện tại, sau những phiên điều chỉnh, FPT đang được giao dịch quanh vùng 46.900 đồng/cổ phiếu.

FPT mất hơn 1 năm để hồi phục. Ảnh: FireAnt.
FPT mất hơn 1 năm để hồi phục. Ảnh: FireAnt.

Bên cạnh những cổ phiếu trên, thì cổ phiếu của Thép Hòa Phát (HOSE: HPG) và "vua sữa" Vinamilk (HOSE: VNM) vẫn chưa khôi phục lại vùng giá đã bị đánh mất từ đợt giảm mạnh nhất vừa qua.

Cụ thể, VNM đạt đỉnh vào tháng 1.2018 tại mức giá 167.700 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu đã đi vào điều chỉnh mạnh. Cho đến thời điểm hiện tại, VNM được giao dịch quanh vùng giá 117.900 đồng/cổ phiếu, và vẫn chưa tìm lại những gì đã mất.

Tương tự, cổ phiếu HPG cũng lao vào điều chỉnh từ hồi tháng 3.2018 từ vùng giá 37.250 đồng/cổ phiếu và vẫn chưa chinh phục lại vùng giá cũ. Hiện tại HPG được giao dịch quanh khu vực 26.000 đồng/cổ phiếu.

Bức tranh về một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã phần nào cho thấy bức tranh chung của thị trường chứng khoán. Việc lựa chọn nắm giữ hay bán cổ phiếu để giới hạn khoản lỗ tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư.

 

Theo lời khuyên của phù thủy chứng khoán Mark Minervin, nhà đầu tư chỉ nên sử dụng mức cắt lỗ khoảng 10% hoặc thấp hơn, vì thua lỗ sẽ chống lại bạn theo quy luật hình học. Lỗ nhiều hơn 10%, bạn sẽ rất khó khăn để trở lại điểm hòa vốn.

Hãy quan sát các con số dưới đây để hiểu rõ sự nguy hiểm của thua lỗ. Theo số liệu được ông Mark Minervin đưa ra, với khoản lỗ 5%, bạn chỉ cần đạt mức sinh lời 5,26% để hòa vốn.

Với khoản lỗ 10%, mức sinh lời cần để hòa vốn là 11%. Tuy nhiên, nếu khoản lỗ lên tới 40% thì khoản sinh lời phải là 67% chỉ để hòa vốn. Và nếu bạn để mất 50% vốn hay 90% thì con số lên tới 100% hay 900% chỉ để hòa vốn. Thử hỏi trong thực tế, có bao nhiêu cổ phiếu bạn mua có thể đạt được tỉ suất lợi nhuận 100% hay chí ít là 67%?

Do đó, theo lời khuyên của phù thủy Mark Minervin, mức lỗ tối đa nhà đầu tư nên cho phép là 10%, hoặc nên thấp hơn mức đó.

* Có thể bạn quan tâm 

►Bán cổ phiếu khi thị trường lao dốc: Nên hay không?

►Sau "cú sút" mạnh của thị trường, nhà đầu tư nên làm gì?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới