Hủy
Tài Chính

Cước vận tải đẩy sóng cổ phiếu

Vũ Hoài Thứ Ba | 20/07/2021 08:00

Ảnh: TL.

Việc giá cước vận tải bị đẩy lên cao đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp khai thác tàu và kho bãi.
 

Vận tải biển là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 cùng sự gián đoạn chuỗi cung ứng, sản lượng vận tải đã sụt giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2020. Khi sản lượng dần phục hồi từ nửa cuối năm 2020, sự tắc nghẽn và gián đoạn càng trở nên nghiêm trọng hơn, đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao kỷ lục. Trong khi giá cước vận chuyển hàng rời và hàng lỏng khá ổn định trong thời kỳ dịch COVID-19, giá cước container đã tăng gấp 4 lần mức trước dịch.

Ảnh: TL.
Ảnh: TL.

Cước vận chuyển tăng cao hơn ở các tuyến đường dài như tuyến châu Á - châu Âu và châu Á - Bắc Mỹ. Cước vận chuyển hàng hóa tại các tuyến này đã tăng khoảng 4-8 lần trong vòng 1 năm. Đơn cử, chi phí để vận chuyển một container 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam (Hà Lan) lên tới 11.975 USD vào ngày 25.6.2021, tăng 554% so với 1 năm trước đó.

Việt Nam không tham gia vào vận tải biển liên lục địa. Do đó, doanh nghiệp nhìn chung chịu tác động tiêu cực từ việc tăng giá cước trên các tuyến đường dài. Tại thị trường châu Á, Việt Nam có một số công ty vận tải biển hoạt động với quy mô rất hạn chế nên tác động tích cực là có nhưng không nhiều.

Theo số liệu của SSI Research, tổng lợi nhuận ròng của các công ty vận tải biển đã tăng từ mức âm 145 tỉ đồng trong quý I/2020 lên 32 tỉ đồng trong quý I/2021 (đã loại bỏ các trường hợp đột biến). Tổng doanh thu của các công ty vận tải biển cũng tăng 13% so với cùng kỳ trong quý I/2021.

Theo SSI Research, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) có thể hưởng lợi từ triển vọng tươi sáng của ngành vận tải container. Phân khúc vận tải là động lực tăng trưởng chính cho Hải An trong những năm gần đây. Công ty có đội tàu container lớn nhất Việt Nam, đầu tư với chi phí vốn thấp trong chu kỳ đi xuống của ngành vận tải và sẵn sàng hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành cùng với nhu cầu vận tải container ngày càng gia tăng ở thị trường trong nước. Năm 2021, SSI Research ước tính Hải An đạt 1.900 tỉ đồng doanh thu và 284 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 59% và 67% so với năm 2020.

Ngoài ngành vận tải container, SSI Research cho rằng xuất khẩu Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu. Do đó, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 20% trong năm 2021. Sở hữu mạng lưới logistics rộng khắp cả nước, các cảng của Công ty Cổ phần Gemadept (mã GMD) là một trong những đối tượng được hưởng lợi chính từ xu hướng này.

 

Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gemadept, ngay trong những ngày đầu năm 2021, chuyến tàu thương mại đầu tiên với tuyến hàng hải nối liền Việt Nam - Mỹ đã cập bến cảng Gemalink. Là 1 trong 19 cảng lớn trên thế giới có thể tiếp nhận siêu tàu container, Gemalink chính thức ghi tên mình lên bản đồ hàng hải của thế giới. Ngoài ra, Gemadept đã tiến hành đầu tư mở rộng cầu cảng, đầu tư thêm trang thiết bị làm hàng hiện đại, nâng cao công suất cho các cảng hiện hữu như cảng Nam Đình Vũ, cảng Bình Dương. 

 

“Cùng với những bước tiến vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Gemadept đã và đang tiếp tục triển khai các dự án SmartPort, SmartLogistics, hướng đến nhân rộng mô hình cảng xanh (Green port) trên toàn hệ thống”, ông Nhân chia sẻ.

SSI Research đánh giá triển vọng năm 2021-2022, cảng Gemalink dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận ngay cho Gemadept trong năm đầu tiên đi vào hoạt động. Gemalink và cảng Nam Đình Vũ dự kiến sẽ hoạt động hết công suất kể từ nửa cuối năm 2021, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cho Công ty. SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Gemadept đạt 762 tỉ đồng, tăng 49% so với năm 2020.

Ở một góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng việc giá cước vận tải bị đẩy lên cao đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác tàu và kho bãi. Cụ thể, tốc độ lưu thông hàng hóa chậm lại sẽ làm gia tăng nhu cầu lưu kho hàng hóa. Một ví dụ là Công ty Cổ phần Transimex (mã TMS) đã ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2020 rất tích cực. Đặc biệt trong quý I/2021, lợi nhuận trước thuế của công ty này tăng gần 80% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Agriseco Research đánh giá việc tăng giá thuê tàu cũng giúp giá trị thị trường của đội tàu doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Do vậy, các doanh nghiệp có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ việc thanh lý những con tàu có tuổi đời cao.

Về dài hạn, Agriseco Research cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ tạo áp lực lớn để các doanh nghiệp thay đổi những phương thức logistics truyền thống, áp dụng các thành tựu công nghệ để phòng chống một kịch bản đứt gãy chuỗi cung ứng tương tự trong tương lai. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới